Đổi thay nhờ du lịch
Những năm gần đây, bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được biết đến là một trong những khu du lịch sầm uất, được nhiều du khách tìm tới. Việc nở rộcác loại hình dịch vụ du lịch tại đây đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống.
Cát Cát- điểm đến hấp dẫn du khách
Sau một giấc ngủ trên chuyến tàu SP3, chúng tôi đã có mặt tại ga Lào Cai vào lúc 5h sáng. Ngay sau khi xuống tàu, chúng tôi đón xe bus đi trung tâm thị xã Sa Pa ngay tại bến xe trước mặt ga Lào Cai, giá vé xe bus tới trung tâm thị xã Sa Pa là 30 nghìn đồng/ người. Vừa đi vừa trò chuyện với bác tài xế, chúng tôi được biết đến nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng như đỉnh Phanxipang; Thác bạc, Cầu Mây… Thế nhưng, nếu muốn vừa ngắm cảnh thiên nhiên yên mình, vừa tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân thì phải tới bản Cát Cát.
Theo lời kể của bác tài xế, Bản Cát Cát hình thành từ thế kỷ 19 giữa thung lũng 4 bề núi dựng. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn bản làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức đồng thời cho xây dựng tại đây một nhà máy thủy điện. Ở đây có một thác nước đẹp mà theo tiếng Pháp có nghĩa là CatScat. Chính vì vậy, bản cũng lấy tên là Cát Cát (đọc chệch đi của CatScat).
Nhờ có không gian thiên nhiên thoáng đãng, yên mình, bản Cát Cát đã trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng yêu thích của đông đảo khách du lịch khi tới thị xã Sa Pa. Quả đúng vậy, có tới Cát Cát, chúng ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp thiên nhiên bình yên tại nơi đây. Giữa màu xanh của núi đồi và màu trắng của những đám mây như xà xuống chân ngọn núi, những ngôi nhà gỗ nhỏ bé thoắt ẩn thoắt hiện thu vào tầm mắt của chúng tôi.
Nếu chú ý kĩ, ta sẽ thấy điều khác biệt của dân tộc H’ Mông so với các dân tộc khác, khác biệt đầu tiên phải kể tới nếp ở. Người H’Mông tại bản Cát Cát nói riêng và người H’Mông tại các địa phương khác nói chung thường chọn những nơi sườn đồi cao để dựng nhà. Do cuộc sống gắn liền với ruộng nương nên địa điểm dựng nhà của người dân nơi đây là những nơi thuận tiện làm việc. Những căn nhà cũng được dựng khá đơn giản, nhà nào có điều kiện thì sẽ dựng bằng những loại gỗ tốt như gỗ pơ mu, nhà nào không có điều kiện thì dùng gỗ mỡ. Thông thường, mỗi căn nhà sẽ có 3 gian, trong đó có 1 gian chính và 2 gian phụ, gian chính sẽ là nơi tiếp khách, 2 gian phụ là nơi nghỉ của gia đình.
Tại bản Cát Cát có rất nhiều các địa điểm để du khách có thể tham quan, chụp ảnh. Điểm dừng chân đầu tiên chính là Vườn hoa Cát Cát. Hoa tại đây thay đổi theo mùa, nếu tới trong mùa hè, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sắc tím của hoa bèo tây, sắc hồng của hoa bướm… Du khách cũng sẽ được chụp ảnh với chiếc cầu gỗ và cây cô đơn ngay giữa thung lũng hoa. Cách đó không xa, tại khu vực đường dẫn vào bản, du khách cũng có thể nghỉ ngơi trong những ngôi nhà mini được thiết kế giống như những tổ chim nhỏ.
Tận dụng thế mạnh từ phát triển du lịch
Gần chục năm trở về đây, thay vì “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để có cuộc sống đủ ăn, giờ đây người dân bản Cát Cát đã có cuộc sống ổn định hơn từ việc phát triển du lịch. Vừa chở khách tham quan từ nhà thờ Sa Pa về trung tâm bản Cát Cát, anh Ma A Chay (bản Cát Cát) vui vẻ tâm sự, kể từ khi bản Cát Cát phát triển du lịch, khách tới tham quan ngày càng nhiều. Từ vài năm trước, A Chay và nhiều thanh niên trong bản đã bỏ nghề làm rẫy để chạy xe ôm đưa, đón khách. Để có được thu nhập ổn định, mỗi ngày A Chay đều dậy thật sớm, chạy lên khu trung tâm thị xã Sa Pa để đón khách và về nhà khi trời đã tối.
