Đời sống 'Linh hồn' của làng rau
12 giờ đêm, ánh đèn loang loáng. Hương của các loại rau mùi xông lên nưng nức. Húng quế, ngò gai, cải con, rau thơm... còn ngái ngủ được đánh thức bởi bàn tay của các chị. Họ là 'linh hồn' của làng rau Thành Trung và các thôn khác của xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền.
Chúng tôi gặp các chị khi mặt trời đã lên cao. Thật khó tin là từ lúc khuya, chị Nguyễn Thị Thôi đã quần quật ngoài đồng 7 tiếng đồng hồ. Vùng này, phụ nữ dậy sớm để chăm rau là chuyện “phổ thông”, vì chỉ tính riêng làng rau Thành Trung, 100% hộ dân đều trồng rau. Cứ có đất là có rau.
Vì có chợ rau sớm ngay tại xã, chị Thôi cũng như bao phụ nữ khác phải kịp đến chợ trong khoảng từ 2-5 giờ sáng. Mỗi loại rau một gu mua, rau húng, rau thơm giờ nào cũng được, nhưng cải con nhất định phải thật là sớm. Chị Thôi cười: “Chi chớ có cải con là đôi khi 11 giờ tối đã phải dậy. Càng dậy sớm cải càng tươi non, chất lượng càng đảm bảo. Chăm rau như chăm con mọn”.
Hồ hởi khoe với chúng tôi rau đợt này đang tăng giá, chị so sánh: “Rau thơm ni mới 35 nghìn đồng/kg, đợt này đã lên 45 nghìn”. Ước lượng với một thau inox rau trên tay, chị cầm chắc hơn 200 nghìn đồng, thật đúng với câu “mớ rau – thau bạc”.
Đang nhanh tay vun vén nốt chỗ cỏ, chị Đinh Thị Di, 53 tuổi bật cười khi chúng tôi tò mò. Dưới cái nắng oi, đôi bao tay “te tua” của chị huơ huơ thật điệu nghệ. Chỉ trong chốc lát, đám cỏ đã được chị vun gọn. “Bao tay ni là tui cắt bớt, chứ mang cả cái khó mà nhổ cỏ. Còn cái dù ni mới thực là hữu ích”. Cái dù mà chị Di nhắc đến là sản phẩm cực kỳ lạ mắt. Thân dù bằng sắt và tre, chia làm bốn, đuôi dù được gắn chuôi sắt nhọn. Trên chiếc thân là mảnh vải căng phồng. Với chiếc dù tiện dụng, chị Di chăm bón luống rau này sang luống rau khác. Nhiều hôm đến quá trưa hai vợ chồng mới về nhà.
Rau đã trở thành đặc sản của vùng quê này, trong đó, chính chị em phụ nữ cũng là “đặc sản” tại Quảng Thành. Bà Huỳnh Thị Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tự hào: “Trồng rau không chỉ đem lại thu nhập, nó còn thể hiện sự trân trọng nghề truyền thống của địa phương. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, không ngừng học hỏi, nhiều chị em đã chủ động tìm tòi những cách làm hay, hiệu quả, từ đó nâng cao năng suất và giá trị cho vùng trồng rau Quảng Thành”.
Đặc trưng khi trồng rau đều là những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Vì thế chẳng lạ gì khi những người phụ nữ là nhân lực chính, cáng đáng từ gieo đến thu hoạch. Trải qua thời gian, họ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thích ứng với cái khó của thời tiết, cái bấp bênh của thị trường. Chiếc dù mà chị Di nhắc đến do ông Bảy (thôn Thành Trung) chế tạo. Với giá từ 30 nghìn/1 cái, mỗi năm ông “ăn theo” các hộ trồng rau, làm hàng loạt dù tự chế che bớt nắng mưa.
Không chỉ tạo điều kiện lao động tối đa, các chị còn áp dụng cơ khí hóa. Cách đây 2 năm, xã Quảng Thành xuất hiện máy cày tay. Chỉ với giá trung bình 15 triệu đồng/1 chiếc, song năng suất máy cao gấp 6 lần công cuốc tay. Thay vì mất cả tiếng để làm vồng, chị Nguyễn Thị Thôi thuê luôn nhân công. Cứ mỗi luống đất chị chỉ mất 20 nghìn đồng, đất lại tơi hơn, trỉa trồng cho năng suất cao hơn.
Tổng diện tích rau tại xã Quảng Thành đạt hơn 31ha. Hiện nay, ngoài tiếp tục củng cố, mở rộng quy mô sản xuất, chính quyền địa phương còn liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức giới thiệu, thu mua, cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường.
Mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ra đời và phát triển đã thay đổi cách thức trồng rau. Bên cạnh đó, để thích nghi với vùng đất thấp trũng thường xuyên bị lũ lụt, đã có mô hình mới như “vườn treo vượt lũ” được chị em hội viên thực hành. Rau Quảng Thành đã có mặt tại các hệ thống siêu thị của Huế như Co.op Mart, Big C và hầu hết các chợ đầu mối, chợ lẻ trên toàn tỉnh.
Bài, ảnh: Mai Huế
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/linh-hon-cua-lang-rau-a74234.html