Đời sống Những giọt cà phê như đắng hơn…
Bạn tôi có thằng cháu gọi bằng cậu, to con, trắng trẻo đẹp trai. Ngày nó vào đại học, bạn tôi mừng ra mặt. “Bố mẹ nó nghèo khó, ít chữ, nó vào được đại học trước hết là thỏa mãn nỗi khát khao chữ nghĩa cho bố mẹ. Sau này ra đời, làm vương làm tướng gì chưa biết, nhưng cũng không đến nỗi phải tự ti mặc cảm với người ta như bố mẹ nó phải từng…” – Anh tâm sự với tôi trong một cử cà phê sau khi nghe tin vui của thằng cháu.
Bẵng đi một thời gian, sáng qua thấy thiên hạ rộn ràng chuyện điểm chuẩn, điểm sàn của mùa tuyển sinh đại học 2019, nhân ngồi cà phê với nhau, tôi hỏi thăm anh chuyện học hành của thằng cháu dạo nọ. Anh thở dài có vẻ không vui. Hóa ra, từ là sinh viên, thằng cháu anh đã bỏ đi biệt tăm để… trốn giang hồ đòi nợ. Nguyên do chỉ tại đề đóm, cá độ tỉ số mà nó vô tình sa vào lúc nào bố mẹ nó không hay. Tôi chột dạ, nghĩ đến niềm hy vọng từng có và nỗi thất vọng đang hiện hữu của anh, của bố mẹ thằng bé nên nín bặt, không dám hỏi gì thêm.
Đang lúc ấy thì thêm một người bạn đến nhập hội cà phê. Anh này là “chuyên gia” từ thiện, kể cả trực tiếp giúp khâm liệm, quyên góp để tặng áo quan, giường rạp cho những trường hợp quá khó khăn, neo đơn… Thấy không khí có vẻ trầm lắng, hỏi và khi được biết chuyện không vui của bạn, anh mới thủng thẳng kể về một trường hợp mà tôi cho rằng vô tiền khoáng hậu. Ấy là, một bà cụ nghèo khó vừa qua đời, xóm giềng gom góp ít tiền bạc, giao cho người con trai của cụ đi chọn áo quan để lo hậu sự cho mẹ. Nhưng lạ, mãi gần đến giờ khâm liệm vẫn không thấy áo quan đâu. Người con trai cũng bặt tăm. Tìm hiểu, mọi người mới té ngửa. Hóa ra, cầm tiền, thay vì mua áo quan cho mẹ, người con gửi hết vô lô đề, tỉ số với ý định “dôi vốn”. Không dè chớp mắt cháy túi nên chuồn luôn(!). Vậy là bạn tôi lại phải ra tay tặng quan tài, quyên tiền đám…
Ly cà phê trước mặt tôi chợt như đắng hơn mọi ngày. Tôi miên man tự hỏi, cái trò đỏ đen đã gây ra bao nhiêu khổ đau, đã để lại vô số những tấm gương tày liếp, vậy mà chẳng hiểu vì sao rất nhiều người vẫn nhắm mắt lao vào như những con thiêu thân? Tại vì sao mà nhiều điểm đề đóm, tỉ số hoạt động gần như công khai; ai cũng có thể biết, ai cũng có thể dễ dàng tham gia, lại không bị tóm, không bị xóa ngay cho xã hội được nhờ?... Tại chúng chỉ là những cái vòi của con bạch tuột, chặt vòi này còn có vòi khác ư? Nhưng thử hỏi nếu chặt đồng loạt, phát hiện vòi nào chặt ngay vòi đó, bất kể vòi to, vòi nhỏ, thì con bạch tuột gớm ghiếc và đáng ghét ấy liệu có còn cơ hội sống sót để hoành hành?
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/nhung-giot-ca-phe-nhu-dang-hon--a76339.html