Nói về thu nhập từ việc chạy xe ôm, A Chay cho hay, việc chạy xe ôm mang lại thu nhập ổn định hơn nhiều so với việc trồng lúa. Mỗi ngày, A Chay chạy xe thu về khoảng từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/ ngày, những ngày khách đông thì được 500.000 đồng. Nếu trừ chi phí xăng xe, A Chay cũng lãi về hơn nửa, trung bình 1 tháng A Chay có khoảng tầm 6 triệu đồng từ nghề chạy xe ôm để lo chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Không chỉ có A Chay mà cuộc sống của người dân Cát Cát cũng đang dần khấm khá hơn nhờ bám vào du lịch. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phùng Thị Dung, dân tộc H’Mông tại bản Cát Cát cho biết, chị lấy chồng về làm dâu tại bản Cát Cát tới nay đã được hơn 4 năm. Từ khi về bản, chị đã thấy mọi người trong bản làm du lịch. Để có công ăn việc làm ổn định, chồng chị Dung cũng bỏ việc nhà để theo học tiếng anh giao tiếp trong vòng 3 năm. Hiện tại, chồng chị đang làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài tới tham quan Sa Pa.
Để gánh bớt kinh tế cho chồng và có thời gian chăm sóc gia đình, chị Dung bàn với chồng và gia đình thuê 1 ki ốt tại trung tâm bản Cát Cát để bán hàng lưu niệm. Các mặt hàng chị Dung bán là quần áo dân tộc, túi, ví, đồ thêu tay…Do được học thêu từ lúc mới 9 tuổi nên chị Dung rất thành thạo các mặt hàng thêu thùa thổ cẩm, dưới đôi bàn tay khéo léo của chị Dung những sản phẩm quà lưu niệm được tạo nên rất tinh xảo, khéo léo, mang hơi thở riêng của đồng bào dân tộc Tây Bắc.
Bên cạnh bán đồ lưu niệm, chị Dung và các chị em trong nhà cũng tranh thủ làm quần áo thủ công để phục vụ gia đình. “Để tạo ra một chiếc váy hoàn chỉnh phải cần rất nhiều thời gian, có khi phải mất tới 2 tháng hoặc nhiều hơn. Nếu tính riêng 1 chiếc yếm, mình phải làm mất 1 tuần.Người dân tộc ở đây không cố định phải dùng 1 loại màu trong khi thêu thùa. Tùy theo sở thích mà mình chọn màu chỉ để thêu. Cũng chính vì mất nhiều công sức để tạo ra chiếc váy hoàn thiện nên nhà mình chỉ làm để phục vụ cho chính mình, chỉ bán những đồ thêu tay nhỏ làm đồ lưu niệm”- chị Dung chia sẻ.
Kể từ khi mở cửa bán hàng tại trung tâm bản Cát Cát, cuộc sống của gia đình chị Dung cũng ổn định hơn trước. Theo chị Dung, ngày bình thường chị bán được khoảng 600.000 đồng -1.000.000 đồng, ngày cuối tuần hoặc ngày lễ bán được khoảng vài triệu. Cùng đó, lương của chồng đi làm mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng nên nhiều năm nay gia đình chị đã không phải lo lắng nhiều về kinh tế.
Không chỉ cần cù, chăm chỉ, người dân tộc H’ Mông ở đây cũng khá nhạy bén với thời cuộc. Nhận thấy nhu cầu mặc đẹp chụp ảnh của khách du lịch khi tới bản, vợ chồng chị Trần Thị Hà Thu (Bản Cát Cát) đã vay mượn anh em bạn bè để đầu tư hàng trăm bộ quần áo trang phục của người H’Mông để cho khách thuê chụp ảnh. Hiện tại, vợ chồng anh chị Thu đã có một cửa hàng cho thuê trang phục ngay gần trạm bán vé số 2 khu du lịch Cát Cát.
Nhớ lại thời điểm quyết định mạo hiểm đầu tư làm du lịch, chị Thu bồi hồi, ngày đó hai vợ chồng chẳng có gì trong tay, thế nhưng cũng quyết làm liều. Trước đây khách tìm tới bản Cát Cát không đông như hiện tại, có ngày chẳng cho thuê được bộ quần áo nào, thế nhưng, hai vợ chồng vẫn động viên nhau kiên trì bám trụ. Bây giờ Cát Cát càng được nhiều người biết tới, chi phí để thuê một bộ trang phục không quá cao nên du khách tới đây hầu hết đều thuê quần áo dân tộc để chụp ảnh, từ đó thu nhập của gia đình cũng tăng lên.
Dù bận rộn nhưng có nguồn thu ổn định nên lúc nào vợ chồng chị Thu cũng vui vẻ, cố gắng hết sức để làm hài lòng khách hàng.Hiện tại, ngoài cho thuê trang phục, vợ chồng chị Thu còn bán thêm nước, hàng tạp hóa, hoa quả bản địa để tăng thêm nguồn thu cho gia đình.
Không thể phủ nhận du lịch đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân, thế nhưng, thị xã Sa Pa cần quan tâm, chú trọng hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất; có thêm các chương trình khuyến mại giá vé và quan tâm đến việc gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền cho bản Cát Cát, từ đó thu hút du khách tới tham quan tìm hiểu kết hợp nghỉ dưỡng.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doi-thay-nho-du-lich-110464.html