Đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức

Một số nơi tại TPHCM vẫn chưa quan tâm đúng mức đến đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động; đặc biệt là những nơi tập trung đông công nhân.

Đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân lao động ở một số địa phương tại TPHCM vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân lao động ở một số địa phương tại TPHCM vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Phùng Thái Quang - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM đã chia sẻ như thế tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, do Thành ủy TPHCM tổ chức hôm nay (25/12).

Theo ông Quang, TPHCM là đô thị đặc biệt giữ vai trò đầu tàu của kinh tế đất nước và là đầu mối giao lưu, hợp tác quốc tế. Hiện nay, TPHCM có hơn 1,5 triệu đoàn viên, công đoàn và hơn 4,5 triệu công nhân, lao động đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

"Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội" - ông Quang khẳng định.

 Trẻ em thích thú với nghệ thuật nặn tò he. (Ảnh: Quốc Hải)

Trẻ em thích thú với nghệ thuật nặn tò he. (Ảnh: Quốc Hải)

Theo ông Quang, trong 10 năm qua, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được tổ chức sôi nổi, phong phú như hội diễn văn nghệ, thi tìm hiểu pháp luật, tiểu phẩm, hội thao, chương trình “Giờ thứ 9”… đã thu hút nhiều lao động tham gia sau giờ làm việc.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, ông Quang cũng nêu ra một số hạn chế trong việc xây dựng, chăm lo đời sống người lao động trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho công nhân, người lao động hiện nay còn thiếu và dàn trải. Điều kiện bố trí thời gian để công nhân, người lao động tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí còn hạn chế. Một số nơi vẫn chưa quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động; đặc biệt là những nơi tập trung đông công nhân như các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…

Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp đăng ký và thực hiện tiêu chuẩn văn hóa vẫn còn khó khăn. Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hoạt động sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động.

Trước thực trạng này, ông Quang kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm có quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho đoàn viên, người lao động tại các địa điểm có đông công nhân, người lao động.

"Các đơn vị liên quan cần đầu tư, dành nguồn ngân sách; có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân lao động. Cùng với đó là cần xem xét ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí xây dựng nhà ở, nhà giữ trẻ, công trình phúc lợi, khu vui chơi giải trí dành cho công nhân" - ông Quang đề xuất.

72,2% công nhân lao động không đủ trang trải cuộc sống

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Ban Nữ công (Tổng LĐLĐ Việt Nam) về đời sống công nhân tại năm địa phương có nhiều KCN - KCX vào năm 2024, gồm: TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên và Long An, có 15,1% người lao động có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/tháng; 38,5% có thu nhập từ 6-8 triệu đồng; 26,9% có thu nhập từ 8-10 triệu đồng...

Đặc biệt, có đến 72,2% phải sống trong tình trạng chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm hoặc không đủ trang trải cuộc sống.

Đối với điều kiện sống, 31,1% công nhân phải sống trong những phòng trọ chật hẹp dưới 15m², phần lớn trong số đó có chất lượng thấp, xập xệ, thiếu ánh sáng và không gian sống thoáng mát; chỉ 26% công nhân được hỏi đánh giá nơi ở của mình có không gian thoải mái và thoáng mát.

Ngoài ra, công nhân nữ di cư gặp khó trong việc chăm sóc con cái, có tới 40% lao động nữ có con ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và 30% có con ở các cấp học phổ thông phải gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-song-van-hoa-tinh-than-cua-cong-nhan-van-chua-duoc-quan-tam-dung-muc-post713489.html