Đổi thay Hòa Quang Bắc

Từng là “cái nôi” của cách mạng, xã Hòa Quang Bắc đã anh dũng góp sức người, sức của và cả máu xương cho công cuộc giành lại độc lập tự do cho quê hương. Sau chiến tranh, chính quyền và nhân dân Hòa Quang Bắc bắt tay ngay vào dựng xây cuộc sống mới. Trải qua chặng đường dài đoàn kết, nỗ lực, bộ mặt của xã đã có những đổi thay đáng kể. Đặc biệt, Hòa Quang Bắc được công nhận là xã nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của tỉnh.

Diện mạo mới

Về xã Hòa Quang Bắc hôm nay, xe cộ bon bon trên những tuyến bê tông thênh thang thay cho những con đường đất đá bùn lầy trước đây. Ông Trần Văn Trung ở thôn Ngọc Sơn vui mừng chia sẻ: Nói giao thông là huyết mạch của phát triển quả thật không sai. Từ khi Nhà nước và nhân dân chung sức bê tông hóa tuyến đường này, cuộc sống có nhiều đổi mới. Nhà nhà thi nhau sửa sang cửa ngõ, hàng rào để tạo cảnh quan. Nhiều nhà có mặt tiền thông thoáng bắt đầu kinh doanh mua bán. Xe tải lớn có thể chuyên chở hàng hóa từ mọi nơi về đây và vận chuyển nông sản làng quê ra phố thị, thúc đẩy giao thương phát triển không ngừng. Bên cạnh đó, các trục giao thông nội đồng cũng liên tục được đầu tư mở rộng và cứng hóa thuận tiện cho xe máy vào tận chân ruộng để chuyên chở nông sản. Bà con không còn cảnh quảy gánh xuyên trưa để đưa lúa vào bờ.

Tại thôn Mậu Lâm Bắc, nơi đã hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu và đang chờ được công nhận, diện mạo làng quê hoàn toàn đổi mới. Dọc các tuyến đường bê tông rợp sắc hoa là những căn nhà hai tầng khang trang hiện đại; các tuyến đường đều có biển báo giao thông và hệ thống điện chiếu sáng đi kèm. Toàn thôn không còn hộ nghèo, tất cả người dân đều có nhà ở kiên cố. Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Mậu Lâm Bắc Nguyễn Văn Diện cho biết: Cả thôn có 415 hộ với hơn 1.500 người, mức thu nhập bình quân trên 61 triệu đồng/người/năm. Nhờ được chính quyền tích cực hỗ trợ, tạo sinh kế, người dân có việc làm, thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng phát triển, bà con tích cực đóng góp, dựng xây quê hương.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc Phan Thanh Đồng, đến nay, xã đã bê tông hóa, cứng hóa được gần 50km đường; trong đó, toàn bộ trục xã và liên xã đều đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp. Bà con các thôn góp tiền kéo điện thắp sáng đường quê, thi đua trồng hoa, cây cảnh dọc các tuyến đường để tạo cảnh quan. Ngoài giao thông, xã còn đầu tư nâng cấp hạ tầng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao đạt chuẩn...

Phát huy nội lực

Địa hình bán sơn địa, diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, có hệ thống kênh tưới của hệ thống thủy nông Đồng Cam đi qua… là những thuận lợi cho việc đầu tư phát triển nông nghiệp. Vì vậy, Hòa Quang Bắc luôn xác định lấy nông nghiệp làm điểm tựa để làm bàn đạp thúc đẩy kinh tế đi lên, mở ra nhiều ngành sản xuất mới.

Thời gian qua, địa phương này tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, đưa cơ giới vào các khâu sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Theo UBND xã Hòa Quang Bắc, nhiều mô hình sản xuất có định hướng lâu dài đã được triển khai đến người dân như cánh đồng sản xuất lúa giống chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang trồng hoa màu, trồng cây ăn quả trên đất vườn đồi, trồng khóm dọc dòng suối Cái, nuôi dê thâm canh… Đến nay, xã Hòa Quang Bắc đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh giá trị cao như vùng trồng khóm dọc suối Cái, vùng cây ăn quả Lỗ Chài, vùng hoa màu Ngọc Sơn... tạo ra nhiều nông sản đặc trưng có lợi thế cạnh tranh tốt.

Đưa chúng tôi vào thăm khu vườn mẫu NTM của gia đình ông Huỳnh Văn Tánh ở thôn Ngọc Sơn, ông Bùi Xuân Khang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Quang Bắc phấn khởi chia sẻ: “Mô hình sản xuất của trang trại nhà ông Tánh đang được địa phương nhân rộng. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ phủ khắp các sườn đồi này bằng những vườn mít, mãng cầu và nhiều loại cây ăn quả khác thay vì trồng keo”. Vườn cây ăn quả nhà ông Tánh rộng 4,5ha, trong đó ông đã trồng các loại mít, mãng cầu, thanh long, cam, bưởi trên 3,8ha. Bình quân, mỗi năm đem về nguồn thu nhập hơn 720 triệu đồng. Đặc biệt, hiện nay, vườn ông Tánh và nhiều vườn khác còn ứng dụng các biện pháp canh tác an toàn sinh học, đây là bước chuẩn bị để tiến đến vùng sản xuất an toàn sinh học, nâng cao giá trị nông sản.

Bên cạnh nông nghiệp, xã Hòa Quang Bắc cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về địa phương để tạo việc làm tại chỗ cho người dân. Đến nay, tỉ lệ lao động (trong độ tuổi) có việc làm đạt hơn 90%, với mức thu nhập bình quân khoảng 49 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 26 hộ nghèo, chiếm 0,8%.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc Phan Thanh Đồng cho biết: “Chúng tôi quyết tâm khai thác hết những lợi thế của địa phương, tạo nguồn sinh kế tại chỗ để người dân có thể sống khỏe trên chính mảnh đất quê hương, không phải tha phương xứ người. Khi người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống thì kinh tế địa phương mới phát triển bền vững”.

Theo UBND xã Hòa Quang Bắc, ngoài hai vườn mẫu NTM đã được công nhận, xã đang rà soát, hướng dẫn các hộ dân đầu tư hoàn thiện các tiêu chí để tiếp tục có thêm hai vườn mẫu đạt chuẩn NTM cuối năm nay. Đồng thời cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện đủ chín chỉ tiêu của khu dân cư NTM kiểu mẫu cho thôn Ngọc Sơn và Hạnh Lâm, để toàn xã sẽ có ba khu dân cư NTM kiểu mẫu trong năm nay, tiến đến đạt xã NTM kiểu mẫu trước năm 2025.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/262875/doi-thay-hoa-quang-bac.html