Đổi thay nhờ những hoạt động 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

'Đã có lúc tôi tưởng mình gục ngã, không thể một mình nuôi con nhỏ nhưng nhờ chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương', nhờ sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Pò Hèn và Hội LHPN xã Hải Sơn, tôi đã gượng dậy', chị Trần Si Múi (ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nghẹn ngào nói.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Pò Hèn và Hội LHPN xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) thăm hỏi, động viên mẹ con chị Trần Si Múi

Cán bộ Đồn Biên phòng Pò Hèn và Hội LHPN xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) thăm hỏi, động viên mẹ con chị Trần Si Múi

Căn nhà của chị Trần Si Múi, người dân tộc Sán Chỉ, nằm sâu trong góc rừng của thôn Pò Hèn. Từ khi chồng chị mất (năm 2022), căn nhà càng trở nên cô quạnh. Để động viên người phụ nữ góa bụa này, cứ đôi ba ngày, cán bộ Hội LHPN xã Hải Sơn lại đến thăm hỏi, hỗ trợ chị chăm sóc cô con gái lúc đó mới hơn 1 tháng tuổi.

"Suốt 8 tháng trời, chị Múi cứ thất thần, không tin người chồng đã ra đi mãi mãi. Tinh thần chị suy sụp, không ăn, không ngủ được, cứ ai đến thăm là lại khóc. Chúng tôi đã động viên chị cố gắng vượt qua nỗi đau để nuôi con nhỏ, tạo dựng cuộc sống mới", chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Sơn, nhớ lại.

Đầu năm 2023, thông qua chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Đồn Biên phòng Pò Hèn và Hội LHPN xã Hải Sơn đã vận động hỗ trợ chị Múi tiền mua gà giống và 2 con lợn giống để phát triển chăn nuôi.

Vừa hỗ trợ chị Múi chăm con nhỏ, cán bộ Hội LHPN xã và Đồn biên phòng Pò Hèn còn hướng dẫn chị cách phát triển chăn nuôi. Đến nay, chị đã bán lứa gà đầu tiên và đang nhân thêm đàn gà giống, hai con lợn sẽ được xuất chuồng trước Tết Nguyên đán, hứa hẹn một cái Tết đủ đầy của 2 mẹ con.

Chị Tằng Tài Chẻ, dân tộc Dao, cũng là một trong những hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hải Sơn. "Cả gia đình chị Chẻ đều đau yếu, bệnh tật. Bố mẹ chồng chị mắc nhiều bệnh của người già, chồng chị bị tai biến, sức khỏe kém nên thu nhập bấp bênh, bản thân chị Chẻ bị ung thư vòm họng.

Thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", đầu năm 2024, Hội LHPN xã đã vận động hỗ trợ gia đình chị Chẻ hơn 20 triệu đồng để mua lợn giống phát triển chăn nuôi và sửa căn nhà cho đỡ bị dột.

"Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của chính quyền và Hội LHPN địa phương. Giờ gia đình tôi đã có sinh kế, dù vất vả nhưng với sự động viên, đồng hành của cán bộ Hội và bộ đội Biên phòng hướng dẫn cách chăn nuôi, tôi sẽ cố gắng vươn lên", chị Chẻ bộc bạch.

Tuyên truyền nhiều ngày tháng để người dân xóa bỏ hủ tục

Chia sẻ về việc triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Sơn, cho biết, Hội và Đồn Biên phòng Pò Hèn thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong triển khai chương trình, rà soát từng hộ rồi tìm cách huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Cán bộ Đồn biên phòng Pò Hèn và Hội LHPN xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) góp công hỗ trợ hội viên đổ sân bê tông

Cán bộ Đồn biên phòng Pò Hèn và Hội LHPN xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) góp công hỗ trợ hội viên đổ sân bê tông

2 đơn vị còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình… bằng việc xây dựng tài liệu, phát tờ rơi có hình ảnh để bà con dễ hiểu, dễ thực hiện.

Cách đây 2 năm, xã Hải Sơn vẫn có thôn còn tập quán làm chuồng trại sát nhà ở, tục mổ gà xong là vứt lông gà ra cổng, ra ngoài đường để cầu mong làm ăn thuận lợi, gây ảnh hưởng đến môi trường. Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã và Đồn Biên phòng Pò Hèn đã bền bỉ vận động, hỗ trợ người dân di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở.

Xã Hải Sơn có 281 hội viên, trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Chị em chủ yếu đi làm nương rẫy cả ngày, chiều tối mới về nhà, Vì vậy, việc tổ chức hoạt động Hội, thu hút sự tham gia của hội viên cũng phải linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa phương.

Hội đã thành lập các đội bóng đá nữ, đội đánh quay và Câu lạc bộ liên thế hệ, mỗi mô hình có từ 20 đến 30 chị tham gia. "Từ các mô hình này, chúng tôi bình chọn gia đình tiêu biểu của xã, của thôn để động viên tinh thần, khích lệ chị em tích cực hơn trong các hoạt động cộng đồng.

Không chỉ hội viên, chúng tôi còn vận động được người chồng đi cổ vũ, động viên vợ tham gia hoạt động. Nhiều người chồng trước đây rất bảo thủ, ngăn cản vợ tham gia sinh hoạt Hội thì nay nhiệt tình hướng dẫn vợ đánh quay, đá bóng…", chị Dương cho biết.

Đại úy Nguyễn Việt Thắng, Phó Chính trị viên Đồn biên phòng Pò Hèn cho biết, việc triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã góp phần thay đổi bộ mặt xã biên giới Hải Sơn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồn biên phòng Pò Hèn và các đoàn thể đã chung tay hỗ trợ người dân xây dựng 5 khu vườn kiểu mẫu.

"Từ vườn rừng bỏ hoang, chúng tôi đã vận động, hỗ trợ bà con cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Nhờ đó, các khu vườn cam, ổi đều cho năng suất cao, bà con bán được giá nên rất phấn khởi. Không chỉ bán nông sản, người dân địa phương còn biết kết hợp làm du lịch sinh thái vườn.

Nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nay có thêm động lực vươn lên thoát nghèo từ khu vườn của gia đình. Việc triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã củng cố tình quân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương", Đại úy Nguyễn Việt Thắng cho biết thêm.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả công tác Hội năm 2024, chương trình "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương" được thực hiện thường xuyên thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ vùng biên duy trì, xây dựng mới các mô hình sinh kế/văn hóa/văn nghệ; nhân rộng mô hình tiết kiệm, tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng biên; nhận đỡ đầu/con nuôi đồn Biên phòng, hỗ trợ học bổng cho học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến tháng 11/2024, các xã biên giới của 30 tỉnh trong Chương trình đã được các đơn vị đồng hành hỗ trợ hơn 46,8 tỷ đồng.

Khánh Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/doi-thay-nho-nhung-hoat-dong-dong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong-20241218164401273.htm