Đời sống 'Người thầy thuốc của bản làng'
Làm việc ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà mọi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thua kém các địa phương khác, thế nhưng y sĩ Nguyễn Quốc Linh, Phó Trạm y tế (TYT) xã Hương Hữu (Nam Đông) hàng ngày vẫn miệt mài, tâm huyết với công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao.
Gắn bó với địa bàn
38 năm trước, vừa rời khỏi chiến trường Lào, anh Linh, quê ở xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà (Hà Tĩnh) xin về làm công tác y tế tại Xí nghiệp mỏ khai thác Frit (Nam Đông). Năm 1995, xí nghiệp trên chia tách, anh về TYT xã Thượng Long (Nam Đông). Thời gian đó, nơi đây là địa bàn trọng điểm sốt rét của tỉnh. Với tình trạng như thế, anh Linh phải làm việc liên tục ngày đêm trong điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực rất hạn chế.
Gần 10 năm gắn bó với vùng khó, anh được chuyển đến TYT xã Hương Hữu (Nam Đông), một địa bàn không mấy thuận lợi, đường sá cách trở, bà con dân tộc thiểu số chiếm gần 100%. Thế nhưng mọi chương trình, hoạt động liên quan đến y tế có lợi cho bà con tại địa phương, anh Linh không nề hà gian khó.
Nhiều người hỏi sao gắn bó cuộc đời với nơi vùng cao lâu thế? Anh trả lời, vì cuộc sống của bà con ở đây còn khó khăn, dịch bệnh nhiều nên không thể xa được. Nếu người bệnh được cấp cứu ban đầu tốt, việc chuyển lên tuyến trên để điều trị gặp nhiều thuận lợi, giảm chi phí cho bà con. Bây giờ đã cận kề tuổi nghỉ hưu, y sĩ Linh vẫn không ngại khó, ngại khổ gắn bó với công việc ở TYT Hương Hữu với tâm niệm, nếu bà con đang cần mình và làm được gì cho dân thì cố gắng làm.
Y sĩ Nguyễn Quốc Linh kể, ngày mới về TYT Hương Hữu được cấp trên phân công làm Phó Trưởng trạm. Dù có vai vế gọi là "lãnh đạo" nhưng anh kiên trì bám địa bàn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Lúc đó TYT chỉ là ngôi nhà cấp 4 tạm bợ, dột nước, nhân lực chỉ 4 người, các thiết bị y tế hầu như không. Dân trí ở đây thấp, sống dựa vào nương rẫy. Kiến thức y tế, chăm sóc sức khỏe người dân hạn chế, nhiều gia đình không cho trẻ đi chích ngừa, thậm chí cán bộ y tế đến nhà còn bị xua đuổi với lý do đơn giản sợ trẻ tiêm xong bị sốt, khóc nhè, bỏ ăn...
Biết rào cản ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con địa phương là do nhận thức của họ không đầy đủ về bệnh tật nên không chịu phối hợp thực hiện, y sĩ Linh nghĩ chỉ có đẩy mạnh tuyên truyền mới thay đổi được nhận thức cho người dân. Vì thế, anh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tuyên truyền lồng ghép các nội dung về tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống dịch bệnh… thông qua các buổi họp dân để bà con nắm bắt. Tuy nhiên, cách làm này đem lại hiệu quả chưa cao, y sĩ Linh lại nhờ sự giúp sức từ những người có uy tín ở bản, làng để gần gũi với người dân hơn. Từ đó mỗi lần về cơ sở, y sĩ Linh trực tiếp đến từng nhà hỏi thăm, nắm bắt tình hình, khéo léo đưa thông tin, hướng dẫn bà con cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình.
Nhớ lại những năm tháng đó, y sĩ Linh cười: "Không hiểu thời điểm đó mình lấy động lực từ đâu để làm việc. Hình như là do duyên nợ với nghề, với bà con nơi xa xôi này”.
Tận tụy với bệnh nhân
Với người dân ở xã Hương Hữu, TYT ở địa phương chẳng khác một phòng khám đa khoa thu nhỏ. Gặp khó khăn liên quan y tế họ đều tìm đến gặp y sĩ Linh. Anh Linh từng cấp cứu, cứu sống rất nhiều ca bệnh nặng do bị tai nạn ở rẫy, ở rừng và nhiều trường hợp sản phụ tự đẻ ở nhà bị băng huyết... qua cơn "thập tử nhất sinh".
Khi hỏi chuyện các bệnh nhân ngồi chờ khám ở trạm, tôi mới thấy được tình cảm và sự nể trọng mà bà con địa phương dành cho y sĩ Linh. Anh Hồ Văn Bình, thôn 1, xã Hương Hữu chia sẻ: "Y sĩ Linh khám bệnh nhiệt tình, nói năng nhỏ nhẹ. Ba năm trước nhờ y sĩ Linh sơ cứu kịp thời mà vợ tôi thoát chết vì bị rắn cắn sưng tấy bàn chân". Còn chị Hồ Thị Ngọc, người dân địa phương nói, trong xã nhà nào có người già, bệnh nặng không đi được, y sĩ Linh đều tới tận nhà thăm hỏi, tư vấn, cứu chữa mà không nhận thù lao. Trường hợp chị Ngọc bị viêm đa khớp, đau nhức không ra được TYT, nhiều lần chỉ điện thoại là y sĩ Linh đến thăm khám, tư vấn, giới thiệu lên tuyến trên kịp thời.
Y sĩ Linh chia sẻ, dù bản thân chưa có học hàm, học vị cao trong ngành y nhưng với y đức của người thầy thuốc, giúp anh tự tin, bản lĩnh đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nơi vùng khó này. Không chỉ về lĩnh vực tây y, anh còn tìm hiểu nghiên cứu các bài thuốc nam hữu dụng nhằm hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ cho bà con địa phương tự điều trị bệnh khi có nhu cầu. Làm được điều này, anh cùng đồng nghiệp cải tạo chăm bón vườn thuốc nam xanh tốt tại TYT; vận động thêm nhiều gia đình trồng rau má, đinh lăng, ngải cứu, long tu, mơ lông... để phòng ngừa, cứu chữa khi có ốm đau đột suất.
Dẫu không có điều kiện tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn ở trường lớp, hay tiếp cận được chuyển giao kỹ thuật cao, mới từ các chuyên gia đầu ngành nhưng y sĩ Linh vẫn dành thời gian nghiên cứu từ sách vở, tài liệu y khoa, mạng internet để có "vốn liếng" giúp đỡ cho bà con vùng cao. Anh đã vận dụng nhiều sáng kiến cùng các đồng nghiệp trong hoạt động khám điều trị; ứng dụng tin học trong hoạt động siêu âm; quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả ở địa phương.
Bác sĩ Hồ Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông đánh giá, y sĩ Linh là tấm gương sáng về y đức. Từ suy nghĩ đến các hoạt động chăm sóc sức khỏe tận tình, chu đáo của anh đã được các cấp ngành Trung ương, địa phương ghi nhận. Điều cao quý hơn là y sĩ Linh được người dân địa phương quý mến, gọi tên thân mật "Người thầy thuốc của bản làng" suốt mấy chục năm qua.
Bài, ảnh: Minh Văn
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/nguoi-thay-thuoc-cua-ban-lang-a73410.html