Đổi thay tích cực nhờ vốn vay không lãi suất cho phụ nữ khó khăn tại Lào Cai
Sau hơn một năm triển khai, nguồn vốn vay không lãi suất từ chiến dịch Tô cam 2022 do Quỹ Vì tầm vóc Việt và Tập đoàn TH thực hiện đã góp phần phát triển kinh tế cũng như tăng tiếng nói và vị thế của người phụ nữ tại xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai.
Động lực phát triển kinh tế gia đình
Đều đặn mỗi buổi sáng, bà Giàng Thị D. (thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà) lại cùng chồng tất bật chăm lo cho đàn vật nuôi trong gia đình. Bà D. thì cho ngan, gà ăn, còn chồng bà thì vệ sinh chuồng trại, múc cám cho lợn. “Nhờ nguồn vốn vay không lãi suất tôi mới mua được đàn ngan này,” bà D. chia sẻ.
Hơn một năm trước, kinh tế gia đình nhà bà D. còn nhiều khó khăn. Thu nhập chính đến từ việc làm nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà cũng mở thêm một tiệm tạp hóa nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Tổng thu nhập của hai vợ chồng cả tháng chưa đến 5 triệu đồng.
Khi có thông tin về việc vay vốn không lãi suất từ dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” do Quỹ Vì tầm vóc Việt phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thải Giàng Phố và huyện Bắc Hà triển khai tại địa phương, bà D. bàn bạc với chồng để đăng ký nhận vốn vay.
“Với 10 triệu đồng vay từ chương trình, tôi mua được 3 con lợn và sửa sang chuồng trại. Dịp Tết vừa qua, gia đình bán được 2 con, thu về 12 triệu đồng. Sau khi trả phần vốn gốc, gia đình dùng số lãi 2 triệu đồng mua ngan để nuôi. Dự kiến sau khi xuất chuồng sẽ cho thu nhập gần 10 triệu đồng”, bà D. phấn khởi cho biết.
Còn với chị Hầu Thị M. (thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà), số tiền vốn vay như “cứu cánh” cho gia đình chị. Hai vợ chồng quanh năm chỉ trông vào mấy sào ngô trên nương. Vất vả quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Nhờ số vốn vay, chị M. đã có tiền xây dựng chuồng và mua con lợn giống. Sau một năm, đàn lợn của chị được xuất chuồng với trọng lượng tốt. Chị không những thu được số vốn vay, dư tiền lo sinh hoạt cho gia đình mà còn mua thêm được 2 con lợn giống nữa.
Thải Giàng Phố là xã khó khăn của huyện Bắc Hà với 356 hộ nghèo, chiếm 50,06%. Kiến thức và kỹ năng của người dân trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Người dân đa phần chăn nuôi theo kinh nghiệm nên đàn vật nuôi phát triển chậm, còi cọc và hay bị bệnh.
Chính vì vậy, Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” đã tổ chức các khóa tập huấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số về mô hình cải thiện sinh kế hộ gia đình. Các chị em được học và thực hành kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi mau lớn, khỏe mạnh. Nhờ đó, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Thải Giàng Phố đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng chuồng trại và tăng đàn.
Ngoài nguồn vốn và những hỗ trợ kỹ thuật cho chị em dân tộc thiểu số tại xã Thải Giàng Phố, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn về bình đẳng giới và quyền trẻ em trong mối liên hệ với phát triển kinh tế gia đình. Tại đây, các chị em đã hiểu được rằng vợ và chồng phải cùng nhau san sẻ công việc trong gia đình. Các quyết định trong gia đình cũng cần phải có sự bàn bạc và tham gia của cả hai. Có như vậy mới “thuận vợ, thuận chồng”, làm việc gì cũng thành công.
Chung sức giúp phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế
Phụ nữ đã và đang có những đóng góp rất lớn trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tạo ra các giá trị kinh tế. Phụ nữ cũng gặp phải nhiều rào cản khi tham gia vào các hoạt động kinh tế, trong đó phải kể đến gánh nặng các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình và hạn chế tham gia vào các quyết định trong kinh tế hộ gia đình cũng như của cộng đồng.
Với mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của chị em phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, Quỹ Vì tầm vóc Việt và Tập đoàn TH phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền địa phương triển khai quỹ hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thải Giàng Phố. Tổng trị giá của các gói vốn vay là 150 triệu đồng.
Quỹ hỗ trợ vốn vay xuất phát từ chiến dịch "Tô cam cùng TH - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2022. Đây là hoạt động hưởng ứng Chiến dịch UNiTE của Liên Hợp Quốc năm 2022 do Quỹ Vì tầm vóc Việt và Tập đoàn TH phối hợp với UN Women thực hiện. 238.000 sản phẩm màu cam của TH được bán ra, tương ứng với số tiền gây quỹ là 149.940.000 đồng (với mỗi sản phẩm bán ra, Quỹ Vì tầm vóc Việt đóng góp 630 đồng để xây dựng quỹ hỗ trợ vốn vay cho nạn nhân của bạo lực).
Đến thời điểm hiện tại, sau một năm được hỗ trợ vốn vay, đàn vật nuôi được mua từ nguồn vốn hỗ trợ đã phát triển và sinh sản. Một số hộ đã thu 12 - 16 triệu đồng từ tiền bán một phần đàn vật nuôi, đủ để hoàn trả tiền gốc và sinh lãi từ 2 - 6 triệu đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tái đầu tư và phát triển đàn vật nuôi trong thời gian tới. 12 chị em đã hoàn trả vốn vay và 3 người tiếp tục giữ vốn vay để phát triển kinh tế và sẽ hoàn trả trong một năm tới.
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai, cho biết, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số tại Lào Cai, đặc biệt là ở huyện Bắc Hà, hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức và đời sống kinh tế. Do vậy, số vốn vay không lãi suất có ý nghĩa rất tích cực, đã giúp các chị em cải thiện kinh tế, gia tăng thu nhập trong gia đình.
Năm 2023, Quỹ Vì tầm vóc Việt tiếp tục triển khai chiến dịch “Tô cam” với sự đồng hành của Tập đoàn TH và BAC A BANK. Chiến dịch đã diễn ra thành công với số tiền gây quỹ hỗ trợ vốn vay lên đến hơn 600 triệu đồng. Số tiền này đang được giải ngân hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn tại Điện Biên và Sơn La.