Đổi thay ''kinh tế mới'' Nam Ban

Có mặt tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà với chúng tôi là ông Phan Hữu Giản, người tiên phong của thành phố Hà Nội vào xây dựng Vùng 'kinh tế mới Hà Nội' tại đất này 44 năm trước. Trong cảm xúc dâng lên ngày trở lại, ông Giản giải thích con đường chạy dọc thị trấn: 'Đây là đường Điện Biên Phủ, chúng mình đặt tên để muốn hướng đến một tinh thần Điện Biên Phủ'…

Đổi mới khang trang một vùng đất

Đổi mới khang trang một vùng đất

Còn ví vùng đất thị trấn Nam Ban với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hoàng Ngọc Trọng, vẫn giữ nét sôi nổi, hoạt bát của một cán bộ Đoàn thanh niên 10 năm làm Bí thư và hơn 15 năm làm Phó Chủ tịch thị trấn, dí dỏm và hoạt ngôn: “Nam Ban chúng tôi gánh hai đầu, một đầu là Lâm Hà, một đầu là Đà Lạt”. Nghĩa là trọng trách của vị thế, không thể khác, phải vươn lên để xứng tầm trung tâm của Vùng “kinh tế mới Hà Nội” trên miền đất cao nguyên phương Nam.

Tự hào chứ. Thị trấn Nam Ban đã được công nhận là chuẩn về “văn minh đô thị” vào năm 2019. Thông tin này không chỉ là niềm vui của anh Hoàng Thanh Hải, người vừa mới đảm nhận vai trò Bí thư Huyện ủy Lâm Hà khi anh giới thiệu với chúng tôi, mà là của mỗi người khi đến với “đất lành” Nam Ban. Những số liệu cụ thể sau, đã cho chúng ta một hình dung tổng quan về sự phát triển của một vùng đất vươn lên không ngừng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 10%/ năm. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt và vượt kế hoạch huyện giao, tăng bình quân mỗi năm 25%; trong đó, thuế, phí bình quân năm tăng 12-14%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn giảm 1,25% (chỉ tiêu Nghị quyết 1,5%). Toàn thị trấn hiện còn 33 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,1% và 82 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,3%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,57%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 9,5%. Thị trấn Nam Ban được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 và có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (tỷ lệ 66,7%). Số người dân tham gia BHYT trung bình các năm đạt 81,5%; hiện nay đạt 84%. Thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa hàng năm đạt từ 90% trở lên (chỉ tiêu Nghị quyết 85,5%); 100% tổ dân phố và các cơ quan đạt tổ dân phố và cơ quan văn hóa…

Trong bức tranh tươi tắn nhiều màu sắc của một thị trấn “kinh tế mới” hôm nay, dĩ nhiên tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về lĩnh vực kinh tế. Điều mà lãnh đạo của các thời kỳ, từ thuở khai hoang lập làng đến bây giờ đều khẳng định, Nam Ban có vị thế ưu việt của một vùng địa kinh tế. Cho đến hôm nay, có thể khẳng định, Nam Ban đã và đang có một nền tảng kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Sản xuất nông nghiệp đang được tập trung phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với kiểm soát chất lượng theo chuỗi an toàn; đẩy mạnh thâm canh các cây trồng chủ lực của địa phương như cà phê, dâu tằm và rau, hoa các loại. Đến cuối năm 2020, diện tích các loại cây trồng ước tính đạt 1.700 hecta; trong đó cây hàng năm là 300 hecta và cây lâu năm là 1.400 hecta. Một số cây trồng chủ yếu như cà phê đạt 1.170 hecta, sản lượng cà phê 3.860 tấn; cây dâu 200 hecta, sản lượng lá dâu 5.000 tấn; rau, hoa các loại 180 hecta. Nam Ban đang từng bước đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Diện tích ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất trên các loại cây trồng chính như cà phê, rau, hoa sử dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt và ứng dụng canh tác tiêu chuẩn chất lượng như cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certifield. Đến nay diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là 50 hecta, tăng 32 hecta so với năm 2015. Cùng đó, ngành chăn nuôi cũng phát triển nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả. Đến cuối năm 2020, đàn bò toàn thị trấn ước tính 230 con, trong đó bò sữa 70 con; đàn lợn 11.000 con; đàn gia cầm 400 ngàn con...

