Đổi thay Huồi Thum
Bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nằm cheo leo trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đã bao đời người dân nơi đây sống trong đói nghèo, cơ cực. Thế rồi, người chiến sĩ Biên phòng ấy xuất hiện, bằng những việc làm thiết thực, anh đã giúp đỡ bà con nơi đây thay đổi cuộc sống. Kể từ đây, khát vọng thoát nghèo ở bản vùng cao này trỗi dậy mạnh mẽ, với sự giúp sức của anh - Trung tá Ngũ Quang Hùng, nhân viên Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Na Ngoi, BĐBP Nghệ An.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2016, khi Trung tá Ngũ Quang Hùng được Đồn Biên phòng Na Ngoi, BĐBP Nghệ An tăng cường về sinh hoạt tạm thời tại Chi bộ bản Huồi Thum, xã Na Ngoi. Chứng kiến những khó khăn, cách trở của vùng đất này khi mà chưa có điện thắp sáng, thiếu đói giáp hạt triền miên, khiến anh lo lắng, trăn trở. Những ngày cùng ăn, cùng ở, hiểu được hoàn cảnh của bà con, Trung tá Hùng quyết định vận động người dân trồng lúa nước thay cho phát nương làm rẫy.
Gia đình ông Bùi Văn Tuấn và ông Bùi Văn Nhâm là hai hộ đầu tiên được Trung tá Hùng hướng dẫn trồng lúa nước. Để giúp đỡ các gia đình, anh đã hướng dẫn họ cách cày bừa để ải đất, lựa chọn giống lúa phù hợp để ủ giống, gieo mạ. Khi mạ được 2 tuần tuổi mới tiến hành cấy, trước khi cấy phải bón lót phân chuồng.
Lúc cây lúa bén rễ thì tiến hành bón phân đạm để lúa đẻ nhánh và phát triển. Đồng thời, tiến hành làm cỏ, phun thuốc trừ sâu bệnh. Đến lúc cây lúa chuẩn bị làm đòng, sẽ tiến hành bón thúc để cây lúa trổ bông và khi lúa chín, giúp người dân thu hoạch. Vụ mùa đầu tiên, nhờ làm đúng kỹ thuật, gia đình ông Tuấn và ông Nhâm đã thu hoạch được 1,5 tấn lúa, kinh tế hơn hẳn so với làm rẫy.
Sau khi thu hoạch lúa, để tăng thu nhập trên diện tích đất trồng lúa, Trung tá Ngũ Quang Hùng đã vận động người dân trồng rau xen canh. Việc sản xuất vụ Đông là câu chuyện không mới ở miền xuôi, nhưng với đồng bào dân tộc Khơ Mú là sự khởi đầu còn nhiều bỡ ngỡ.
Chia sẻ về việc này, Trung tá Hùng cho biết: “Ở bản, bà con hầu như không biết cách trồng rau, chủ yếu là hái rau rừng và măng rừng. Qua nghiên cứu cách làm, thời tiết, khí hậu, phong tục và chất đất ở đây cho phép có thể trồng được rau, tôi đã mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị triển khai làm 3 mô hình trồng rau thâm canh gối vụ trước”.
Thế là, 3 hộ gồm Bùi Văn Tuấn, Moong Văn Khăm và Xeo Văn Tiến được Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Ngoi chọn làm mô hình trồng rau đầu tiên của bản. Việc làm đất, xuống giống diễn ra trong ánh mắt hồ nghi của bà con dân bản. Trung tá Hùng là người trực tiếp đến từng chân ruộng của các gia đình vừa hướng dẫn, vừa cùng làm với bà con, để truyền đạt cho bà con hiểu cách làm và không bỏ cuộc.
Trung tá Hùng chia sẻ: “Tôi đã đi đến từng gia đình để giải thích cặn kẽ cho họ hiểu cách làm, khi đã vận động được rồi thì mình ra trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con để bà con thấy được học theo”.
Bắt tay vào thực hiện mô hình trồng rau thì cách lắp ống dẫn nước, cách lên luống, ủ phân..., bà con đều bỡ ngỡ, anh Hùng lại xắn tay làm từng công đoạn để bà con nhìn, làm theo. Tận tình, tỉ mỉ là thế, nhưng vẫn có tình trạng cây giống bị chết một nửa vì người dân làm sai kỹ thuật. Ông Bùi Văn Tuấn bộc bạch: “Ban đầu, chúng tôi cứ tưởng bỏ nhiều phân là cây tốt, bởi vì chưa có kỹ thuật nên chưa ai hiểu cách làm như thế nào. Đến khi làm nhiều, cây cũng hỏng nhiều, chúng tôi mới rút ra kinh nghiệm”.
