Đời sống nhạc Việt: Vẫn là câu chuyện 'con gà, quả trứng'
Đời sống âm nhạc Việt Nam đang có những khởi sắc khi xuất hiện một cộng đồng những nghệ sĩ trẻ làm nghề và dấn thân, một lớp khán giả trẻ yêu nhạc và sẵn sàng bỏ tiền mua vé đi nghe nhạc. Tuy nhiên, cộng đồng đó còn quá nhỏ để kích hoạt đời sống âm nhạc phát triển. Theo các chuyên gia, phải 5- 10 năm nữa, đời sống nhạc Việt mới thực sự lột xác để bước ra thế giới.
Cần đầu tư phát triển nhạc sống
Trong hội thảo mới đây về công nghiệp âm nhạc với chủ đề “Xu hướng âm nhạc Việt Nam và thế giới”, các diễn giả đã có những phân tích đa chiều về đời sống âm nhạc Việt Nam hiện tại, bức tranh toàn cảnh và những cơ hội, thách thức để âm nhạc Việt có thể xuất khẩu hay nhập khẩu.
Diễn giả Đức Anh, người sáng lập Hanoi Rock City, kiến tạo sân chơi nhiệt huyết để trao cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ và thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng âm nhạc độc lập tại Việt Nam chia sẻ rằng, thị trường âm nhạc Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cộng đồng không gắn kết. Việt Nam phát triển nhiều và nhanh, số lượng chơi nhạc sáng tác vài ba năm trước rất ít nhưng giờ đa dạng, phong phú hơn. Điều cần phát triển là số lượng người chịu bỏ tiền đi nghe nhạc. Con số đó hiện rất thấp nên các nhà tổ chức không dám mời nghệ sĩ nước ngoài về. “Điều cần làm của đời sống nhạc Việt là thay đổi gu thưởng thức âm nhạc của khán giả và họ chịu bỏ tiền ra mua vé”. Đức Anh khẳng định.
Theo Nguyễn Lê Nhất Phương - Giám đốc điều hành Warner Chappell Music tại Việt Nam và đồng sáng lập Vietnam Music Undustry Network (VIMIN), khán giả Việt cần nghe đa dạng dòng nhạc hơn và cởi mở hơn với cái mới. Phần lớn đi nghe là các bạn nước ngoài khi có những nghệ sĩ mới và nổi tiếng ở nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn. Nhưng xu hướng chính hiện nay của khán giả Việt Nam là tiêu thụ nhạc số, với 75% nghe nhạc hàng ngày. Việt Nam có dân số trẻ và dùng Internet nhiều, sử dụng nhiều dịch vụ streaming. Nhưng theo Nhất Phương, nhạc sống mãi là tiêu chuẩn để đánh giá một nghệ sĩ. Hiện nay, những thể loại nhạc như điện tử, rap, hiphop không có khả năng diễn live thì bây giờ đã có cách làm sống động lên sân khấu và rất hấp dẫn khán giả.
“Chúng ta có thể mang tầm nhìn đó và thu hút đông đảo khán giả, mang lại những lợi ích về văn hóa và kinh tế. Chúng ta có một tương lai sôi động phía trước”, Nhất Phương lạc quan. Anh dẫn ví dụ một chương trình nhạc sống như Monsoon. Nếu không có Monsoon thì sao? Thì đời sống nhạc Việt sẽ tẻ nhạt và thiếu đi một mảng màu mới mẻ, sống động, tiệm cận với những giá trị chuẩn mực của khu vực và thế giới. Monsoon giới thiệu nhiều ban nhạc hay trong nước và trên thế giới, với quy mô chuẩn của một festival âm nhạc từ âm thanh, ánh sáng. Có thể nói, Monsoon trở thành một biểu tượng của biểu diễn nhạc sống, mang lại những giá trị khác biệt. Nó tạo ra một cộng đồng nghe nhạc văn minh và cởi mở. Khán giả sẵn lòng và cởi mở nghe những nghệ sĩ mới. Trải nghiệm nhạc sống mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay ở TP Hồ Chí Minh chưa có nhiều chương trình nhạc sống để thúc đẩy việc tiêu thụ âm nhạc mạnh mẽ hơn, văn minh hơn. Còn ở Hà Nội, khán giả vẫn còn dè dặt với cái mới.
Cần thay đổi gu nghe nhạc của khán giả
Có một thực trạng buồn hiện nay là các chương trình ca nhạc ở Việt Nam có thể bán được vé nhanh nhất trong 10 năm qua gần như không thay đổi. Đó là những livesconcert của các ca sĩ quen thuộc. Khán giả phần đông không quan tâm đến cái mới, họ chỉ nghe nhạc để hát theo ca sĩ bài hát họ thích. Khán giả chỉ đi nghe những tên tuổi thực sự nổi tiếng và phổ cập. Dĩ nhiên đó cũng là chuyện bình thường, nhưng đời sống âm nhạc nếu chỉ dừng lại ở đó sẽ rất khó phát triển vì nó bị một màu. Vì thế, theo các diễn giả, vấn đề cốt lõi hiện nay là thay đổi thói quen nghe nhạc cho khán giả, để họ tiếp nhận cái mới văn minh hơn, cởi mở hơn. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cần chỉn chu nhất trong sản phẩm của mình. Diễn giả Việt Anh cho rằng đây là câu chuyện “con gà, quả trứng”. Phải cho khán giả ăn ngon và gây nghiện. Anh ví, như ngày xưa ăn phở loanh quanh gần nhà thấy ngon và cứ quanh quẩn ăn như thế, nhưng khi thử ăn một quán mới, thấy sự khác biệt. Hay chơi một cái đàn ghi ta rẻ tiền cũng ổn nhưng khi có cái ghi ta xịn hơn ta sẽ không quay lại chơi cái cũ kia nữa. Với âm nhạc cũng vậy, chúng ta phải dần dần gây nghiện, nghiện nhạc, nghiện chất lượng và trải nghiệm.
