Đổi thay ở Cát Tiên
Vùng đất khó Cát Tiên (Lâm Đồng) giờ đã đổi thay: Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế địa phương, như chăn nuôi bò, nuôi dâu tằm, nuôi cá lồng theo hướng an toàn...
Trở lại Cát Tiên sau gần 20 năm, sự đổi thay của vùng đất kinh tế mới ven sông Đồng Nai khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Đường bê tông xi măng tỏa đi khắp các thôn, xóm; những ngôi nhà mái ngói, mái thái kiên cố trở thành gam màu chủ đạo cho bức tranh làng quê...
Cát Tiên có 21 đồng bào dân tộc thiểu số; trong số đó, người dân tộc Châu Mạ và S’Tiêng chiếm tỷ lệ cao nhất, với 2.444 khẩu, bằng 30,5% đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện.
Trước đây, nói đến Cát Tiên là nhắc đến vùng rốn lũ với bao khó nhọc khi mùa nước thượng nguồn Ðồng Nai đổ về. Vì thế, cây trồng vật nuôi ở đây chỉ cơ bản phục vụ gia đình, không có giá trị kinh tế cao để giao thương. Khoảng những năm 2005, nhờ hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai điều tiết nước trong mùa mưa nên nhiều xã trong huyện không còn bị ngập lụt. Người dân tập trung trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là lúa nước trên vùng đất bồi, đất lầy ven sông, với nhiều giống lúa đặc sản. Quả thực, dù đã ăn rất nhiều giống gạo ngon có tiếng ở miền Bắc, nhưng khi ăn cơm từ gạo Cát Tiên tôi thật sự bất ngờ. Hạt gạo trắng nhỏ, dài và đều, khi nấu có mùi thơm thoang thoảng, ăn có vị ngọt và dẻo.
Ông Phạm Văn Mùi (xã Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên) cho biết: Nhờ đất mới quanh năm “ăn” phù sa của sông Đồng Nai nên lúa ở đây, điển hình như giống OM 4900 đã bám rễ vào đất Cát Tiên, do đó không chỉ năng suất vượt trội so với nhiều giống lúa khác mà chất lượng gạo cũng cao hơn.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao huyện Cát Tiên được UBND tỉnh quy hoạch chưa lâu, tuy nhiên “tiếng thơm” về đặc sản gạo Cát Tiên thì đã có từ lâu. Để được tỉnh xác định xây dựng thành vùng lúa chất lượng cao, nhiều năm qua, chính quyền huyện Cát Tiên đã hỗ trợ nông dân về giống lúa, kỹ thuật canh tác, kiểm dịch thực vật… để bà con ý thức hơn về chất lượng hàng hóa của mình khi đưa sản phẩm lúa gạo ra thị trường. Vùng trọng điểm lúa Cát Tiên hiện có đến 7.800 héc-ta lúa với năng suất bình quân trên 5 tấn/héc-ta.
Không chỉ biết cấy những giống lúa đặc sản nức tiếng, nhiều hộ dân ở đây còn bứt lên làm giàu nhờ nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn, hiện đại; trồng cỏ để nuôi bò... Bởi thế, tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã giảm bền vững theo từng năm.
Với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên vấn đề đầu tư phát triển toàn diện từ hạ tầng cơ sở đến cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân... luôn được lãnh đạo huyện trăn trở và quyết tâm hành động. Theo đó, hệ thống thủy lợi được đầu tư kiên cố để cây lúa sản xuất 2 vụ. Huyện cũng tập trung chỉ đạo có hiệu quả các chính sách, chương trình đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc như: Hỗ trợ vốn sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các thôn đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi…
Ngoài ra, huyện còn chú ý đến cải thiện đời sống vật chất, cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc. Đến nay, số thôn, buôn có điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 100%; số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%; 100% thôn, buôn có đường giao thông; trên 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và 100% được khám bệnh miễn phí theo quy định; tỷ lệ huy động trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường đạt 100%; tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững, ổn định…
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng vùng đất khó Cát Tiên đã có chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của toàn xã hội; tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một đổi thay; diện mạo nông thôn khang trang hẳn với đường bê tông xi măng tỏa đi các thôn, xóm.
5 năm qua, số hộ nghèo, cận nghèo của Cát Tiên được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội trên 114,5 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng gần 80,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 33 ngôi nhà cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-thay-o-cat-tien-157380.html