Đổi thay nơi ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay Mỹ
Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu của những chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) còn mãi lưu danh. Thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi niềm tự hào, nguyện tiếp bước cha anh đóng góp, xây dựng quê hương Yên Nghiệp ngày càng giàu đẹp.
Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu của những chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) còn mãi lưu danh. Thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi niềm tự hào, nguyện tiếp bước cha anh đóng góp, xây dựng quê hương Yên Nghiệp ngày càng giàu đẹp.
Trong trí nhớ của các cao niên ở xóm Lục, thời kỳ chống Mỹ, địa bàn là nơi đứng chân của đơn vị quân đội Kho K54, Quân khu III nên kẻ địch coi đây là trọng tâm ném bom, bắn phá. Xác định yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ kho tàng phục vụ chiến đấu có ý nghĩa quan trọng nên ngay khi Mỹ dùng không quân leo thang đánh phá các mục tiêu, kho tàng quân sự ở miền Bắc, Trung đội dân quân xóm Lục được thành lập với nhiệm vụ phối hợp cán bộ, chiến sỹ Kho K54 bảo vệ mục tiêu trọng yếu này. Ngay sau khi thành lập, Trung đội dân quân xóm Lục được huấn luyện về cách nhận biết và bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh, cách xây dựng, bố trí trận địa phòng không.
Ngày 31/5/1965 là một ngày đặc biệt đáng nhớ đối với quân và dân xóm Lục. Trưa 30/5/1965, ngay khi có lệnh báo động máy bay Mỹ đến ném bom, Trung đội dân quân xóm Lục vào vị trí chiến đấu. Đầu tiên là một chiếc máy bay vượt dãy Trường Sơn xuất hiện ở phía Nam, sau đó từng tốp 3 - 5 chiếc ồ ạt bay vào địa phận xóm Lục, rồi bổ nhào ném bom tới tấp vào khu vực Kho K54. Ngày 31/5/1965, ngoài số vũ khí được trang bị, Trung đội dân quân xóm Lục được Kho K54 trang bị thêm súng đạn, trong đó có súng trung liên 7,9mm. Đúng 13h hôm đó, từng tốp máy bay địch lại đến quần thảo trên bầu trời với hàng loạt bom thả tới tấp, cả xóm Lục rung chuyển trong khói lửa mù mịt. Nhưng từ trận địa phòng không trên đồi Nâu, từng loạt đạn đanh rền nhằm vào máy bay địch. Những khẩu súng trường của dân quân xóm Lục liên tục nhả đạn, đón lõng khi máy bay địch vừa cắt bom vọt lên. Sau những loạt đạn rền vang, một chiếc máy bay bốc cháy tạo thành quầng khói đen lao về phía Tây Nam, rơi xuống cánh đồng thuộc địa phận xã Văn Nghĩa. Hoảng hốt trước lưới lửa phòng không tầm thấp của dân quân xóm Lục, những chiếc máy bay còn lại vội vàng cắt bom bay ra khỏi tầm đạn của quân và dân xóm Lục.
Trận chiến đấu kết thúc trong tiếng hò reo chiến thắng. Chỉ bằng súng bộ binh, Trung đội dân quân xóm Lục đã bắn rơi 1 máy bay F4H của đế quốc Mỹ. Cả xã không có thương vong. Sau trận đánh ngày 31/5/1965, những ngày tiếp theo máy bay Mỹ vẫn đến ném bom ở khu vực xóm Lục, nhưng chúng không dám bay thấp như trước mà chỉ bay ở ngoài tầm bắn của lưới lửa phòng không nhân dân. Do bay cao nên không ném bom chính xác, kho tàng, nhà dân được bảo vệ.
Với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, dân quân xã Yên Nghiệp (trước đây là xã Liên Hòa) được Bác Hồ gửi thư khen. Quân và nhân dân xóm Lục được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Phát huy truyền thống anh hùng, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Nghiệp luôn nỗ lực phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống người dân được nâng cao. Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 54 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 7,95%.
Đồng chí Bùi Công Thành, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Bên cạnh xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Đảng bộ luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, phát huy tiềm năng, lợi thế và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đối với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đưa vào sản xuất nhóm cây, con có giá trị cao, sức tiêu thụ tốt, đồng thời đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa trong canh tác nông nghiệp. Các ngành nghề mộc, nề, đan lát gia công và dệt thổ cẩm truyền thống được quan tâm, ngành nghề dịch vụ vận tải, hệ thống dịch vụ thương mại được khuyến khích phát triển, góp phần tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế.
Trên địa bàn xã hiện có 175 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nâng lên. Hiện có khá đông lao động qua đào tạo làm việc tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Gần đây, ngoài một số cơ sở may gia công thành lập ở các xóm của Yên Nghiệp, tại các xã lân cận như Ân Nghĩa, Tân Mỹ thu hút được nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, điện tử, giày da, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó có lao động địa phương.