Chúng tôi rất ấn tượng khi được Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban, anh Thái Văn Mai cho biết địa phương có 2 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, được tỉnh công nhận, đó là tổ dân phố Đông Anh 3 và Đông Anh 5 (nay sáp nhập thành tổ dân phố Đông Anh 3) với 160 hộ. Sản lượng kén tằm toàn thị trấn năm 2020 ước tính 330 tấn. Nghề nối nghề, cư dân Nam Ban đang cố gắng duy trì nghề tằm tang truyền thống của vùng đồng bằng sông Hồng. Trên địa bàn hiện có 6 cơ sở ươm tơ bán tự động, thu hút nguồn kén không chỉ trên địa bàn thị trấn mà trong huyện Lâm Hà và vươn tới cả thành phố Bảo Lộc. Thế mới thấy sức mãi lực lớn của Nam Ban. Càng đặc biệt, theo hướng dẫn của Bí thư Đoàn thanh niên xã, chúng tôi mục sở thị “Doanh nghiệp Cuong Hoan Silk”, cơ sở dệt lụa thủ công duy nhất và nổi tiếng của vợ chồng anh Cường và chị Hoàn. Đây là điểm thu hút mạnh du khách quốc tế và không thể thiếu trong tour đến với thác Voi kỳ vĩ…

Chị Hoàn - chủ cơ sở giới thiệu sản phẩm tơ tự dệt

Chị Hoàn - chủ cơ sở giới thiệu sản phẩm tơ tự dệt

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Nam Ban đã và đang đa dạng về ngành nghề. Toàn thị trấn có 3 doanh nghiệp và trên 120 cơ sở hoạt động với gần 400 lao động. Một số ngành nghề thủ công như đan lát, thêu, ươm tơ dệt lụa, gò hàn... tiếp tục phát triển; một số cơ sở đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất. Ngoài cơ sở ươm tơ, nhiều cơ sở sơ chế biến cà phê đầu tư hàng tỷ đồng máy móc sản xuất và chế biến… Hoạt động thương mại - dịch vụ của Nam Ban hiện có 26 doanh nghiệp, 800 cơ sở sản xuất kinh doanh với 1.300 lao động. Đây là một trong những mũi nhọn để người dân Nam Ban không chỉ xóa đói giảm nghèo trong thời đã đi qua, mà vươn lên làm giàu trong thời kỳ đổi mới. Cũng là nền tảng để huy động sức dân tham gia cùng Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản (chỉ tính riêng 5 năm, 2015-2020, về đường giao thông nông thôn 20 km và 4 nhà sinh hoạt cộng đồng, trong gần 18 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng)…

Bí thư Đảng ủy Thái Văn Mai là con trai ông Thái Cúc, huyện Đông Anh, Hà Nội, cùng vào thời ông Phan Hữu Giản năm 1976. Biết được anh Mai đã có 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch thị trấn và đang là nhiệm kỳ thứ 2 làm Bí thư Đảng ủy thị trấn, tôi hỏi anh về điều trăn trở nhất? Anh Mai chia sẻ: “Mong muốn nhất là phát huy được tiềm năng về lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Chúng tôi chưa có các điều kiện để phát huy. Thời gian tới rất mong có các dự án đầu tư về du lịch - dịch vụ, về thương mại vào thị trấn thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, nội lực của thị trấn sẽ phát triển nông nghiệp bền vững song hành hỗ trợ. Tôi đã thống nhất trong anh em rồi, sắp tới khăn gói quả mướp đi đến các cơ quan, ban ngành liên quan để tháo gỡ dứt điểm”. Anh Mai cũng chia sẻ tin vui đầu nhiệm kỳ mới là chính thức triển khai xây dựng công trình hồ Nam Ban với tổng diện tích đã quy hoạch 2,3 hecta. Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ 13 tỷ đồng, huyện hỗ trợ gần 2 tỷ nữa. “Sẽ thi công ngay, rồi có tiền cứ tiếp tục hoàn thiện dần chứ không chờ đủ tiền mới làm”, anh Mai quả quyết. Được biết, hồ gần khu vực đóng quân tiền trạm của Ban chỉ huy xây dựng “kinh tế mới” năm 1976. Công trình sẽ là biểu tượng mô hình hồ Gươm của Hà Nội, một địa chỉ văn hóa - lịch sử, trái tim của hào khí đất Thăng Long.

Với những quyết tâm từ huyện Lâm Hà và thị trấn Nam Ban, chúng ta kỳ vọng những chỉ tiêu của giai đoạn 5 năm 2020-2025, thị trấn Nam Ban sẽ đạt được. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân phấn đấu đạt 10%/năm; đến 2025, có 100 hecta rau, hoa ứng dụng công nghệ cao; cải tạo và tái canh diện tích cây cà phê đạt 60 ha/năm… Dưới 1%/năm về hộ nghèo; dưới 1% về tăng dân số tự nhiên. Dưới 10% về trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; 15% về trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi. 95% người dân tham gia BHYT…

Bút ký: MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202006/doi-thay-kinh-te-moi-nam-ban-3009765/