Đổi thay của những tộc người đặc biệt vùng Tây Bắc (tiếp theo)
Trước nguy cơ tụt hậu của đồng bào bốn dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, cùng với hàng loạt chính sách đầu tư cho đồng bào vùng cao, tháng 9-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao' (gọi tắt là Đề án 1672). Qua gần 10 năm thực hiện, Đề án đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Bài 2: Chuyển mình nơi đất khó
Thực hiện Đề án 1672 cùng nhiều chính sách khác của Chính phủ, cuộc sống của bốn tộc người này tại 88 thôn, bản thuộc 27 xã, chín huyện của ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang đã có bước chuyển mình căn bản. Cơ bản đã xóa được đói, bước đầu giảm nghèo và quan trọng hơn đã giúp đồng bào ổn canh, ổn cư; đời sống mọi mặt từng bước được nâng lên.
Đầu tư hạ tầng, tạo sinh kế cho dân
Việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, như: điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, cầu treo, nhà sinh hoạt cộng đồng… trong vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao không chỉ giúp đồng bào đi lại thuận tiện, mà còn thúc đẩy phát triển sản xuất, giao thương, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân.
Trước năm 2010, chỉ có đường ô-tô vào đến khu vực trung tâm các xã Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ (huyện Mường Tè), xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn); còn lại toàn bộ đường vào các bản của các xã đều phải đi bộ. Giao thông chia cắt đã kìm hãm quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Sau khi vốn Đề án 1672 lồng ghép với vốn của các chương trình 30a, 135, nông thôn mới…, nhiều tuyến đường đến các thôn bản đã được đầu tư mở mới. Hiện, hầu hết các bản của các xã nêu trên đều có đường ô-tô hoặc xe máy đến được tận bản. Tuy có những tuyến chỉ đi được vào mùa khô nhưng cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho đồng bào Mảng, La Hủ sống ở các bản vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, hàng loạt các công trình thủy lợi được mở mang, người dân có điều kiện khai hoang, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Hệ thống trường, lớp học, trạm y tế, các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư giúp các em nhỏ được đến trường, người dân được chăm sóc sức khỏe…
Tại Hà Giang, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã đầu tư 10 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào Cờ Lao sinh sống, như: nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình điện sinh hoạt, công trình cấp nước, công trình giao thông nông thôn… Các hạng mục công trình được đầu tư bảo đảm đúng danh mục quy định, ưu tiên những công trình giao thông nông thôn có tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất, phục vụ đời sống, góp phần giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng đối với các xã, thôn có đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống nói riêng và các dân tộc trên địa bàn nói chung.
Tại tỉnh Điện Biên, từ năm 2013, tỉnh đã đầu tư cho vùng đồng bào người Cống một số công trình, như: đường từ ngã ba Pa Tần đến bản Lả Chà gần 10km với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng; công trình thủy lợi với tổng kinh phí ba tỷ đồng, bảo đảm tưới tiêu cho 15ha ruộng lúa nước và một công trình nước sinh hoạt tập trung có giá trị đầu tư một tỷ đồng, cung cấp nước sinh hoạt cho 60 gia đình trong bản.
Đặc biệt, dự án cấp điện sinh hoạt cho khu dân cư với trạm biến áp, đường dây dài 9km với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa ánh sáng điện tới bản Lả Chà vào tháng 6-2014. Vậy là sau hơn 50 năm định cư, người dân tộc Cống ở Lả Chà đã thấy ánh sáng điện, người dân trong bản mua sắm tivi để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, đời sống đổi thay rõ rệt…
Tại huyện Mường Tè (Lai Châu), từ năm 2008 đến 2011, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động từng nhóm hộ dân tộc La Hủ sống trên các khe núi, lưng đồi về dựng thành các bản. Không chỉ bạt đồi mở lối, cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn gùi từng tấm tôn đi bộ hàng chục cây số, lội suối, băng rừng, để dựng nhà cho người dân. Đã có gần 200 ngôi nhà đại đoàn kết được dựng ở các bản Nà Si, Hà Xi, Tân Biên, Mu Chi…
Sau khi dựng nhà, lập bản, bộ đội biên phòng còn phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ cây, con giống và cho bố trí tổ công tác tại bản để hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi thông qua các mô hình sản xuất, chăn nuôi… Nhờ vậy, nhiều bản người La Hủ đã thật sự thay đổi, người dân biết chăn nuôi, trồng trọt tại nơi định canh.
