Khi Moskva đấu tranh để kiềm chế và bù đắp doanh thu bị mất do giá dầu Urals giảm mạnh bởi lệnh trừng phạt của phương Tây, thì các hãng vận tải và nhà máy lọc dầu châu Á lại đang thu về hàng tỷ USD từ việc vận chuyển và tinh chế dầu của Nga.
Kết quả là các thương nhân và những người liên quan khác trên thị trường toàn cầu vẫn nhận được siêu lợi nhuận, thậm chí nhiều hơn cả chính nhà sản xuất Liên bang Nga.
Để thu hút khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ sau lệnh cấm vận của EU và mức giá trần của G7, Nga đang giảm giá 15 - 20 USD/thùng và cũng trả cho các công ty vận chuyển 20 - 25 USD/thùng để vận chuyển dầu đến châu Á.
Các công ty vận tải biển đang tính phí vận chuyển nguyên liệu thô có giá trị từ Nga đến các trung tâm chế biến ở châu Á cao hơn nhiều so với một năm trước.
Theo hãng tin Anh Reuters, lợi nhuận ròng của công ty năng lượng từ một chuyến đi duy nhất của một tàu chở dầu cỡ trung bình với 700.000 thùng dầu thô mang theo có thể lên tới 10 triệu USD.
Hầu hết các công ty vận chuyển dầu của Nga không vi phạm lệnh trừng phạt và giới hạn giá đều có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hy Lạp, Ấn Độ và Trung Quốc.
Nói cách khác, tác động của các biện pháp trừng phạt là rất trực tiếp, không có tác dụng kéo dài (đặc biệt là tác động sâu vào cấu trúc), chỉ nhắm vào Liên bang Nga với tư cách là một quốc gia chứ không phải nguyên liệu thô được khai thác.
Trong diễn biến khác, trước lo ngại của nhà nhập khẩu, Mỹ cho biết họ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ vì nước này vẫn mua dầu của Nga, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu - bà Karen Donfried cho biết.
“Tôi muốn nói rõ rằng nước Mỹ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt Ấn Độ. Quan hệ đối tác với New Delhi là một trong những sự gắn kết quan trọng nhất đối với Washington", vị quan chức này nhấn mạnh.
Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, họ đang tích cực mua dầu của Nga kể từ khi Moskva hứng chịu những lệnh trừng phạt.
Vào đầu năm 2022, thị phần của Nga trong tổng khối lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ chỉ đạt 0,2%, nhưng đến cuối năm thì đã tăng lên gần 1 triệu thùng mỗi ngày, tương đương hơn 20%.
New Delhi không hưởng ứng lệnh cấm nhập khẩu do phương Tây áp đặt đối với dầu của Nga. Như Bộ trưởng Bộ Dầu khí nước này - ông Hardeep Singh Puri đã tuyên bố trước đó:
"Dầu mỏ không chịu sự kỳ thị của bất kỳ quốc gia nào và Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách độc lập để đảm bảo an ninh năng lượng của mình".
Ngoài ra có ý kiến cho rằng việc áp giá trần cho dầu Nga đã được phương Tây tính toán cẩn thận, biện pháp trên không gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung mà chỉ chuyển lợi nhuận của Nga cho người mua ở Ấn Độ hay Trung Quốc mà thôi.
Hiện tại Nga đang chịu thiệt hại nặng trong khi hai quốc gia trên hưởng lợi lớn và như lẽ tự nhiên, Ấn Độ cùng Trung Quốc được cho là muốn giá trần dầu Nga sẽ được duy trì lâu dài để tối đa hóa lợi nhuận.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đang âm thầm hỗ trợ biện pháp trừng phạt của phương Tây, đây mới là lý do chính khiến Mỹ bỏ qua và không áp đặt hạn chế với Ấn Độ.