Đổi thay ở vùng kháng chiến cũ
Chúng tôi về lại xã An Thạnh, huyện Bến Lức và xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, vào những ngày tháng 4 lịch sử. Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng, khắc phục hậu quả chiến tranh, diện mạo vùng đất anh hùng có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng cao.
Diện mạo mới, sức sống mới
Trong những năm tháng chiến tranh, xã An Thạnh vừa là chiến trường ác liệt, vừa là hậu phương vững chắc. Từ Nam kỳ khởi nghĩa đến thời kỳ Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, dân và quân xã An Thạnh luôn nêu cao ý chí, bền bỉ vượt qua những khó khăn, kiên cường bám đất, giữ làng. Người dân nơi đây trở thành chỗ dựa vững chắc cho hàng ngàn chiến sĩ quân đội địa phương và chủ lực trong 2 cuộc kháng chiến.
Bí thư Đảng ủy xã An Thạnh - Lê Văn Lợi cho biết: “Năm 1976, An Thạnh là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã tiếp nối, phát huy truyền thống vẻ vang ấy trong công cuộc xây dựng quê hương”.
Chiến tranh kết thúc, xã An Thạnh gánh chịu hậu quả nặng nề. Kinh tế nghèo nàn, sản xuất lạc hậu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã cùng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là từ khi triển khai, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) từng bước làm thay đổi bộ mặt địa phương. Năm 2015, xã đạt chuẩn NTM và đang phấn đấu “về đích” xã NTM nâng cao vào năm 2025. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 0,06% (20 hộ).
Bí thư Chi bộ ấp 1B, xã An Thạnh - Võ Thị Ngoan chia sẻ: “Những năm qua, Chi bộ luôn chú trọng quán triệt, triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tế. Các phong trào thi đua yêu nước, nhiều mô hình được thực hiện hiệu quả. Cuộc sống của người dân ấm no, sung túc. Đường sá, điện, nước sinh hoạt, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đều tốt hơn gấp nhiều lần so với trước”.
Ngoài sản xuất lúa với diện tích 850ha, cây chanh 90ha (trong đó, có 20ha chanh ứng dụng công nghệ cao), trên địa bàn xã còn có Khu đô thị Waterpoint (330ha) và Khu công nghiệp Phú An Thạnh, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài huyện. “Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đoàn kết, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp” - ông Lê Văn Lợi cho biết thêm.
Đất anh hùng đi lên
Những năm tháng chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Long Trạch, huyện Cần Đước là địa bàn gần với các cơ quan đầu não của địch tại Rạch Kiến (huyện Cần Đước), Gò Đen (huyện Bến Lức) và huyện Bình Chánh (TP.HCM). Do đó, địch ra sức càn quét, xây dựng hệ thống đồn bót, đàn áp phong trào cách mạng nhằm kiểm soát các cơ sở cách mạng của xã và vùng thượng huyện Cần Đước. Trong muôn vàn khó khăn của cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, quân và dân xã Long Trạch vẫn kiên cường bám đất, giữ làng, góp phần tạo nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đoàn kết, tích cực tìm giải pháp khai thác tốt các tiềm năng đất đai, lao động, phát triển KT-XH. Thành tích lớn nhất của xã là chuyển đổi thế độc canh cây lúa, phát triển diện tích trồng rau màu; duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, ổn định và nâng cao mức sống người dân. Xã có Khu công nghiệp Cầu Tràm thu hút 40 công ty đầu tư xây dựng và hoạt động ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động trong và ngoài xã.
Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Đến nay, đường về xã Long Trạch được trải nhựa, xe ôtô chạy bon bon. Đường trục xã, ấp đều được bêtông hóa, nhựa hóa 100%. Ông Lê Ngọc Cường (ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch) chia sẻ: “Trước đây, các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã rất nhỏ, hẹp, người dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, người dân tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công, đất đai để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường. Diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc, người dân rất phấn khởi”.
Hệ thống thủy lợi nội đồng đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/năm, tăng 18 triệu đồng so với năm 2011 (khi xã bắt tay vào xây dựng NTM). Hộ nghèo chỉ còn 0,27% (11 hộ). Người dân sử dụng nước sạch đạt 71%. Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng khởi sắc. Xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, 7 nhà văn hóa ấp đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Long Trạch - Phan Văn Thành Xuyên cho biết: “Xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Từ đó đến nay, xã tập trung giữ vững và nâng cao các tiêu chí; quyết tâm xây dựng địa phương trở thành đô thị loại 5 và đạt chuẩn NTM nâng cao. Để đạt mục tiêu này, xã tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng rau màu và thực hiện mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả kinh tế”.
Thời chiến, dân và quân tại các xã anh hùng nói chung, tại xã An Thạnh và Long Trạch nói riêng luôn đoàn kết làm nên nhiều chiến thắng vẻ vang, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do, ấm no cho dân tộc. Thời bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng địa phương, xem đây là cuộc cách mạng “lấy sức dân để lo cho dân”. Sự “thay da, đổi thịt” là minh chứng cho sự phát triển của những vùng quê giàu truyền thống cách mạng./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doi-thay-o-vung-kha-ng-chie-n-cu--a154069.html