Thực hiện Đề án 1672, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai, như: mô hình trồng quế, dong riềng, nghệ; mô hình chăn nuôi bò, dê... tại các xã bản của người Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao. Các mô hình này đã dần giúp người dân định hình các vùng sản xuất, chăn nuôi giúp họ định canh ổn định để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Theo số liệu thống kê, có hơn 11 nghìn lượt hộ dân Mảng, La Hủ tại Lai Châu được hỗ trợ trực tiếp cây, con giống. Tại Hà Giang, Điện Biên, hơn 50 mô hình trình diễn sản xuất, tập huấn khuyến nông dành cho đồng bào Cờ Lao, Cống, giúp bà con có thêm kiến thức, kỹ năng canh tác, phát triển sản xuất. Trong giai đoạn thực hiện Đề án 1672 tại ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang, có khoảng 2.000 hộ đồng bào được hỗ trợ xóa nhà tạm; hơn 2.500 hộ được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh; hơn 20 nghìn lượt học sinh là con em các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao được hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để các em yên tâm học tập…
Bước chuyển mình căn bản
Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch, phương thức sản xuất cũ, lạc hậu được thay thể bằng phương thức sản xuất mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Ông Lù A Tiên, bản Nậm Xảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), một trong những người đi đầu về định canh phát triển kinh tế của người Mảng, tâm sự: “Gia đình tôi nói riêng, người dân tộc Mảng nói chung trước đây nghèo lắm, vì không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Khi Nhà nước hỗ trợ cho trâu thì cũng chỉ nuôi thả thôi, nhưng được các cán bộ bày cách trồng cỏ voi, không thả trâu trên rừng lâu ngày mà đem về nhà làm chuồng nuôi. Quen cách chăn nuôi, tôi tiếp tục nuôi thêm bò, dê, trồng thêm cây dong riềng, cây nghệ trên các nương bỏ hoang. Đến nay, đàn gia súc phát triển lên đến gần trăm con. Giờ thì gia đình tôi thoát nghèo rồi. Các con cháu được ăn học đàng hoàng”.
Chị Lý Me Hồng, người dân tộc Mảng ở bản Nậm Nó 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) cho biết, gia đình chị có bảy anh, chị, em, nhờ Nhà nước hỗ trợ con giống lúc ban đầu đến nay, cả bảy gia đình đều đã thoát nghèo.
Hiện nay, cùng với việc trồng lúa nước, trồng cây thảo quả, người La Hủ ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè còn trồng thí điểm cây tam thất rừng, một loại cây có giá trị kinh tế cao và cây cỏ thơm, một loại thảo dược có giá trị. Cùng với đó, những năm gần đây, người dân bản Sín Chải B đã bắt đầu chú ý đến chăn nuôi, phát triển đại gia súc, bảo vệ và phát triển rừng để hưởng nguồn lợi từ dịch vụ môi trường rừng… Nhờ vậy, mấy năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm nhanh, từ hơn 90% trước đây giờ chỉ còn 50% theo tiêu chí mới. Đây được xem là một “kỳ tích” của người La Hủ.
Nguyên trưởng bản Sín Chải B, Pờ A Le cho biết: “Trước đây, dân tộc chúng tôi sống tách biệt trong rừng, mọi người muốn tìm cũng không được, giờ đây, người La Hủ đã tự tìm đến với cộng đồng, đến với cuộc sống mới, đến con chữ và sự ấm no”.
