Đổi thay ở vùng quê cách mạng

Xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú - nơi chứng kiến sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ. Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thuận Phú luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

KINH TẾ KHỞI SẮC

Xã Thuận Phú giáp ranh với TP. Đồng Xoài - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trên địa bàn xã hiện có 2 tuyến tỉnh lộ ĐT741 và ĐT758 đi qua, là điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế. Trong bức tranh kinh tế tổng thể của xã, thương mại - dịch vụ đã có bước phát triển. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương. Đến nay, cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đã ổn định với 4.029 ha. Về chăn nuôi, trên địa bàn xã hiện có 7 trại chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, 3 trại gà lạnh với số lượng hơn 90.000 con/lần thả nuôi. Đối với mô hình kinh tế tập thể, bên cạnh duy trì 1 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác sản xuất, xã còn thành lập mới các tổ nghề nghiệp chăm sóc cây ăn trái, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình.

Một góc trung tâm xã Thuận Phú nhìn từ trên cao

Một góc trung tâm xã Thuận Phú nhìn từ trên cao

Ông Trần Đình Thìn, Chủ tịch UBND xã Thuận Phú cho biết: Thực hiện chương trình đột phá "Tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nội bộ ngành nông nghiệp" theo Nghị quyết Đảng bộ huyện Đồng Phú, xã đã bố trí 882 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 287 triệu đồng, hỗ trợ 53 con bò, 206 con dê giống cho người dân. Đến nay, tổng đàn gia súc của xã lên tới gần 13 ngàn con.

Năm 2022, Thuận Phú được chọn hoàn thành xây dựng NTM nâng cao. Hiện xã đã được bố trí 9 tỷ đồng đầu tư một số hạng mục công trình. Trong đó, ưu tiên xây dựng thêm đường nhựa, 2 nhà văn hóa, xây dựng khuôn viên ở công viên tượng đài vừa tạo sân chơi cho người dân vừa để thiết chế văn hóa được đảm bảo theo quy định. Đối với danh mục khu dân cư kiểu mẫu, năm nay xã sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư một số hạng mục để xây dựng thêm 4 khu dân cư kiểu mẫu.

Ông TRẦN ĐÌNH THÌN, Chủ tịch UBND xã Thuận Phú

Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế nông nghiệp, ngoài 520 hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, hiện toàn xã có 18 công ty, doanh nghiệp. Dù số lượng chưa nhiều, tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn xã đã quan tâm đầu tư theo chiều sâu, mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị, quy trình hiện đại, phương thức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu thị trường và đem lại hiệu quả cao.

Kinh tế khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Là người sinh sống lâu năm tại địa phương, ông Chàm Sa, người có uy tín trong đồng bào Chăm ấp Tân Phú, xã Thuận Phú phấn khởi cho biết: Được Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng quan tâm, đến nay cuộc sống của bà con đã được cải thiện. Hiện các hộ dân ở đây ai cũng có nhà ở kiên cố, có việc làm. Bà con hăng say lao động, sản xuất, chăn nuôi, cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, trên địa bàn ấp không còn hộ đói, hộ nghèo, nhà nào cũng có tivi, xe máy, các thiết bị sinh hoạt cần thiết cho gia đình.

“TRÁI NGỌT” TỪ NÔNG THÔN MỚI

Xã Thuận Phú được xem là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Đồng Phú nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Là một trong 20 xã được UBND tỉnh chọn về đích NTM năm 2016, giai đoạn 2011-2016, Thuận Phú đã huy động hơn 49 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 9 tỷ đồng để cùng Nhà nước xây dựng 34 tuyến đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa… Hiện nay, tỷ lệ đường giao thông của xã được cứng hóa đạt trên 90%; toàn xã có 8 tuyến đường nhựa liên xã, thôn, ấp với chiều dài gần 13km; 40 tuyến đường liên thôn được bê tông hóa với chiều dài trên 15km.

Nông nghiệp được xem là thế mạnh trong bức tranh kinh tế tổng thể của xã. Trong ảnh: Anh Ngô Minh Hoàng bên mô hình kinh tế trồng chuối cấy mô xuất khẩu tại ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú

Nông nghiệp được xem là thế mạnh trong bức tranh kinh tế tổng thể của xã. Trong ảnh: Anh Ngô Minh Hoàng bên mô hình kinh tế trồng chuối cấy mô xuất khẩu tại ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú

Từ một địa phương khó khăn, đến nay kinh tế của xã Thuận Phú luôn duy trì đà tăng trưởng khá, tổng thu ngân sách địa phương năm 2021 trên 13,6 tỷ đồng, tăng gần 65 lần so với năm 2002; thu nhập bình quân đầu người 65 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm sâu theo từng năm, đến hết năm 2021, toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo, tỷ lệ dưới 0,2%, giảm gần 70 lần so với năm 2002.

Cùng với người dân, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Tiêu biểu như Công ty cổ phần cao su Đồng Phú đã xây dựng mới 8,5km đường nhựa, 2km đường cấp phối trị giá hơn 10 tỷ đồng. Công ty đã bàn giao 4,5 ha đất để địa phương xây dựng các công trình nhà văn hóa, trường học, chợ, bãi rác. Công ty phát triển nhà Bình Phước sửa chữa, nâng cấp 1,2km đường cấp phối; hỗ trợ trên 100m3 đá để cùng người dân tu sửa đường giao thông nông thôn. Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ kéo 900m đường điện trung thế trị giá 300 triệu đồng; xây dựng 3,2km đường nhựa trị giá 3,5 tỷ đồng…

NTM đã mang lại trái ngọt cho xã Thuận Phú, không chỉ giao thông đi lại thuận tiện, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục cũng có bước phát triển khá. Hiện nay, toàn xã có 3/3 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh lên lớp bậc tiểu học, THCS đạt từ 99% trở lên; hằng năm huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến năm 2021, toàn xã có trên 97% gia đình được công nhận văn hóa; 8/8 khu dân cư được công nhận văn hóa; 100% khu dân cư có nhà văn hóa.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/135437/doi-thay-o-vung-que-cach-mang