Đời sống Nhớ hoa

Bờ sông Hương ngập tràn sắc hoa

Bờ sông Hương ngập tràn sắc hoa

Những ngày dài chôn chân vì dịch bệnh tràn lan, tôi thường hoài nhớ những chuyến đi, gần cũng như xa. Rồi nhớ những sắc hoa đã được hạnh ngộ gần như trong hầu hết những chặng đường lữ thứ. Hoa được trồng cùng hoa dại. Tự hỏi, có được duyên may ấy phải chăng vì đã nặng lòng yêu hoa từ thuở thiếu niên.

Chuyến đi gần đây nhất trước khi đại dịch COVID-19 xâm lấn toàn cầu, dù đã vào cuối xuân, đồng nghĩa cuối mùa hoa anh đào thế nhưng ở một trang trại trồng bao loài hoa dưới chân Phú Sĩ vẫn còn những cội đào hoa đang mãn khai, sắc hồng sum xuê, chi chít trên cành soi bóng xuống dòng suối trong veo bên cạnh. Cũng nước Nhật yên bình và hiếu khách quãng dăm năm trước, đến với thành phố nhỏ Abashiri ở cực bắc Hokkaido bên bờ biển Okhotsk giá lạnh. Lần ấy, chưa bao giờ hình dung nổi có một cánh đồng hoa hướng dương ngút tầm mắt như vậy.

Cuối hè 2015, đến một khu rừng đã chết từ nhiều triệu năm trước, có tên là Rừng Hóa Thạch (Petrified Forest) ở bang Arizona nước Mỹ. Trên những nẻo đường của “rừng xưa đã khép”, giữa vô vàn những thân gỗ đã hóa đá, thi thoảng lại bắt gặp những cụm hoa trắng, hoa vàng, hoa tím, cánh hoa tựa loài phong lữ thảo thường được trang trí ban công nhiều ngôi nhà ở Đà Lạt. Cũng ở bang Arizona khô cằn, có một vườn thực vật với những bông hoa kỳ ảo nở trên thân xương rồng cao ngất, phủ đầy gai độc; lạ thay có cả oải hương vùng sa mạc sắc đỏ kiêu kỳ.

Năm 2018, hòa mình vào lễ hội hoa Floriade lớn nhất xứ sở chuột túi, được tổ chức hàng năm ở thủ đô Canberra. Thôi thì muôn hồng nghìn tía những sắc hoa đẹp nhất, lạ lùng nhất tụ hội về đây, chen vai thích cánh như muốn cuốn hút hàng vạn khách thưởng hoa. Cũng không bao giờ quên được lễ hội hoa uất kim hương Keukenhof nức tiếng vào mùa xuân 2016 ở Hà Lan, với những đóa tulip như trong truyện thần tiên, đặc biệt là hoa tulip đen đã thành huyền thoại. Được tận mắt ngắm những bông tulip có tên Semper Augustus cánh hoa sọc trắng đỏ, mà vào thế kỷ 17 mỗi bông có giá cao hơn một ngôi nhà! Đó là lúc Hà Lan đang diễn ra một “cơn mê cuồng uất kim hương” (tulipomania) và cũng từ đó hình thành một dòng tranh chuyên vẽ hoa của các bậc thầy hội họa Hà Lan.

Vậy mà, bông hoa xứ người dù tuyệt mỹ đến đâu vẫn không “gây mùi nhớ” như hoa đồng cỏ nội quê nhà. Đến hôm nay tôi vẫn mường tượng được buổi sáng chớm xuân nhiều năm trước, khi tìm về một cảnh chùa cổ kính bên dòng sông quê ở vùng quan họ Bắc Ninh. Trên đường đê vòng vèo dẫn đến ngôi chùa khuất dưới những vòm cây dưới chân đê, hai bên triền đê là những cánh đồng hoa cúc trải dài một màu vàng mênh mang. Chuyến hành hương có Trường bạn thân đi cùng. Dừng xe, chúng tôi bước xuống triền đê, giấu người vào màu vàng rực rỡ, lắng nghe đất đai thì thầm cùng tiếng gió hào phóng lướt qua thảm hoa. Trường cao hứng, lộng ngôn: “Đầu xuân, chỉ cần đi ra ngoại thành thôi đã thấy thú. Đó là lúc cả không gian thơm nức cái mùi hương vốn rủ rê bạn tình các loài tìm nhau!”. Lời bạn hóa ra rất gần với một câu hát đã thuộc lòng thời sinh viên: “Hoa ngân vang lời ái ân” (ca khúc Đêm chợ phiên mùa đông - Lê Uyên Phương).

Lại nhớ giáp tết năm nào đã cùng Trường đến các làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân của Thủ đô thuở những cơn bão địa ốc chưa tràn về đây, ngắm nhìn không chán mắt những đào phai, đào biếc, những hồng, cúc, thược dược khoe sắc trong tiết trời rét mướt… Cũng không thể quên được những lần đi Sa Pa khi điểm du lịch này chưa chịu cảnh bê tông hóa ồ ạt, ngất ngưởng khách sạn cao tầng khắp miền sơn cước như hôm nay. Ngày ấy đã viết kịch bản cho một bộ phim tài liệu về “thị trấn trong mây” nên đã đi cùng đoàn làm phim để ghi hình cảnh và người. Nhớ cái màu hồng phấn ngất ngây ở những vườn đào đang nở rộ ở Tả Van, Tả Phìn; mà đâu chỉ có đào, còn các vườn hồng và phong lan dưới chân Hàm Rồng sương khói.

Mới đây Trần gọi cho tôi, bảo: “Không còn bóng dáng Sa Pa trong bộ phim ông viết kịch bản nữa đâu!”.

Cái “mùi nhớ” tiếp tục kéo thời gian lùi về thật xa, đến một chiều cuối năm thời còn khoác áo xanh, lạc đường về doanh trại, anh lính trẻ đã lặng người trước một mảng rừng đầy mai vàng dưới chân một ngọn núi miền Đông Nam bộ còn hoang sơ. Nhớ lại cái cảm giác như không có thật, như lạc vào giấc mơ hay một câu chuyện cổ tích được mẹ kể thời thơ ấu… Hơn hai mươi năm sau, cùng vài đồng đội ngày xưa làm một chuyến tìm về cảnh cũ, người xưa. Khu rừng dưới chân núi nay đã thành một khu dân cư, hỏi thăm vài người cao tuổi xem có ai biết về rừng mai vàng dưới chân núi năm xưa, chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Hoa giờ chỉ còn trong nỗi nhớ!

Bài: Nguyễn Trọng Chức

Ảnh: Bảo Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nho-hoa-a109337.html