Đôi tay thần kì

Vậy là, sau bốn năm, Paralympic - kì thế vận hội cho người khuyết tật một lần nữa lại diễn ra.

Khoảnh khắc đô cử Lê Văn Công mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Việt Nam ở Paralympic 2016.

Khoảnh khắc đô cử Lê Văn Công mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Việt Nam ở Paralympic 2016.

Thân gửi lực sĩ Lê Văn Công!

Vậy là, sau bốn năm, Paralympic - kì thế vận hội cho người khuyết tật một lần nữa lại diễn ra. Nhắc đến Paralympic là cháu nhớ ngay đến chú, người đã truyền cảm hứng cho cháu thật nhiều.

Trước đây, cháu vốn dĩ chỉ biết đến sự tồn tại của Olympic thôi. Cháu không biết rằng, sau mỗi kì Olympic, nước chủ nhà sẽ tiếp tục đăng cai thêm một kì thế vận hội nữa, nhưng mà là dành cho người khuyết tật.

Cũng đúng thôi chú ạ. So với Olympic thì Paralympic rõ ràng là lép vế hơn hẳn về mặt truyền thông. Nếu như các vận động viên bình thường giành được tấm vé đi Olympic sẽ được săn đón, loan tin khắp nơi, từ báo đài, đến các nhãn hàng, nhà tài trợ, thì vận động viên người khuyết tật lại làm mọi thứ trong sự im lặng.

Chú ạ, cháu thấy thật sự bất công. Rõ ràng, về quy mô, tầm vóc, Olympic và Paralympic giống nhau, cùng là ngày hội thể thao của thế giới cơ mà. Thậm chí, cháu còn thấy, thi đấu Paralympic còn khó khăn hơn Olympic nhiều. Bởi vì, những vận động viên ở đây là người khuyết tật.

Họ không chỉ vượt qua những lần thử thách, đối thủ để đặt chân đến Paralympic, mà còn phải chiến đấu với chính mình, với cơm, áo, gạo, tiền, với sự khiếm khuyết về hình thể và cả những định kiến của xã hội nữa. Vậy nên, những nỗ lực của vận động viên người khuyết tật cũng nên được mọi người biết đến rộng rãi chứ, chú nhỉ.

Chỉ đến khi chú giành được tấm Huy chương Vàng lịch sử cho đoàn thể thao người khuyết tật của nước nhà cách đây 8 năm, cháu mới biết đến tên của chú cũng như Paralympic.

Cũng phải nói, năm 2016 là một năm thật huy hoàng đối với nền thể thao Việt Nam chú ạ. Tấm Huy chương Vàng đầu tiên của Việt Nam ở cả Olympic và Paralympic đã xuất hiện. Trước đấy, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tỏa sáng ở Olympic và ngay sau đó là chú tại sân chơi Paralympic.

Do chênh lệch múi giờ nên cháu không thể theo dõi trực tiếp hai chú thi đấu được. Thế nhưng, sáng hôm sau khi biết được tin vui cũng như xem lại khoảnh khắc “ăn” vàng của các chú, cháu vẫn sởn da gà, hồi hộp. Nhất là khi xem video chú thi đấu, cháu mới biết đến cách mà vận động viên người khuyết tật nâng tạ.

Mặc dù biết trước kết quả rồi mà khoảnh khắc chú nâng tạ ra khỏi bệ đỡ vẫn làm cháu kinh ngạc, hồi hộp đến toát mồ hôi hột. Tại vì, các vận động viên người khuyết tật phải nằm ngửa dưới tạ và thực hiện phần thi của mình. Tất nhiên, bên cạnh chú vẫn còn hai người nữa sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp xảy ra sự cố.

 Đô cử Lê Văn Công và nghề thợ điện.

Đô cử Lê Văn Công và nghề thợ điện.

Thế nhưng, việc phải nằm dưới một quả tạ nặng hàng trăm cân rồi đưa tay nâng lên chắc hẳn cũng là áp lực không nhỏ dành cho các vận động viên. Khoảnh khắc, chú hoàn thành phần thi và ăn mừng với tấm Huy chương Vàng lịch sử, đã truyền cho cháu thật nhiều động lực để tiếp tục phấn đấu. Cháu đã trở thành fan cứng của chú từ khoảnh khắc ấy đấy.

4 năm sau, khi kì Paralympic tổ chức ở Tokyo bắt đầu khởi tranh, cháu đã ngồi theo dõi chú cũng như những vận động viên khác thi đấu. Cảm xúc theo dõi quả tạ trong tay chú rời khỏi bệ đỡ, xuống một nhịp rồi được nâng lên vẫn thế, thật hồi hộp để rồi vỡ òa.

Cháu cũng có chút hụt hẫng khi chú để tuột mất tấm Huy chương Vàng một cách thật đáng tiếc bởi mặc dù có thành tích bằng đối thủ nhưng chú lại có trọng lượng cơ thể lớn hơn một chút.

Nhưng, được một lần nữa chứng kiến chú khoác chiếc áo có lá cờ Tổ quốc, ngồi trên xe lăn và nhận huy chương, cháu vẫn không khỏi tự hào, nhất là sau khi đọc báo và biết rằng chú đã phải dùng thuốc tê, nén đau thi đấu. Để có thể giành được huy chương, chú đã phải hy sinh thật nhiều!

Chú biết không? Điều làm cháu bất ngờ nhất khi tìm hiểu về chú chính là khi biết rằng bên cạnh làm vận động viên cử tạ, chú còn là một thợ sửa đồ điện tử lành nghề. Đối với người bình thường làm hai công việc cùng một lúc đã khó chứ đừng nói là người khuyết tật như chú.

Đã thế chú còn làm rất tốt cả hai công việc này nữa. Khi đại diện cho nước nhà thi đấu ở đấu trường thế giới, chú vượt qua được chính mình, thi đấu xuất sắc và giành huy chương. Còn khi rời xa những quả tạ, chú lại trở thành một người thợ điện thật bình dị.

Cháu thích những môn học tự nhiên như là Vật lí, Toán. Đặc biệt là khi làm những bài tập liên quan đến điện, đòi hỏi cả kiến thức Toán và Vật lí, cháu càng hiểu rằng để làm được một thợ điện cũng chẳng dễ.

Nhiều khi chán nản trong học tập, hay những lúc phải đối mặt với các câu hỏi khó, cháu lại nhớ ngay đến chú. Dù sinh ra không may mắn nhưng chú luôn nỗ lực học tập để có cho mình nền tảng kiến thức vững chắc cũng như trang bị cho bản thân nghề nghiệp để có thể nuôi sống bản thân thì tại sao cháu lại không làm được.

Năm học này, cháu đã lên đại học rồi đấy chú ạ. Cháu hứa với chú sẽ luôn không ngừng phấn đấu, rèn luyện để có thể trở nên “giỏi nghề” giống như chú.

Thôi thư cũng dài rồi, cháu dừng bút đây. Cháu chúc chú sẽ thật bình tĩnh, tự tin để có thể tiếp tục thi đấu thật tốt, mang lại vinh quang cho nền thể thao nước nhà trong kì Paralympic lần này cũng như tiếp tục truyền cảm hứng vươn lên cho những bạn trẻ như cháu nữa nhé.

Thái Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-tay-than-ki-post699701.html