Đổi thay ở chợ đầu mối lớn nhất Thủ đô

Trước đây, mỗi khi đứng trên bờ đê Yên Phụ nhìn xuống chợ Long Biên là thấy lô nhô, nào là ô, mái che mái vẩy, biển quảng cáo, khó phân biệt đâu là lối đi chung trong chợ, nhưng nay đã khác.

Chợ Long Biên. Ảnh: TTXVN

Chợ Long Biên. Ảnh: TTXVN

Chợ Long Biên hình thành từ năm 1992 là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội. Tổng diện tích diện tích hơn 27.000 m2 chuyên buôn bán các loại hoa quả, nông sản, thủy sản của cả nước. Hiện công tác quản lý của chợ Long Biên có nhiều đổi mới so với trước đây.
* Quan tâm hàng đầu đến phòng chống chữa cháy
Trước đây, mỗi khi đứng trên bờ đê Yên Phụ nhìn xuống chợ Long Biên là thấy lô nhô, nào là ô, mái che mái vẩy, biển quảng cáo kích thước lớn, khó phân biệt đâu là lối đi chung trong chợ. Hàng quán được các tiểu thương bày bán, lấn chiếm tràn ra với những kệ, sọt lớn nhỏ. Mỗi khi trong chợ có sự cố về cháy nổ, phải mất khá nhiều thời gian, mới có thể đưa được xe và thiết bị chữa cháy đến hiện trường.
Nhận thấy sự bất cập này, quận Ba Đình đã yêu cầu Ban quản lý chợ Long Biên về việc phải thay đổi thói quen kinh doanh của các tiểu thương; đổi mới trong quản lý điều hành; sắp xếp, bố trí lại các ngành hàng; nâng cao phòng chống cháy nổ trong chợ.
Trước chỉ đạo trên, Ban quản lý chợ Long Biên đã bắt tay ngay vào việc cải tạo hệ thống phòng chống chữa cháy. Những mái tôn xụp xuống ki ốt trước đây được cắt bỏ. Thay vào đó, Ban quản lý chợ nối thêm khung sắt đẩy mái lên cao, tạo ra ô thoáng giúp lưu thông không khí cũng như đẩy khói ra nhanh hơn nếu không may có sự cố cháy nổ.

Ban quản lý chợ cho mở 6 tuyến đường rộng 4 mét, có vạch giới hạn để chống lấn chiếm, tiện lợi cho phương tiện chữa cháy và đi lại trong chợ. Ảnh: TTXVN

Ban quản lý chợ cho mở 6 tuyến đường rộng 4 mét, có vạch giới hạn để chống lấn chiếm, tiện lợi cho phương tiện chữa cháy và đi lại trong chợ. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, Ban quản lý chợ quyết định mở rộng lối đi chung trong chợ. Đây là việc làm vô cùng khó, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích kinh doanh của các tiểu thương. Vì trước đây, họ có thể bày bán ra lối đi chung thì nay không được phép.
Khi mới triển khai, nhiều ký kiến cho rằng làm thế là o ép tiểu thương; lãng phí diện tích; bao năm vẫn thế, có cháy đâu mà lo…
Nhưng với mục tiêu đảm bảo tiểu thương được kinh doanh trong điều kiện an toàn nhất có thể, Ban quản lý chợ Long Biên quyết đối mặt với khó khăn, kiên trì vận động thuyết phục từng hộ tiểu thương chấp hành quy định để đảm bảo phòng chống chữa cháy. Bằng cách làm như vậy, Ban quản lý chợ đã cắt hàng nghìn mét vuông mái che mái vậy để mở 6 con đường giao thông, mỗi đường rộng 4 mét làm lối đi chung.

