Đổi thay ở xã Vàng Ma Chải

Vàng Ma Chải là xã vùng cao, biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân, kinh tế của xã từng bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây dần được cải thiện.

Xã Vàng Ma Chải có 7 bản, trên 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao và Hà Nhì sinh sống. Một số bà con không biết nói tiếng phổ thông, e ngại khi giao tiếp. Địa hình xã phức tạp, diện tích đất sản xuất không nhiều, mùa đông nhiệt độ giảm sâu. Mùa khô, 2 bản: Tả Ô, Tả Phùng thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất nghiêm trọng, đất đai khô hạn, bạc màu. Mùa mưa, xã thường xuyên phải hứng chịu tác động của thiên tai. Đây chính là những “rào cản” trong phát triển kinh tế của xã.
Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã tích cực phối hợp với các phòng, ban của huyện, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 1 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356) tuyên truyền, vận động người dân phát huy nội lực làm kinh tế. Đồng thời, triển khai hiệu quả các mô hình hay, cách làm mới như: nuôi lợn, trâu sinh sản, đưa lúa đông xuân lên vùng cao để thâm canh, tăng vụ; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua việc cấp máy móc, cây, con giống...
Đồng chí Chẻo Lao U - Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải cho biết: Xã vận động người dân đưa các giống lúa, ngô mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tận dụng lợi thế của địa phương có diện tích đồng cỏ rộng để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trong đó, quan tâm xây dựng chuồng trại đảm bảo “thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông”, dự trữ đầy đủ thức ăn tinh, thức ăn thô và không cho gia súc lên núi trong những ngày giá rét. Với những diện tích thiếu nước sản xuất vào mùa khô, người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp.
Hướng tới mục tiêu làm tốt công tác an sinh xã hội, giúp người dân “An cư lạc nghiệp”, xã chủ động rà soát, lập danh sách hộ nghèo gửi lên cấp trên đề nghị hỗ trợ làm nhà ở. Xã cũng khuyến khích người dân tham gia học các lớp xóa tái mù chữ do Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 1 mở để biết tính toán, tự tin hơn trong giao tiếp. Nhờ những cách làm phù hợp, việc phát triển kinh tế của xã được chuyển dần từ “khó” thành “cơ hội”, sản xuất nông, lâm nghiệp khởi sắc.

Chợ phiên Sì Choang thu hút đông đảo người dân trong và ngoài xã Vàng Ma Chải đến kinh doanh, mua sắm.

Chợ phiên Sì Choang thu hút đông đảo người dân trong và ngoài xã Vàng Ma Chải đến kinh doanh, mua sắm.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, nhân dân trong xã trồng được 13,7ha cây ăn quả, gieo cấy được 186ha lúa, trồng 150ha ngô xuân hè (tất cả đều đạt 100% so với kế hoạch), nhiều diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển ổn định với tổng đàn 13.794 con. Trong đó: 752 con trâu, 49 con bò, 3.286 con lợn, 9.707 con gia cầm. Điều này góp phần đảm bảo cho việc cày kéo phục vụ sản xuất cũng như tăng đàn để các gia đình xuất bán, thêm thu nhập.
Anh Chẻo Phủ Lù (người dân ở bản Sì Choang) chia sẻ: Diện tích đất canh tác lúa, sắn của gia đình khá xa nhà, đi lại vất vả nên hằng ngày chúng tôi thường dậy sớm đi làm, tranh thủ được nhiều thời gian làm việc. Cùng với đó, tôi còn duy trì nuôi gần chục con lợn, khoảng 100 con gia cầm, vài con bò. Khi khách hàng có nhu cầu mua bò, tôi bán rồi tiếp tục mua con khác về nuôi. “Lấy công làm lãi”, tích tiểu thành đại, kinh tế gia đình tôi dần khá lên với mức thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí trên 100 triệu đồng/năm.
Xác định rừng có vai trò quan trọng trong đời sống: giữ đất, giữ nước, chống xói mòn… bà con trong xã còn chăm sóc, bảo vệ 571.33ha rừng gắn với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 20,6%. Năm 2023, nhân dân 7 bản được nhận gần 340 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân tăng thu nhập. Không những vậy, phát huy lợi thế khí hậu mát mẻ, dưới tán rừng, nhân dân trong xã còn trồng, chăm sóc được 18ha thảo quả, 31,1ha sa nhân tím, 1,1ha sâm Lai Châu, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Để giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, xã còn động viên các hộ gia đình có lợi thế nhà gần mặt đường, gần chợ Sì Choang mở quán bán hàng tạp hóa, quần áo, hàng ăn... Những năm gần đây, chợ phiên Sì Choang (xã Vàng Ma Chải) họp vào thứ 6 hằng tuần, thu hút đông đảo tiểu thương từ trong và ngoài xã đến kinh doanh; người dân xã Vàng Ma Chải và các xã lân cận như: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử thường xuyên tới mua hàng, thúc đẩy kinh tế chung của xã, huyện phát triển.
Chị Tẩn Lở Mẩy (người dân bản Sì Choang) nói: Gia đình tôi kinh doanh tại chợ 5 năm nay với nhiều mặt hàng từ bánh kẹo, nước uống đến các đồ dùng gia đình. Quầy hàng mở cửa hằng ngày bán cho khách đi đường và đông nhất là khách buổi chợ phiên.
Khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, người dân xã Vàng Ma Chải đang dần đẩy lùi đói nghèo. Qua thống kê, thu nhập bình quân của xã đạt gần 25 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2022). Người dân xây dựng được nhiều ngôi nhà kiên cố, mua sắm phương tiện đi lại, chung sức phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Đây sẽ là động lực để xã đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, có những bước tiến vững chắc trong tương lai, đưa vùng biên giới ngày càng khởi sắc.

Thanh Hoa

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%C4%91%E1%BB%95i-thay-%E1%BB%9F-x%C3%A3-v%C3%A0ng-ma-ch%E1%BA%A3i