Đổi thay ở vùng căn cứ U Minh

Rừng U Minh Hạ (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) từng là căn cứ cách mạng kiên cường, chiến trường nóng bỏng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Trong những giai đoạn ác liệt của chiến tranh, nơi đây luôn giữ vững vai trò, vị trí của một căn cứ địa cách mạng; nhiều trường chính trị, quân sự, văn hóa, bệnh viện, kho tàng, công xưởng được xây dựng và hoạt động tại vùng căn cứ này.

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng các các cựu chiến binh (CCB) Ban liên lạc Hội CCB Quân y Quân khu 9 về thăm Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Quân y Quân khu 9 tại rạch Bà Thầy, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Trở lại vùng đất năm xưa, tâm tưởng các CCB đều sống dậy những ký ức, hoài niệm của ngày tháng “U Minh khói lửa, U Minh kiên cường” trong đạn bom, sáng ngời tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Quân y Quân khu 9 được thành lập tháng 4-1947 tại xã Nguyễn Phích, huyện Trần Văn Thời (nay là huyện U Minh). Tháng 7-2017, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Ban liên lạc Hội CCB Quân y Quân khu 9 đã tổ chức khánh thành nhà bia tưởng niệm nhằm ghi danh những cống hiến, hy sinh của các thế hệ quân y cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo Đại tá Lý Việt Hùng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 121: Xã Nguyễn Phích là địa bàn hoạt động đầu tiên của Bệnh viện Quân y 121 trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1969 đến 1972 là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt bởi hầu hết các tuyến y tế đều bị địch đánh phá, chúng liên tục mở các cuộc hành quân càn quét ở khắp nơi. Việc bám trụ để chiến đấu, bảo vệ, chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh phải đổi bằng sự hy sinh xương máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ quân y. Trong rất nhiều kỷ niệm, có một câu chuyện làm ông nhớ mãi. Đó là mùa mưa năm 1972, với tinh thần “có gì đánh nấy, quân nào cũng đánh, chỗ nào cũng đánh”, các cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện Quân y 121 với súng B40 bắn vào trận địa đóng quân của địch tại rạch Cây Khô diệt nhiều sinh lực địch. Tiếp đà thắng lợi, ngày hôm sau, tổ y sĩ lại đánh tiếp vào trận địa pháo Bà Thầy, diệt nhiều tên địch.

 Khai thác thủy, hải sản tại cửa biển Khánh Hội (U Minh, Cà Mau).

Khai thác thủy, hải sản tại cửa biển Khánh Hội (U Minh, Cà Mau).

Nhiều năm đã qua, U Minh đang từng ngày đổi mới. Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết: “Để giúp người dân phát triển kinh tế, những năm qua, huyện tập trung nghiên cứu, quy hoạch vùng biển, tiểu vùng, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng. Việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng được tiến hành đồng bộ. Nhờ sự quyết tâm, đoàn kết, đến nay huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành địa phương có tốc độ bứt phá khá của tỉnh. Đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển mạnh mẽ, điện lưới quốc gia đạt hơn 95%”.

Nằm xen với những cánh đồng trồng tràm, keo lai thâm canh ở xã Nguyễn Phích là những nương rẫy với nhiều loại nông sản, trái cây, trong đó nhiều nhất là chuối bản địa các loại và chuối Nam Mỹ phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, thị trường Trung Đông... Ông Nguyễn Văn Út ở ấp 19, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Từ khi đường sá thông thương, nông sản của người dân trong vùng không sợ ế ẩm và bị ép giá. Chỉ riêng việc trồng chuối, tuy không phải là nguồn thu chính nhưng mỗi năm, bà con trong vùng cũng thu nhập được 30-50 triệu đồng/hộ”.

Từ vùng đất heo hút, giờ đây, U Minh đã nhộn nhịp hơn bởi các công trình quốc gia như cụm công nghiệp khí-điện-đạm; Khu công nghiệp Khánh An và nhiều công trình phục vụ dân sinh. Với bước đi và cách làm cụ thể, U Minh không chỉ là nơi bảo tồn toàn bộ những giá trị hệ sinh thái của rừng tràm mà còn là điểm tham quan, du lịch sinh thái hấp dẫn ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC - PHONG PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-thay-o-vung-can-cu-u-minh-633703