Bà Lò Thị Vương, nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, người theo dõi và trực tiếp thực hiện Đề án 1672 ở Lai Châu, nhận xét, cái được nhất trong quá trình thực hiện Đề án là đến nay, cơ bản con em đồng bào đến trường và duy trì được tỷ lệ chuyên cần cao. Đã có nhiều cháu là con, em người Cống, Mảng, La Hủ trở thành cán bộ các cấp, nhiều cháu theo học các trường đại học, cao đẳng trong nước. Phần lớn số nhà tạm được xóa, thay vào đó là nhà kiên cố. Người dân tộc Mảng, La Hủ không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm, một bộ phận nhỏ người dân cũng đã bắt đầu hình thành ý thức sản xuất theo hướng hàng hóa. Điều quan trọng, người dân hai dân tộc này đã cơ bản ổn canh, ổn cư, ngăn chặn được vấn đề suy thoái giống nòi, suy thoái chất lượng dân số, hủ tục tệ nạn giảm…
Đối với người dân tộc Cống, đồng chí Hà Quốc Thịnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết, qua giám sát việc triển khai Đề án cho thấy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống tại Điện Biên được nâng lên. Không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống còn 56,2% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020). Cộng đồng người Cống đã có chuyến biến tích cực về nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán; phần lớn người dân đã được tiếp cận cơ bản các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa đặc trưng được bảo tồn và phát huy. Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, giao thông bảo đảm lưu thông quanh năm, trường lớp học bước đầu đáp ứng nhu cầu về dạy và học… Đồng bào dân tộc Cống ở Lai Châu hiện nay cũng có điều kiện sống, cơ sở vật chất cơ bản khang trang, lưu giữ và phát huy rất tốt bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân không phải sống trong nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo ở dân tộc này tại Lai Châu chỉ còn chưa đầy 20%.
Thôn Cá Ha, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn là nơi có đông đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống nhất của tỉnh Hà Giang. Trước kia, cuộc sống của bà con khó khăn vô cùng, người dân cả thôn cả năm chỉ trông chờ vào gần 60 ha đất trồng ngô một vụ và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Số hộ có đủ lương thực ăn trong năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bí thư Chi bộ thôn Cá Ha, Sáng Thị Phòng cho biết, từ năm 2013 đến nay, các hoạt động hỗ trợ của dự án đã có tác động tích cực đến tư duy, ý thức của người dân trong sản xuất, chăn nuôi. Hiện, 100% diện tích ngô của thôn đã được trồng giống mới, cho năng suất cao, bảo đảm cho người dân có đủ lương thực ăn quanh năm. Riêng chăn nuôi, người dân đã biết trồng cỏ trên sườn núi để làm thức ăn chăn nuôi, nhờ đó nuôi được bò, dê. Thanh niên trong độ tuổi lao động sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã đi lao động ở trong và ngoài nước, đem nguồn thu không nhỏ về địa phương.
Chủ tịch UBND xã Sính Lủng, Lầu Mí Cho cho biết thêm, hiện nay, thôn có nhiều cháu theo học cấp ba ở tỉnh, huyện. Đặc biệt, có cháu còn đỗ và theo học Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở Hà Nội, chuyện trước đây chưa hề có”.
Đánh giá về kết quả thực hiện Đề án 1672 thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh, Đề án đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp lên mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, sinh hoạt của hơn 5.488 hộ, gần 21.000 nhân khẩu thuộc bốn dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao trên địa bàn 88 thôn, bản thuộc 27 xã của chín huyện của ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang.
Qua sáu năm thực hiện Đề án, tổng kinh phí thực hiện là 419,133 tỷ đồng, đạt 40,1% tổng nguồn kinh phí thực hiện Đề án. Nguồn vốn được phân bổ thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, đúng định mức, kịp thời và đầy đủ đến người dân, góp phần giải quyết khó khăn cho đồng bào, ổn định cuộc sống.
Hầu hết các mục tiêu của đề án đã được thực hiện. Trong đó, đáng mừng nhất là các chỉ tiêu về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, khi 100% thôn, bản của bốn dân tộc đã có chi bộ Đảng, có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm… Các chỉ tiêu về giáo dục, y tế cũng rất đáng ghi nhận, với 80% thôn bản có trường, lớp học kiên cố, 100% trạm y tế xã ở hai tỉnh Hà Giang và Điện Biên có bác sĩ, y sĩ sản nhi tăng cường, bảo đảm thế hệ tương lai của các dân tộc ít người có thể chất khỏe mạnh, tri thức tốt, bắt kịp với sự phát triển của xã hội.
(Còn nữa)
* Bài 1: Quá khứ với đói nghèo, lạc hậu bủa vây