Thực hiện việc gieo trồng xong, Trung tá Hùng tiếp tục hướng dẫn bà con cách dựng rào, che chắn cẩn thận, tránh trâu bò phá hoại, bởi bà con chưa làm bao giờ. Ông Moong Văn Khăm cho biết: “Anh Hùng chỉ bảo mình từ cách làm đất, gieo giống, chăm sóc... Ban đầu chưa quen, chưa làm lần nào, bây giờ anh Hùng hướng dẫn, mình làm thạo rồi”.
Vụ mùa đầu tiên, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng 3 mô hình rau vụ Đông đã cho những thành công bước đầu. Ngày thu hoạch, nhìn ruộng bắp cải phát triển đều, bắp to, ai cũng vui mừng, mỗi sào đạt 800 đến 1.000 bắp, với giá 10.000 đồng/bắp, đã có lãi gấp 2-3 lần trồng lúa. Thu nhập từ bán rau vụ đầu tiên, mô hình nhà anh Xeo Văn Tiến thu 20 triệu đồng, nhà ông Bùi Văn Tuấn đạt 30 triệu đồng, nhà ông Moong Văn Khăm đạt 20 triệu đồng.
Từ cảnh thiếu đói, bà con trong bản bắt đầu có lãi nhờ làm lúa nước và rau xen canh vụ Đông, từ đó, bà con càng tin tưởng vào hướng thoát nghèo mới. Gia đình ông Tuấn đã mua được máy cày phục vụ sản xuất, sắm ti vi mới. Thành công ban đầu càng tiếp thêm động lực để anh Hùng và dân bản triển khai trên diện rộng.
Từ những thành công của các mô hình mẫu, đã có 14 hộ đăng ký làm mô hình trồng lúa nước và rau vụ Đông. Đã có những người từng được vận động làm mô hình nhưng có tâm lý lo ngại thất bại nên không thực hiện, như anh Xeo Văn Hương. Nay, thấy sự thành công, anh đã quyết tâm thực hiện mô hình. Anh Hương chia sẻ: “Năm nay, trong bản đã có 16 hộ gia đình đăng ký thực hiện mô hình trồng rau xanh, tất cả các hộ sẽ phấn đấu để thực hiện làm rau xanh, phát triển kinh tế”.
Từ những thành công bước đầu, Trung tá Ngũ Quang Hùng phấn khởi nói: “Được bà con tin tưởng làm theo là hạnh phúc lớn đối với tôi, nhưng khâu quan trọng nhất vẫn là tiêu thụ sản phẩm làm ra, bởi làm ra nhiều mà không bán được thì dân sẽ hoang mang, lo lắng. Do đó, để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, tôi đã liên hệ với các nhà trường có số lượng học sinh bán trú đông, các công ty trên địa bàn. Tuy nhiên, về lâu dài, khi sản phẩm làm ra nhiều, bà con vẫn cần có thị trường để tiêu thụ ổn định”.
Đánh giá về việc làm của Trung tá Ngũ Quang Hùng đối với nhân dân bản Huồi Thum, Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính ủy BĐBP Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, đồng chí Hùng đã phát huy tinh thần trách nhiệm, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các mô hình trồng ruộng lúa nước, rau gối vụ. Việc làm này đã góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất của bà con, từ phát nương làm rẫy sang làm ruộng nước, thâm canh tăng vụ để cung cấp hàng hóa, nâng cao đời sống, tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”.
Hiện nay, để đa dạng mô hình sản xuất cho bà con, Trung tá Ngũ Quang Hùng tự bỏ kinh phí và vận động nguồn hỗ trợ, triển khai mô hình chăn nuôi ngan thịt tại gia đình anh Xeo Văn Tiến. Bước đầu, anh Hùng đã đầu tư 100 con ngan giống và hướng dẫn kỹ thuật cho gia đình anh Tiến chăn nuôi. Hiện, ngan phát triển tốt, đang hứa hẹn một cách làm ăn mới cho từng hộ gia đình trên địa bàn bản.
Những ngày này, về bản Huồi Thum, câu chuyện làm vụ Đông luôn là chủ đề sôi nổi của nhân dân trong bản, Trung tá Hùng là nhân vật trung tâm xung quanh các câu chuyện vui. Nhân dân bản coi anh như con cháu trong nhà, dù ai đi đâu, làm việc gì cũng hỏi ý kiến chú Hùng trước.
Trăn trở lớn nhất là bản Huồi Thum có 40 hộ, nhưng hộ nghèo có đến gần 70%, vì vậy, phải giúp dân bản thay đổi thói quen sản xuất, xóa bỏ tập quán lạc hậu từ lâu đời. Với mô hình trồng lúa nước, làm rau vụ Đông có hiệu quả, Trung tá Ngũ Quang Hùng đã và đang gieo mầm hi vọng thoát nghèo nơi bản nhỏ vùng cao biên giới này.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-thay-huoi-thum-post437448.html