Để các tiểu thương nghiêm túc thực hiện, Ban quản lý chợ cho kẻ vạch sơn phân rõ ranh giới được phép kinh doanh, ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở để không ảnh hưởng đến lối đi chung và phòng chống chữa cháy.
Bà Nguyễn Thị Hoa, buôn bán nhiều năm tại chợ Long Biên cho biết, từ khi bị “gò” vào những quy chế mới, tiểu thương chúng tôi cũng không thoải mái lắm. Nhưng suy cho cùng, việc làm của Ban quản lý chợ cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi, tính mạng cho tiểu thương chứ không vì một lý do nào khác.
Cùng với các tuyến đường, Ban quản lý chợ đã đầu tư lắp đặt đồng bộ các hệ thống chữa cháy, từ bể nước, hệ thống báo cháy tự động, lăng, vòi, bình bọt…đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ với chợ cấp 2.
*Nâng cao đạo đức kinh doanh

Chợ Long Biên được lắp 25 cammera giám sát nhằm đảm bảo an ninh và công tác cháy nổ. Ảnh: TTXVN

Chợ Long Biên được lắp 25 cammera giám sát nhằm đảm bảo an ninh và công tác cháy nổ. Ảnh: TTXVN

Xác định không chỉ quan tâm đến điều kiện kinh doanh tại chợ, quận Ba Đình còn chỉ đạo Bản quản lý chợ nâng cao ý thức, đạo đức kinh doanh của các tiểu thương chợ Long Biên. Trước yêu cầu đó, Ban quản lý chợ Long Biên đã yêu cầu tiểu thương dỡ bỏ những tấm tên biển hiệu với đủ loại kích thước to nhỏ, thò ra thụt và màu sắc khác nhau ở mỗi ki ốt.

Thay vào đó, cho lắp những tấm biển theo một kích cỡ, cùng chất liệu và được treo ở những vị trí quy định, không làm cản trở đến không gian của chợ. Việc làm này tuy nhỏ nhưng đã tác động lớn tới ý thức của các tiểu thương về văn hóa kinh doanh, tạo sự công bằng đối với các hộ tiểu thương, giúp cho bộ mặt của chợ phong quang hơn.
Để nâng cao ý thức kinh doanh, từ tháng 1/2020, Ban quản lý chợ còn thông qua hệ thống loa truyền thanh lắp ở các góc chợ, mỗi ngày lại phát từ 10 đến 15 lần những thông tin về công tác phòng chống chữa cháy, đạo đức kinh doanh, vệ sinh môi trường đúng nơi quy định, để bà con tiểu thương trong chợ nắm được và chấp hành các quy chế trong kinh doanh ở chợ đầu mối lớn nông sản nhất miền Bắc này.

Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, Ban quản lý chợ đã yêu cầu vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, toàn bộ các tiểu thương sẽ thực hiện tổng vệ sinh môi trường cho chợ được sạch đẹp, văn minh, phòng chống dịch bệnh.

Một góc chợ Long Biên. Ảnh: TTXVN

Một góc chợ Long Biên. Ảnh: TTXVN

Về việc bốc xếp hàng hóa từ các xe ra vào chợ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, đã triển khai mô hình quản lý “chợ thông minh” với việc lắp đặt 25 camera dọc các tuyến đường ra vào. Tại cổng chợ có lắp đặt màn hình trung tâm, ở đó nhân viên quan sát ki - ốt nào đang có xe bốc xếp, khu nào trống để bộ đàm điều phối ra vào, hạn chế xe ùn ứ trong chợ.

Việc điều phối bằng camera giám sát sẽ hạn chế được chuyện nể nang xe vào trước xe vào sau; tăng cường hơn trong công tác an ninh trật tự, giúp tiểu thương và người dân yên tâm khi mua bán. Việc thu phí xe ra vào đỗ trả hàng cũng được thực hiện Quyết định số 52 của thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa trăn trở, trước đây đội bốc xếp đã có lúc hoạt động lạm quyền, gây bất bình cho tiểu thương. Vì vậy, quận Ba Đình đang chỉ đạo, Ban quản lý chợ tìm ra mô hình bốc xếp hợp lý hơn, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ. Trên tinh thần, các tiểu thương ký kết với đội bốc xếp, còn Ban quản lý chợ là “trọng tài”, để tuýt còi nếu các bên vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký.
Chợ Long Biên hiện có 1.319 ki - ốt. Chợ Long Biên đã góp phần quan trong trong tiêu thụ giao thương hàng hóa giữa các vùng miền, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân không chỉ Thủ đô./.

BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doi-thay-o-cho-dau-moi-lon-nhat-thu-do/165866.html