Đổi thay ở làng cổ Phước Thị

Làng Phước Thị (Gio Mỹ, Gio Linh) được thành lập vào khoảng thế kỉ XV. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngày nay, làng Phước Thị đã đổi thay và phát triển trên nhiều lĩnh vực theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ nét đẹp văn hóa cổ kính, đậm đà tình quê…

 Đình làng Phước Thị, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của làng

Đình làng Phước Thị, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của làng

Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng Phước Thị được thành lập khá sớm cùng với các làng như: An Mỹ, Nhĩ Thượng, Thủy Khê thuộc tổng An Mỹ, châu Minh Linh, tỉnh Quảng Trị. Gia phả của các họ tộc hiện còn lưu lại khẳng định làng được hình thành khoảng vào thế kỷ thứ XV bởi các dân binh vùng ThanhNghệ tham gia cuộc Nam tiến vào Đàng Trong để mở cõi. Cũng theo các gia phả, làng Phước Thị có được như ngày hôm nay là nhờ công đức của ngài tiền khai khẩn Trần Thị Cao, một nữ nhi can trường đã khai canh điền địa, tạo dựng hương thôn. Thấy “đất lành chim đậu”, không lâu sau đó có thêm một số họ khác cùng tìm đến nhập cư, lập nên làng Phước Thị, một trong những làng cổ của tỉnh Quảng Trị.

Tương truyền khi mới đến xứ Đàng Trong, nơi ngài Trần Thị Cao dừng chân là vùng Cây Thị, xứ Châu Thị. Tuy nhiên, do nơi đây lam sơn chướng khí, giặc giã hoành hành nên ngài xuôi về hướng Đông lập nên xứ Xuân Thị. Một thời gian sau trên đường đi hành binh vào Nam, ngài Nguyễn Xuân Quý dừng chân ở Xuân Thị, gặp ngài Trần Thị Cao và kết nghĩa phu thê. Tương truyền ngài Nguyễn Xuân Quý quê ở làng Phúc Thị, (huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội bây giờ). Vì muốn kết hợp tình quê nơi cố quận và vùng đất mới nên 2 ngài đã đổi tên làng Xuân Thị trở thành làng Phước Thị. Qua bao thăng trầm của lịch sử, tên làng Phước Thị vẫn trường tồn cho đến ngày nay. Hằng năm vào ngày 25 tháng Chạp, người dân làng Phước Thị tổ chức ngày giỗ ngài tiền khai khẩn để nhớ công đức của ngài. Đây là một trong 4 lễ lớn trong năm của làng Phước Thị.

Ông Nguyễn Ngọc Lào, Trưởng làng Phước Thị cho biết, với tinh thần đoàn kết, chịu thương chịu khó bao đời, người dân làng Phước Thị đã kiên cường chống chọi thiên tai, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng một miền quê thanh bình, xứng đáng với niềm mong mỏi của tiền nhân năm xưa đi mở đất, lập làng. Những giá trị lịch sử văn hóa từ thời xa xưa được dân làng giữ gìn và phát huy như: Đình làng, chùa, miếu, giếng nước cổ, các văn bản cổ ghi lại lịch sử hình thành làng, cuộc sống người dân Phước Thị... Đặc biệt, ở đây vẫn còn giữ gìn và phát huy nghề đan lát truyền thống. Nhắc đến nghề truyền thống của huyện Gio Linh, người ta luôn nhắc đến làng đan lát Lan Đình (Gio Phong) và Phước Thị. Hiện nay, làng Phước Thị có 150 hộ, 700 khẩu. Trong đó có hơn 40 hộ còn giữ gìn làng nghề đan lát truyền thống của tổ tiên, những hộ còn lại vẫn còn làm nghề này nhưng không thường xuyên. Trong làng Phước Thị từ già đến trẻ đều có thể làm nghề truyền thống đan lát với nhiều công đoạn khác nhau để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đẹp, đa dạng về mẫu mã, ước thu nhập bình quân từ 120.000 -150.000 đồng/người/ngày.