“Khi tôi mở Rock Hanoi City, rất èo uột, nhưng gần đây các bạn bỏ tiền ra nghe nghệ sĩ mới rất nhiều, đó là những bạn trẻ sinh vào cuối 1990 đến năm 2000. Vì thế, nghệ sĩ, ban nhạc cũng cần phải chỉn chu hơn. Điều chúng ta thiếu là những nhà sản xuất giỏi, đưa ra những trải nghiệm mà chỉ có sân khấu nhạc sống mới có. Những trải nghiệm đó không bao giờ bạn có khi ở nhà nghe nhạc hay nghe ở quán cà phê. Tuy nhiên số người nghiện nhạc sống hiện nay vẫn ít. Làm thế nào tăng lên, tôi nghĩ cần thời gian, phải “mưa dầm thấm lâu”. Chúng ta phải cung cấp những chương trình chất lượng tốt và đa dạng để dần dần trở thành văn hóa và thu hút các bạn đi nghe nhạc nhiều hơn”, Việt Anh nhấn mạnh.
Theo Nhất Phương, việc có một chương trình được khán giả xem lại nhiều lần là một nhu cầu chính đáng, để hát theo bài hát mình thích và không muốn trải nghiệm cái mới. “Nhưng khi cộng đồng yêu nhạc lớn hơn thì những người khám phá cái mới sẽ nhiều hơn, sẽ thúc đẩy các nghệ sĩ phát triển và đa dạng hơn”.
Theo quan sát của nhà sản xuất âm nhạc Thành Chu, nhu cầu thưởng thức trong tương lai sẽ thúc đẩy nhạc sống và festival âm nhạc phát triển. Đó là xu hướng tất yếu. Trong vòng 2 năm gần đây, tư duy festival đã lan sang các chương trình độc lập, các nhà tổ chức, đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, theo anh, mọi người vẫn gặp vấn đề, cái nhìn về một sự kiện âm nhạc khác với một concert. Và việc đánh giá chất lượng cũng chưa đúng.
“Lợi thế của Việt Nam là dân số trẻ, tiếp nhận cái mới nhanh. Dần dần khán giả sẽ tiệm cận với những tiêu chuẩn âm nhạc tiên tiến nhất, còn nghệ sĩ, khi trải nghiệm làm việc trong những môi trường tối ưu, họ cũng sẽ biết cách mang lại cho khán giả những giá trị mới, chất lượng cao”- anh khẳng định.
Với những nỗ lực đổi mới như thế, theo các diễn giả, phải 10 năm nữa chúng ta mới có thể hy vọng những thay đổi. Bởi hiện nay, số lượng những ban nhạc đi tour qua Việt Nam 2.000-3.000 khán giả rất khó. Việt Nam chỉ nghe những người đã nổi hoặc đang rất nổi. Ngay cả Hanoi Rock City quy mô nhỏ nhưng để bán 300-500 vé không dễ. Một số nghệ sĩ muốn sang Việt Nam vì Việt Nam là một điểm đến mới hấp dẫn. Các ban nhạc đi tour Châu Á nhiều, nhưng mời về Việt Nam chỉ vài, ba trăm khán giả rất xấu hổ. Diễn giả Nhất Phương khẳng định, nghệ sĩ đến ta diễn không nhiều nhưng không thiếu. “Đây là giai đoạn quá độ. Ta không có đủ khán giả để mời các nghệ sĩ về, đó là vấn đề thẩm mỹ âm nhạc, tôi nghĩ chúng ta phải chờ sự phát triển tự nhiên của thế hệ trẻ sau này”.
Cuối cùng vẫn là bài toán khán giả và câu chuyện nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Một nền âm nhạc phát triển cần sự đa dạng, nhiều màu sắc. Vì thế, đời sống âm nhạc Việt Nam mỗi năm không thể chỉ quanh quẩn với các live show của các ca sĩ nổi tiếng, mà nói như nhạc sĩ Quốc Trung là chúng ta cứ loanh quanh trong ao làng, rồi tự khen nhau. Cánh cửa hòa nhập đã mở toang. Điều cần làm là nghệ sĩ trẻ phải cống hiến nhiều hơn, đưa ra những sản phẩm có giá trị, tiên phong trên con đường chông gai này để dẫn dụ khán giả. Và ngược lại, khán giả cũng cần cởi mở hơn trong việc đón nhận cái mới, bỏ tiền ra mua vé đi nghe. Có như thế, đời sống âm nhạc mới được kích hoạt. Và từ đó, sẽ khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo, xây dựng bức tranh sống động hơn cho đời sống âm nhạc. Có như thế, giấc mơ đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới, xuất khẩu âm nhạc mới có hy vọng.
“Thế giới cũng mong muốn có cơ hội làm việc với âm nhạc người da vàng mang màu sắc Việt Nam. Nhưng họ không mời những nghệ sĩ là phiên bản kép của họ. Đó phải là âm nhạc của người da vàng, có giá trị Việt Nam và có cùng ngôn ngữ âm nhạc với thế giới”, diễn giả Thành Chu khẳng định.