Đổi thay Hòn Đất

Sau 25 năm khai hoang phục hóa vùng tứ giác Long Xuyên, khu vực kênh T5 và cả huyện Hòn Đất đổi thay mạnh mẽ. Người dân Hòn Đất nói riêng và cả vùng tứ giác Long Xuyên nói chung kính trọng, biết ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết sách đúng, trúng biến vùng đất hoang hóa trở nên trù phú.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Hòn Đất Đỗ Đức Trọng nhớ lại, xưa kia vùng tứ giác Long Xuyên, trong đó có Hòn Đất còn hoang hóa, đất rộng người thưa. Đất nhiễm phèn mặn, sản xuất vô cùng khó khăn.

Với diện tích đất sản xuất trên 106.000ha nhưng cả huyện Hòn Đất có khoảng 30.000ha đất có thể sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa 2 vụ chỉ khoảng 2.500ha. Tổng sản lượng lương thực của huyện chỉ 40.000 tấn/năm. Cò lại phần lớn diện tích đất hoang hóa, đời sống người dân khó khăn.

Trung ương tổ chức 5 nông trường gồm 3 nông trường sản xuất lúa, 2 nông trường sản xuất khóm, nhưng tất cả đều sản xuất không hiệu quả do đất nhiễm phèn quá nặng. Sau nhiều lần thực địa, năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có Quyết định số 99-TTg ngày 9-2-1996 về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ một quyết định có tính đột phá này, mà hệ thống các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, hệ thống kênh mương tháo chua rữa phèn được triển khai thực hiện.

Khởi đầu, công trình kênh T5 được khởi công và hoàn thành vào năm 1997 với tổng chiều dài 48km chạy xuyên 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Tiếp nối các công trình thủy lợi tương tự cũng hoàn thành, giúp đất đai dần cải tạo, người dân trong vùng khai hoang phục hóa, biến vùng đất hoang trở thành vùng đất trù phú, màu mỡ, sản xuất nông nghiệp thuận lợi.

Đường giao thông bờ kênh T5 - kênh Võ Văn Kiệt, ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất được đầu tư giúp người dân đi lại dễ dàng.

Đường giao thông bờ kênh T5 - kênh Võ Văn Kiệt, ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất được đầu tư giúp người dân đi lại dễ dàng.

Xuôi theo dòng kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) thuộc địa phận xã Bình Giang, huyện Hòn Đất. Trên bờ đường bê tông trải dài đến tiếp giáp xã Lạc Quới (An Giang). Nhà cửa, các công trình dân sinh mọc lên san sát. Những cánh đồng lớn hàng chục ngàn ha được phủ một màu xanh của ruộng lúa. Từ lâu, nơi này đã trở thành một trong những vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao của vùng tứ giác Long Xuyên.

Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất nhớ buổi ngày đầu cùng vợ con về đây khai hoang. Ông Sơn kể: “Từ bàn tay trắng, vợ chồng tôi về đây lập nghiệp. Xưa kia vùng này đất còn hoang hóa, ít người ở. Đường, điện, nước chưa có, đi lại khó khăn. Đất hoang rộng nhưng bị nhiễm phèn nặng, trồng trọt thất bại, phần lớn người dân nghèo. Kênh T5 được khởi công đào, nước ngọt đổ từ thượng nguồn về giúp rửa sạch phèn, từ đó bà con sản xuất thuận lợi hơn, từ một vụ lúa mùa có thể sản xuất 2-3 vụ lúa/năm”.

Kênh T5 hoàn thành, chính quyền địa phương bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, đào thêm các kênh thủy lợi nội đồng, xây dựng cống ngăn mặn phía biển, hệ thống đường giao thông nông thôn, cầu nông thôn được đầu tư mở rộng, từ đó người dân sinh sống đông hơn. Nhờ con kênh này, người dân có cuộc sống ấm no, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Hệ thống thủy lợi vùng tứ giác Long Xuyên tạo cơ hội cho huyện Hòn Đất khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất, thâm canh tăng vụ, hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao với sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn/năm. Kinh tế phát triển, thu nhập và đời sống của người dân Hòn Đất nâng lên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2,48%.

Anh Lê Hồng Thắng, ngụ ấp Láng Cơm, xã Bình Giang (Hòn Đất) chia sẻ: “Chúng tôi không bao giờ quên công ơn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhờ kênh T5, người dân làm lúa trúng mùa. Người dân gọi kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông, từ đó người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/doi-thay-hon-dat-11540.html