Bà Nguyễn Thị Thông, (70 tuổi), người làng Phước Thị cho biết: “Nghề đan lát truyền thống làng Phước Thị đã có hơn 500 năm. Những sản phẩm làm ra chủ yếu là thúng, rá rổ, giần sàng… gắn liền với sinh hoạt thường ngày của người dân và lao động sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tôi bắt đầu làm nghề đan lát từ lúc lên 7 tuổi cho đến nay. Nghề đan lát bây giờ được xem là nghề chính của những người lớn tuổi trong thôn, bởi phù hợp với tuổi tác, sức khỏe. Còn lứa tuổi trẻ, trung niên cũng làm nghề này trong thời gian rảnh rỗi sau vụ mùa, hoặc sau buổi nghỉ học để kiếm thêm nguồn thu trang trải cho cuộc sống, cho việc học tập. Với tôi, điều quan trọng nhất đó là giữ gìn nghề truyền thống của tổ tiên để lại và truyền cho con cháu đời sau để duy trì và phát triển nghề truyền thống quê hương”.

Không chỉ nổi bật với những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống đã được giữ gìn và phát huy hàng trăm năm qua, làng Phước Thị còn có nhiều điểm nổi bật khác trên hành trình phát triển. Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị nói thêm, sự đổi thay nơi làng cổ Phước Thị đó là phát triển sản xuất nông nghiệp, cụ thể là phát triển cây lúa nước theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Người dân làng Phước Thị bên cạnh việc duy trì kinh nghiệm trồng lúa nước hàng trăm năm qua đã kết hợp với việc ứng các tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp… Hiện nay, Phước Thị có 145 ha lúa nước, trong đó đã đầu tư 24 ha trồng lúa theo phương thức hữu cơ và đã cho những kết quả tốt. Sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư tăng diện tích trồng lúa theo phương thức hữu cơ với diện tích khoảng 50 ha để tăng thu nhập cho nông dân. Phước Thị còn chú trọng phát triển mô hình lúa-cá với diện tích 20 ha, mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Dự kiến sẽ phát triển mô hình lúa-cá lên khoảng 30 ha vào năm 2020. Nhiều loại cây trái như cam, chanh, bưởi… được người dân mua giống từ các địa chỉ có uy tín về trồng nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, bước đầu mang lại tín hiệu khả quan nơi vùng đất mới. Dự kiến trong năm 2020, Phước Thị đầu tư thêm nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới là trồng nấm rơm hữu cơ trong nhà màng khép kính, với tổng vốn đầu tư ban đầu ước khoảng 500-600 triệu đồng. Bên cạnh trồng trọt, các mô hình chăn nuôi phát triển khá tốt với tổng đàn trâu, bò trên 300 con; đàn lợn trên 600 con, đàn dê hơn 70 con, đàn gia cầm gần 20.000 con.

Đi khắp làng quê Phước Thị, có thể nhận ra nhiều sự đổi thay của làng quê cổ theo hướng văn minh, hiện đại. Đây cũng là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của xã Gio Mỹ, với việc đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, TDTT... Phước Thị được xem là làng quê đáng sống, bởi tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điểm nổi bật đó là chất lượng cuộc sống người dân thay đổi từng ngày. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân Phước Thị trên 25 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ khá giả chiếm 40% toàn thôn; tỉ lệ hộ nghèo còn 9 hộ thuộc các hộ già cả, neo đơn… Những mái nhà cao tầng, kiên cố mọc lên nhiều; đường làng ngõ xóm được trải nhựa, bê tông hóa, trồng nhiều loài hoa đẹp, rực rỡ... Một bức tranh tươi mới của Phước Thị đang đổi thay từng ngày trên hành trình phát triển nhưng vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống của một làng quê cổ kính.

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142428