Đổi thay đôi bờ Rạch Chiếc!

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 52 chiến sĩ đặc công tiểu đoàn Z.22, Z.23 và D81 thuộc Lữ đoàn 316 đặc công biệt động đã anh dũng hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ huyết mạch phía Đông - đón đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975. Gần 48 năm trôi qua, cầu Rạch Chiếc đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn đó những chiến sĩ đặc công mãi nằm lại ở 'tuổi mười chín đôi mươi' để Tổ Quốc có được niềm vui Thống Nhất.

TRẬN CHIẾN TRƯỚC... BÌNH MINH!

Trận chiến cầu Rạch Chiếc được xem là trận đánh ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cầu Rạch Chiếc cách Dinh Độc Lập khoảng hơn 10km về phía Đông là một trong ba cây cầu huyết mạch quan trọng trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa (Xa lộ Hà Nội ngày nay). Đầu tháng 4/1975, sau những thất bại chiến lược trên chiến trường, địch chạy về quyết tâm tử thủ xung quanh các cửa ngõ tiến vào Sài Gòn.

Tại cầu Rạch Chiếc, địch đã xây dựng một cụm phòng thủ với hỏa lực rất mạnh bố trí ở hai đầu cầu với khoảng gần 2.000 quân. Để đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, ta đã huy động khoảng 200 cán bộ chiến sĩ của 3 tiểu đoàn Z.22, Z.23 (lực lượng đặc công nước) và D81 (đặc công bộ) thuộc Lữ đoàn 316 đặc công biệt động tham gia trận đánh.

Gần 48 năm trôi qua, Trung úy Nguyễn Đức Thọ (SN 1955, quê Thanh Hóa), cựu chiến sĩ đặc công nước Z.22, người bắn phát súng B40 mở màn cho trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc vẫn nhớ như in trận đánh đầy quả cảm này. Trong căn nhà nhỏ của mình gần UBND Phường 4 (Quận 8, TPHCM), hồi tưởng lại với phóng viên, ông Thọ cho biết ban đầu nhiệm vụ của Z.22, Z.23 và D81 là đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân của địch nằm ở khu vực Bến Bạch Đằng bên bờ sông Sài Gòn, ngay trung tâm thành phố.

Ông Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội sau trận đánh cầu Rạch Chiếc.

Ông Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội sau trận đánh cầu Rạch Chiếc.

Tuy nhiên đến ngày 25/4/1975, cấp trên ra lệnh thay đổi mục tiêu sang đánh chiếm và giữ bằng được cầu Rạch Chiếc để đón bộ đội chủ lực của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Dù nhiệm vụ thay đổi bất ngờ nhưng 200 cán bộ, chiến sĩ, chiến sĩ đặc công thuộc Z.22, Z.23 và D81 đặt quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, dù có phải hy sinh đến chiến sĩ cuối cùng.

Thời điểm nổ súng được xác định lúc 3 giờ 15 rạng sáng ngày 27/4/1975 bằng lối đánh cường tập, dùng B40, B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch. Đồng thời, toàn lực lượng áp sát mục tiêu, dùng thủ pháo, lựu đạn đồng loạt tấn công địch để nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa trước khi mặt trời mọc. Sau đó triển khai lực lượng, bố trí đội hình đánh địch phản kích để quyết giữ cầu, đón đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Theo đúng kế hoạch đã vạch ra, từ 23 giờ ngày 26/4/1975, các đơn vị chiến đấu của ta đã bí mật áp sát mục tiêu như dự kiến. Đến 3 giờ 15 ngày 27/4/1975, ông Thọ được lệnh nổ phát súng B40 đầu tiên vào tháp canh của địch, mở màn trận đánh. "Lúc đó, tôi nằm dưới sình nên phát đầu tiên bắn trượt. Tôi lập tức vùng đứng dậy bắn tiếp phát đạn thứ hai trúng khiến tháp canh của địch đổ nghiêng. Cùng lúc đó, các mũi tấn công đồng loạt nổ súng, dùng thủ pháo, lựu đạn cấp tập vào công sự của địch", ông Thọ nhớ lại.

Bị tấn công dồn dập và bất ngờ, địch vội vàng tháo chạy. Các đơn vị chiến đấu của ta nhanh chóng làm chủ trận địa, hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm, giữ được cầu Rạch Chiếc. Mất quyền kiểm soát cây cầu quan trọng ngay cửa ngõ Sài Gòn, địch từ khu liên trường Thủ Đức, Sóng Thần... dùng pháo điên cuồng bắn cấp tập vào trận địa. Đến khoảng 8 giờ ngày 27/4, địch bắt đầu dùng trực thăng đổ quân triển khai đội hình kết hợp với xe tăng, tàu chiến phản kích hòng chiếm lại cầu nhưng đều bị các chiến sĩ đặc công đánh bật ra xa.

"Sau nhiều lần tấn công thông thường không có hiệu quả, địch chuyển sang dùng pháo chụp, đạn nổ trên cao 5 - 7 mét, mảnh đạn rơi chụp xuống gây rất nhiều thương vong cho bộ đội ta. Dù vậy, các chiến sĩ đặc công còn lại vẫn quyết bám trụ giữ cầu đến khoảng 3 giờ chiều ngày 27/4/1975 thì hết đạn nên phải rút lui", ông Thọ chùng giọng kể.

