Đổi thay khi cán bộ thôn kiêm chức
Năm 2018, anh Trần Văn Nam chỉ đảm nhận chức danh Bí thư Chi bộ thôn Làng Chung, xã Bản Phiệt và được hưởng mức phụ cấp hằng tháng theo quy định là 1 triệu 490 nghìn đồng (1.0 mức lương cơ bản). Đến đầu năm 2019, phụ cấp của anh Nam được nâng lên 2 triệu 980 nghìn đồng (gấp 2 lần) khi anh đảm nhiệm thêm chức vụ trưởng thôn. Thêm chức vụ, đồng nghĩa thêm công việc (nhất là từ khi thôn Làng Chung sáp nhập với thôn Làng Xủm, số hộ tăng gần 2 lần, với hơn 180 hộ, chi bộ sáp nhập nên đảng viên cũng tăng gấp đôi). Giờ đây, nhiều ngày trong tuần, anh Nam bận rộn, tíu tít với việc xóm làng, việc của cấp ủy, chính quyền xã giao.
Bảo Thắng:
Cùng với anh Nam, chị Lê Thị Thanh vốn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Làng Chung, hiện kiêm nhiệm công việc của hội nông dân. Anh Nguyễn Hữu Nghị là Trưởng ban công tác Mặt trận được phân công đảm nhiệm thêm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh. Riêng chức danh Bí thư Chi đoàn thanh niên do liên quan đến độ tuổi nên Đảng ủy xã tạm thời giao cho đồng chí công an viên phụ trách. Theo anh Trần Văn Nam, vì được hưởng 100% mức phụ cấp đối với chức danh kiêm nhiệm, các cán bộ thôn chuyên tâm, nhiệt tình, sâu sát và có trách nhiệm hơn với công việc, nhiệm vụ được giao. Ban phát triển thôn có ít cán bộ, việc huy động hội họp cũng thuận lợi, triển khai nhiệm vụ có sự thống nhất, tập trung hơn.
Anh Sìn A Lồ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bản Phiệt cho biết: Cùng với việc sáp nhập, giảm đầu mối từ 12 xuống còn 8 thôn trong xã thì việc giảm số người đảm nhận 7 chức danh của thôn (bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh) đã giúp công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có hiệu lực, hiệu quả hơn. Theo đó, địa phương giảm tối đa việc hội họp, nhất là hội nghị chuyên đề bởi một cán bộ thôn sẽ tiếp nhận nhiều sự chỉ đạo từ cấp trên thông qua nội dung của một hội nghị hoặc công văn chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã.
Tương tự, tại xã Xuân Giao năm 2016, trước khi sắp xếp, xã có 247 cán bộ thôn, đến nay còn 210 cán bộ; xã có 21 thôn thì 16 thôn đã hoàn thành việc kiện toàn, bố trí 3 cán bộ đảm nhiệm 7 chức danh. Tới đây, xã Xuân Giao tiếp tục sáp nhập để giảm số thôn xuống còn 16, đồng nghĩa với việc giảm đáng kể đội ngũ cán bộ thôn đang hưởng phụ cấp từ ngân sách.
Tại xã Phú Nhuận, trước khi sắp xếp, kiện toàn, xã có 201 cán bộ thôn, đến nay giảm còn 163 người. Toàn bộ 28 thôn trong xã đã được kiện toàn theo chủ trương 1 cán bộ thôn kiêm nhiều chức danh; toàn bộ 28 bí thư chi bộ thôn đều kiêm nhiệm chức danh khác, trong đó có 4 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, 6 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Xã Phú Nhuận trước đây có 33 thôn, nay đã giảm 5 thôn, từ nay đến năm 2020 tiếp tục sáp nhập 4 cặp thôn và số cán bộ thôn hưởng ngân sách cũng biến động theo chiều hướng giảm. Theo đánh giá của Đảng ủy xã Phú Nhuận, việc áp dụng chế độ 3 cán bộ kiêm nhiệm 7 chức danh, ngoài việc nâng cao tính chuyên nghiệp, còn khuyến khích cán bộ cơ sở gắn bó lâu dài với công tác xã hội, nhất là khi mặt bằng thu nhập của người dân tăng nhanh trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Huyện ủy Bảo Thắng, yêu cầu của tỉnh là đến năm 2020, các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn, bố trí 3 người đảm nhận 7 chức danh các thôn, tổ dân phố có hưởng ngân sách nhà nước. Đối với huyện Bảo Thắng, nhiệm vụ này đã cơ bản hoàn thành từ đầu năm 2019. Theo đó, tổng số cán bộ thôn, tổ dân phố của huyện trước khi sắp xếp là 2.041 người, đến nay còn 1.129 người; số thôn, tổ dân phố giảm từ 260 xuống còn 223.
Nói về hiệu quả sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ thôn, đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Thắng cho rằng, từ hoạt động kiêm nhiệm, các cán bộ, nhất là người trẻ tuổi có cơ hội phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng đảm nhận công tác xã hội. Số cán bộ thôn giảm làm hạn chế áp lực cho nhiều nơi trong lựa chọn, đào tạo cán bộ thôn bởi hiện nay, lao động tiếp tục có xu hướng dịch chuyển từ khu vực nông thôn ra thành thị. Nhiều thôn trình độ dân trí thấp, khó tìm những người đủ điều kiện về trình độ học vấn, uy tín, giàu nhiệt huyết với công tác xã hội để bố trí, sắp xếp các chức danh, vị trí cán bộ thôn. Cán bộ kiêm nhiệm chức danh giúp mối quan hệ giữa tổ chức đảng với chính quyền và đoàn thể được chặt chẽ hơn, đảm bảo sự giám sát của nhân dân với tổ chức đảng và đảng viên. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở thôn, tổ dân phố được nâng lên sau tinh gọn; việc kiêm nhiệm đồng thời với tăng phụ cấp khiến cán bộ yên tâm gắn bó với công việc, làm việc có trách nhiệm cao hơn.
Dù vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc sắp xếp, tinh gọn số cán bộ thôn, tổ dân phố kiêm chức danh, nhưng về tổng thể, đây là những thay đổi tích cực tại huyện Bảo Thắng. Đó cũng là việc làm cụ thể, rõ nét của địa phương nhằm thực hiện Kết luận số 64 ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị và Nghị quyết số 30 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.