Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh ta hiện có trên 85 vạn dân, với cộng đồng 19 dân tộc cùng chung sống. Trong đó, có tới 18 dân tộc, chiếm 88% là đồng bào các dân tộc thiểu số; 5 dân tộc trong số này thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người.
Là một trong 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, nằm trong số 6 huyện nghèo của tỉnh, Yên Minh có 16 dân tộc, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xuồng, Pu Péo, Cờ Lao,… đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. 6 năm trước, lần đầu chúng tôi đến thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng - nơi có cộng đồng người Pu Péo sinh sống nhiều nhất trên địa bàn huyện với 18 hộ, 91 khẩu. Khi đó, tuyến đường vào thôn vẫn là đường đất, ngày nắng có thể đi xe máy, nhưng chỉ cần lất phất mưa, con đường như được láng mỡ là phải đi bộ. Cộng đồng người Pu Péo ở đây chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi chưa phát triển, vì vậy hầu hết các hộ thuộc hộ nghèo. Nhiều bản sắc văn hóa có dấu hiệu mai một…
Nhưng, hiện tại, đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người Pu Péo ở Cháng Lộ đã thay “màu áo mới”: Con đường bê tông kiên cố dài hơn 1,5 km được đầu tư, thuận tiện cho bà con đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa; mỗi hộ dân được nhà nước hỗ trợ một con bò cái sinh sản và xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi, có hộ đã phát triển đàn gia súc tới 5 con; 100% hộ có xe máy, 15/18 hộ có ti vi; các hộ đều được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm đảm bảo; trẻ em được đến trường. Trong xóm hiện còn 7 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Cùng với những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa; cộng đồng người Pu Péo còn được quan tâm hỗ trợ, phục dựng và duy trì lại Lễ hội Cúng Thần rừng và cúng nguồn nước đầu năm mới.
Ông Chúng Vần Tờ, người có uy tín trong cộng đồng Pu Péo ở Sủng Cháng, cho biết: Người dân Pu Péo chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, điện lưới; hỗ trợ cây, con giống để bà con sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập; hỗ trợ khôi phục, bảo tồn và truyền dạy cho các thế hệ mai sau những nét văn hóa riêng có của dân tộc.
Cũng giống như người Pu Péo ở Sủng Cháng, 19 hộ dân với trên 100 khẩu dân tộc Cờ Lao ở thôn Xà Ván, xã biên giới Phú Lũng (Yên Minh) giờ đã có cuộc sống mới. Thực hiện Đề án phát triển KT – XH vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao của Chính phủ; chương trình xây dựng Nông thôn mới; 135, 30a… Các hộ dân Cờ Lao được nhà nước hỗ trợ bê tông hóa đường giao thông nông thôn; kéo điện lưới sinh hoạt; xây dựng “hồ treo” và hệ thống cấp nước sinh hoạt; sửa chữa nhà ở, làm nhà vệ sinh; đào tạo nghề cho thanh niên; hỗ trợ các thiết chế văn hóa, trang phục truyền thống, xây dựng các đội văn nghệ dân gian và tổ chức các lễ hội truyền thống để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đến nay, 100% hộ dân Cờ Lao ở Phú Lũng có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố và được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; được tiếp cận thông tin, văn hóa,… hầu hết các hộ thoát nghèo, dần vươn lên khá, giàu.
Cộng đồng người Pu Péo và Cờ Lao chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong 18 dân tộc thiểu số của tỉnh. Nhưng minh chứng từ sự đổi thay trong đời sống, KT – XH của hai cộng đồng dân tộc trên ở Yên Minh khẳng định những chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi vào từng “ngõ ngách” của cuộc sống. Điều này còn được thể hiện qua những con số: Quốc hội, Chính phủ đã ban hành trên 100 chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số; trong giai đoạn 2015 – 2020, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh được hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách đầu tư, phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng. Đã có trên 1.000 công trình giao thông, trường – lớp học, thủy lợi, trạm y tế, cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng, sửa chữa; có gần 170.000 lượt hộ dân được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cây, con giống phát triển kinh tế; trên 11.700 lượt người có uy tín tại các thôn, bản được cấp phát báo, tạp chí, thăm hỏi, tặng quà… Vì thế, trong giai đoạn này, tỉnh ta có tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt bình quân 6 – 7%/năm. Tính từ năm 2016 đến năm 2019, tỉnh ta giảm được trên 25.000 hộ nghèo. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 26,73%.
Ông Hoàng Đức Tiến, Trưởng ban Dân tộc – Tôn giáo tỉnh, đánh giá: Các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đang triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được cơ bản nhu cầu đi lại, khám, chữa bệnh, học hành và tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng; người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công cộng và các thành tựu phát triển KT – XH, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các vùng,… góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, thay đổi diện mạo nông thôn.
Mới đây, ngày 19.6, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV, 100% đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% số xã/thôn/bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030, cơ bản không còn xã/thôn/bản đặc biệt khó khăn. Nghị quyết được thông qua tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đồng bào các dân tộc thiểu số, được nhân dân mong đợi và kỳ vọng.