Ánh mắt nhìn xa xăm, ông Thọ nhớ như in về những đồng đội đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là quyền Đại đội trưởng của Z.22 Hoàng Viết Thành (quê Quảng Bình) hai lần bị trúng mảnh pháo nát cả hai chân vẫn không rời trận địa, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu đến lúc hy sinh. Hay người bạn thân Nguyễn Văn Thất cùng quê xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã một mình ở lại chiến đấu cản địch cho đồng đội rút lui. Đến khi hết đạn, giặc bắt được tra khảo không có kết quả nên sát hại, chặt đôi xác ném xuống bên cầu.

Đến đêm 29, rạng sáng ngày 30/4/1975, quân ta lại tiếp tục được lệnh nổ súng đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Thêm một trận chiến ác liệt với sự chênh lệch rất lớn về lực lượng cũng như trang bị vũ khí giữa các chiến sĩ đặc công với địch. Nhưng với quyết tâm và sự quả cảm, các chiến sĩ đặc công một lần nữa nhanh chóng chiếm giữ được cầu. Đến khoảng 9 giờ 30 ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn 203, Quân Đoàn 2, cắm cờ "Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam" lăn bánh qua cầu Rạch Chiếc tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Để hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm và giữ được cầu Rạch Chiếc, 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công của Z.22, Z.23 và D81 đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời chỉ mới "mười chín đôi mươi". Trong đó, hiện chỉ mới quy tập được 9 hài cốt liệt sĩ, còn lại 43 chiến sĩ đã mãi nằm lại với cây cầu này để Tổ quốc có được niềm vui ngày Thống Nhất.

NỐI NHỊP BỜ VUI!

Chiến tranh đã lùi xa 48 năm, khu vực cầu Rạch Chiếc - nơi diễn ra trận đánh oai hùng của những người lính đặc công biệt động năm xưa giờ đã có những đổi thay to lớn. Con đường xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa đã được đổi tên thành Xa lộ Hà Nội và mở rộng lên đến 12 - 16 làn xe rộng thênh thang.

Cây cầu Rạch Chiếc trước đây cũng đã được thay mới bằng cầu bê tông hiện đại gồm 3 nhánh cầu riêng biệt với 10 làn xe chạy, trở thành "nhịp cầu nối những bờ vui" trên tuyến giao thông huyết mạch nối TPHCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung... Ngay sát bên là tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng cũng đang gấp rút hoàn thành những phần việc cuối cùng để kịp đưa vào vận hành đúng dịp Quốc khánh 02/9 năm nay.

Nút giao thông ngã ba Cát Lái nối với cầu Rạch Chiếc to đẹp, hiện đại

Nút giao thông ngã ba Cát Lái nối với cầu Rạch Chiếc to đẹp, hiện đại

Tuyến Metro số 1 khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ trở thành một biểu tượng mới cho sự phát triển, đổi thay của thành phố. Nếu như trước đây hai bên cầu Rạch Chiếc là vùng đất sình lầy chỉ toàn dừa nước, cây cóc kèn, ô rô... thì nay đã được khoác lên mình "chiếc áo mới" văn minh, hiện đại. Từ hướng Thủ Đức đi vào gần đến chân cầu là Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc với nhiều căn nhà kiểu biệt thự được xây dựng khang trang. Cạnh đó là ICD Phước Long luôn tấp nập những chiếc xe chất đầy container hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào.

Phía Nam cầu Rạch Chiếc nay thuộc phường An Phú, TP.Thủ Đức bên cạnh tấm bia nhỏ được dựng lên từ năm 2006 để tưởng niệm 52 chiến sĩ đặc công biệt động đã anh dũng ngã xuống trong trận chiến năm xưa là một Khu Công viên - Bia tưởng niệm mới được xây dựng rất khang trang trên khuôn viên rộng 12.000m2. Công trình được hoàn thành vào cuối năm 2015 gồm khu A là công viên bia tưởng niệm với dòng chữ "Tổ Quốc ghi công" có diện tích 6.000m2, khu B là bến thả hoa giáp sông Rạch Chiếc và công viên cây xanh hành lang bảo vệ sông Rạch Chiếc.

Ông Phạm Thanh Phương - Chủ tịch UBND Phường An Phú, TP.Thủ Đức cho biết, Khu tưởng niệm 52 chiến sĩ đặc công biệt động hy sinh tại cầu Rạch Chiếc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một địa chỉ rất linh thiêng. "Năm nào địa phương chúng tôi cũng đều tổ chức dâng hương dâng hoa, làm mâm cơm cúng trận để tưởng nhớ ngày các anh hy sinh. Đây cũng là dịp để nhắc nhở chính quyền và nhân dân địa phương luôn đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua, lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại nghĩa tình, xứng đáng với những hy sinh to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống", ông Phương nói.

Đoàn Công an TP.Thủ Đức đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm trận đánh cầu Rạch Chiếc

Đoàn Công an TP.Thủ Đức đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm trận đánh cầu Rạch Chiếc

Đến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ 52 chiến sĩ đặc công, biệt động đã anh dũng ngã xuống tại cầu Rạch Chiếc trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử năm nay, Đoàn cán bộ chiến sĩ Công an TP.Thủ Đức do Thượng tá Tân Xuân Tiên - Phó trưởng Công an TP.Thủ Đức dẫn đầu không khỏi xúc động trước những tấm gương anh dũng "vì nước quên thân" của những người lính đặc công, biệt động.

Thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, cán bộ chiến sĩ Công an TP.Thủ Đức nguyện phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, ra sức phấn đấu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Thiên Long

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/doi-thay-doi-bo-rach-chiec_146483.html