Đời sống Nguyễn Vũ Trọng Thi & món quà lưu niệm xứ Huế

TTH - Tại 'Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo Cụm Trung Bộ năm 2021', tổ chức tại Hà Tĩnh, dự án 'Thiết kế và sản xuất sản phẩm quà tặng văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế' của nhóm tác giả trẻ do Nguyễn Vũ Trọng Thi chủ trì đã được xướng danh.

Tiến sĩ trẻ Nguyễn Vũ Trọng Thi

Tiến sĩ trẻ Nguyễn Vũ Trọng Thi

Trong khuôn khổ liên hoan, dự án được xướng danh trong Diễn đàn tuyên dương “Tuổi trẻ tiên phong, sáng tạo trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và khởi nghiệp, lập nghiệp”.

Say mê nghiên cứu khoa học

Nguyễn Vũ Trọng Thi (sinh 1987) sinh ra và lớn lên tại Huế, là Phó Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ kiêm Phó Bí thư Đoàn Trường cao đẳng Công nghiệp Huế.

Tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình (2012), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học lấy bằng tiến sĩ tại Italia (2016) và về Việt Nam làm việc. Là giảng viên, anh không chỉ chú trọng vào giáo án mà còn say mê nghiên cứu khoa học, từng tham gia nhiều đề tài như: Nghiên cứu xây dựng cứ liệu khoa học phục vụ trùng tu, phục hồi và tôn tạo cụm di tích Văn Thánh, Võ Thánh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; Di sản Kiến trúc Đền tháp Champa ở miền Trung và miền Nam Việt Nam; Cải tạo nhà tù Kultur Fabrik (Perugia, Italia); Khảo sát trên cơ sở ứng dụng công nghệ khảo cổ, địa chất, sinh học và công nghệ thông tin để phục vụ việc quy hoạch, phục dựng và phát triển cảnh quan Thành cổ Quảng Trị…

Bên cạnh đó, tiến sĩ trẻ Nguyễn Vũ Trọng Thi tham gia nhiều dự án gắn liền với nét đặc trưng của vùng đất như Không gian bảo tồn ẩm thực Cung đình Huế tại cung Trường Sanh, Hoàng thành Huế; Sử dụng công nghệ VR (Virtual Reality) trong nghiên cứu lịch sử và kiến trúc Trường cao đẳng Công nghiệp Huế; Nghiên cứu và số hóa công trình kiến trúc Pháp tại thành phố Huế.

Góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Huế

Dịp kỷ niệm 120 năm thành lập Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, nhà trường muốn có một món quà ý nghĩa mang đặc trưng của trường và vùng đất Thần kinh…Với tâm ý nhân văn của lãnh đạo trường, Trọng Thi đã suy nghĩ và đưa ra ý tưởng ban đầu để cả nhóm tìm chọn mô hình vừa đẹp vừa ý nghĩa cho một dịp trọng đại. Kết quả là bộ sản phẩm lưu niệm để bàn đa năng bằng gỗ và giấy đã được “trình làng”.

Từ ý tưởng đó, nhiều sản phẩm lưu niệm của nhóm mang hồn kiến trúc và văn hóa Huế đã ra đời. Tuy chưa quảng bá nhưng sản phẩm của nhóm đã lặng lẽ lan tỏa không chỉ trong nước mà cả quốc tế. “Hiện bên mình chỉ làm nhỏ lẻ theo đơn đặt hàng của cá nhân, cơ quan… chứ chưa tổ chức mô hình doanh nghiệp. Thỉnh thoảng cũng có một số đơn đến từ các tỉnh khác và cả một số nước như Hàn Quốc, Đức…”, Trọng Thi cho biết.

Sản phẩm của Thi vừa nhỏ, gọn, nhưng vẫn mang những nét đặc trưng của Huế

Sản phẩm của Thi vừa nhỏ, gọn, nhưng vẫn mang những nét đặc trưng của Huế

Càng làm càng vui, nhóm của Thi hiểu rằng mình đã đi đúng hướng, bởi sản xuất hàng lưu niệm hiện là 1 trong10 ngành nghề được đánh giá có giá trị và tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Làm quà lưu niệm nói chung, những yếu tố đặc trưng vùng đất được coi là căn cốt, là hồn cốt sản phẩm, nhưng áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ số, internet, hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị máy móc hiện đại,… vào sản phẩm lại là một điều mới mẻ. Muốn “hút” khách, đặc biệt là các bạn trẻ thì quà tặng và hàng lưu niệm có thêm yếu tố hiện đại là quan trọng. Với Huế, thị trường quà lưu niệm hiện chưa phong phú nên việc xuất hiện một mặt hàng đạt tiêu chí mang đặc trưng của thành phố cổ, văn hóa, vương triều xưa… là một thành công.

Chính từ khởi nguồn đó, Trọng Thi và những người bạn đã thành công trong đề tài “Thiết kế và sản xuất sản phẩm quà tặng văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế”. Nhóm đã lấy hình ảnh kiến trúc, địa danh, di tích, hoa văn, họa tiết truyền thống của Huế để lên ý tưởng thiết kế. Cái mới của họ là đã áp dụng trên nền ứng dụng, thiết bị công nghệ hiện đại. Nguyên liệu chính là gỗ và giấy thuận lợi cho việc chế tác, sản xuất, sản phẩm được sử dụng để trang trí kết hợp với nhiều công năng khác như lịch để bàn, đựng bút, chặn giấy… Đặc biệt, sản phẩm có độ tinh xảo cao, nhỏ gọn dễ vận chuyển. Tất cả những tính năng “điểm cộng” ấy của sản phẩm đã góp phần làm phong phú món quà lưu niệm xứ Huế và đã giúp cho dự án của nhóm giành giải khuyến khích tại Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế và được vinh danh tại cuộc thi “Tuổi trẻ tiên phong, sáng tạo trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và khởi nghiệp, lập nghiệp”.

Bài: PHẠM PHƯỚC CHÂU

Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nguyen-vu-trong-thi-mon-qua-luu-niem-xu-hue-a107916.html