Đổi thay ở Sóc Bom Bo

Bình Phước từng là vùng đất căn cứ địa của quân và dân giải phóng miền Nam. Sau hơn bốn thập kỷ im tiếng đạn bom, mảnh đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh năm xưa nay đã có nhiều sự đổi thay rõ rệt, điều dễ dàng nhận ra sự thay đổi ấy là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết, năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện được 43.650,6 tỷ đồng, tăng 7,51% so cùng kỳ năm trước, là tỉnh có mức tăng trưởng cao, đứng thứ 5 của cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,39 triệu đồng/người/năm, tăng 12,59% so với cùng kỳ năm 2019. Bình Phước đang phấn đấu xây dựng công nghiệp hóa nền kinh tế, trong đó ngoài kêu gọi đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp, các lĩnh vực như giáo dục, y tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người dân, nhất là cộng đồng người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm đầu tư và hỗ trợ để phát triển.

Trưng bày các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Xtiêng

Trưng bày các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Xtiêng

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, năm 2020 toàn tỉnh có 12 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng lên 60/90 xã hoàn thành chương trình xây dựng NTM, các xã trong toàn tỉnh đạt bình quân 17/19 tiêu chí, cao hơn mức bình quân chung của cả nước… Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã ký Quyết định về việc khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2020. Theo đó, 33 tập thể và 45 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào này. Theo khảo sát dư luận tại các xã xây dựng NTM năm 2020, có đến 97% người dân bày tỏ sự đồng tình và hài lòng với chương trình xây dựng NTM và nhiều hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ở các địa phương rất tích cực tham gia.

Ông Phan Viết Vị (Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Phước Thiện, huyện Bù Đốp) cho biết, từ chương trình NTM, hợp tác xã đã quy tụ 20 xã viên tham gia hơn 40 héc-ta canh tác vú sữa hoàng kim, mít Thái và mít ruột đỏ. Nhờ sản xuất đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGAP, GlobalGAP nên cho năng suất cao và mang lại nhiều lợi nhuận hơn khi xã viên làm ăn riêng lẻ.

Hiện tại Bình Phước đã có 20 sản phẩm được hội đồng đánh giá phân hạng cấp huyện đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao. Một số mặt hàng nông sản của Bình Phước từ các khu vực NTM hiện đã có mặt trong hệ thống siêu thị và bách hóa xanh ở nhiều tỉnh thành.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú - Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM đã huy động được 1.282 tỷ đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 69 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,39%. Tại Đồng Phú, 100% xã đều có đường nhựa đến trung tâm xã, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; mạng lưới thông tin truyền thông, y tế đạt chuẩn; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường…

Theo ông Lý Trọng Nhân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2016 – 2020, Ban Dân tộc cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức thực hiện thành công các Chương trình, Đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng NTM vùng dân tộc thiểu số và miền núi... với tổng vốn hơn 345 tỷ đồng. Theo đó, đã xây dựng 142 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sản xuất cho 2.855 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 44 hộ, nước sinh hoạt phân tán 182 hộ, chuyển đổi ngành nghề 1.154 hộ và giải ngân cho 936 hộ vay vốn phát triển sản xuất. Thông qua các cuộc vận động của đơn vị phối hợp đã xây dựng được 1.224 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trị giá 105 tỷ 823 triệu đồng...

Trong hai năm 2019 và 2020, Bình Phước chi gần 137 tỷ đồng để thực hiện giảm nghèo cho 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó đã giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững và sắp tới 1.000 hộ người đồng bào sẽ được hỗ trợ từ chính sách để giảm nghèo.

Sóc Bom Bo hiện là vùng NTM, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đã có cuộc sống dư giả hơn so với trước nhờ những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ví như gia đình anh Điểu Té, người Xtiêng mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi đăng ký quản lý, khai thác hơn 1,8 héc-ta vườn cao su, điều, cà phê… của Khu bảo tồn Bom Bo. Chưa hết, vợ chồng anh Điểu Té còn có thêm nguồn thu nhập trên dưới 7 - 8 triệu đồng/tháng nhờ tham gia làng nghề ẩm thực phục vụ du khách khi đến tham quan Sóc Bom Bo.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-thay-o-soc-bom-bo-155930.html