Đổi thay trên đất khó

Đón mùa xuân mới, Đảng bộ, chính quyền, người dân ở xã Hợp Hòa (Sơn Dương) vui mừng bởi cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước về hạ tầng cơ sở, người dân trong xã đã năng động phát huy tiềm năng, thế mạnh vượt qua khó khăn, trở thành điểm sáng của huyện về giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Mảnh đất Hợp Hòa từng là vùng “nóng” về nạn khai thác quặng thiếc, quặng Vonfram trái phép. “Bão quặng” qua đi đã để lại môi trường bị tàn phá nặng nề, nhiều diện tích đất nông nghiệp khó canh tác, bị vùi lấp, nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 50%. Vượt lên những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hợp Hòa đã từng bước vực lại kinh tế từ phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển những cây, con mới có giá trị kinh tế cao, có tính bền vững hơn.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa khẳng định: Thế mạnh của địa phương là đất đai, nguồn lao động dồi dào, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Năm 2018, xã đưa cây cà gai leo vào trồng thử nghiệm, đến nay đã có khoảng 19 ha cà gai leo đang cho thu hoạch. Anh Lăng Văn Nghị, thôn Tân Trào chia sẻ, từ dự án của xã, gia đình anh đăng ký mua giống cà gai leo về trồng xen canh với 10 sào đất vườn trồng nhãn. Sau 6 tháng chăm sóc cây cho thu hoạch, gia đình anh thu hơn 1 tấn cây khô, bán với giá 42.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 30 triệu đồng. Ngay khi thu hoạch xong lứa đầu, gia đình anh tiến hành chăm sóc bón phân cho gốc để sau 3 tháng cây lại cho thu hoạch. Theo anh Nghị, cây cà gai leo dễ trồng, hợp nhiều chất đất, chỉ tốn chi phí giống năm đầu, cây cho thu hoạch trong 3 năm. Cây cà gai leo còn được một công ty ký hợp đồng bao tiêu, về tận thôn thu mua sản phẩm nên người dân yên tâm sản xuất.

Trường Mầm non Hợp Hòa được xây dựng khang trang từ nguồn vốn tài trợ của tổ chức phi chính phủ GNI.

Những năm trước, gia đình anh Đỗ Hữu Chương, chị Ngô Thị Thập ở thôn Cầu Đá nuôi lợn theo hướng gia trại, có thời điểm lên đến 400 con lợn thịt. Đầu năm 2019, vướng phải dịch tả châu Phi, anh chị thiệt hại cả tỷ đồng. Xác định chưa tái đàn được, gia đình đã chuyển sang nuôi gà thịt theo hướng hàng hóa. Chị Thập bày tỏ, đợt này đúng dịp được giá, đàn gà này trên 1.000 con là lứa thứ 2 với giá thị trường hiện 65 nghìn đồng/kg thu lãi được trên 40 nghìn đồng/con, cầm chắc khoảng 40 triệu đồng. Nuôi gà vất hơn nuôi lợn nhiều nhưng bù lại rủi ro ít hơn, đặc biệt là không ô nhiễm môi trường vì trấu được xử lý và tận thu bán làm phân bón cây trồng. Hiện gia đình đang làm thêm khu chuồng nữa để duy trì liên tục có gà xuất chuồng. Dự kiến năm 2020, gia đình anh chị sẽ nuôi khoảng 3.000 con/lứa.

Mạnh dạn đầu tư và thành công với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, ông Phùng Văn Quý, thôn Tân Trào là người đầu tiên phát triển kinh tế từ vật nuôi này. Ông Quý cho biết: Qua tìm hiểu, khảo sát một số mô hình trên sách báo, đài, ti vi, thấy việc nuôi chim bồ câu Pháp không tốn nhiều thời gian, đầu ra lại khá ổn định. Năm 1990, ông bắt đầu mua giống, đầu tư chuồng và nuôi chim bồ câu. Lúc đầu, ông gặp khá nhiều khó khăn do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại nên đàn chim phát triển chậm, thất thoát khá nhiều. Sau đó, ông phải đi học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi. Nhờ vậy, sang năm thứ 2 đàn chim đã phát triển và sinh trưởng đều hơn. Cứ như vậy, ông tiếp tục gây giống để tăng số lượng đàn. Từ vài chục cặp chim ban đầu, ông đã mở rộng mô hình lên hơn 400 cặp chim bồ câu Pháp. Trung bình mỗi tháng ông xuất bán từ 80 - 100 cặp với giá 170.000 đồng/cặp chim giống bố mẹ, 110.000 đồng/cặp chim thịt. Trừ chi phí, gia đình ông thu về từ 80 - 130 triệu đồng/năm. Từ mô hình của ông, xã đã thành lập được nhóm sinh kế gồm 9 thành viên, hỗ trợ vốn, con giống, máy ấp trứng và kỹ thuật chăn nuôi.

Với sự nỗ lực của chính quyền và sự năng động, linh hoạt của người dân, hiện nay xã đã xây dựng được 20 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong đó, có 5 trang trại tổng hợp và 15 trang trại chăn nuôi; mỗi trang trại cho thu lãi trên 400 triệu đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho 4 - 8 lao động/năm. Cùng với đó là hàng trăm gia trại được hình thành, chủ yếu là chăn nuôi với tổng số 1.050 con trâu, 328 con bò, 5.400 con lợn và chục nghìn con gia cầm. Đặc biệt, các trang trại, gia trại đã thiết lập tốt mối quan hệ, liên kết với nhau trong việc cung ứng cây, con giống và thị trường tiêu thụ...

Gia đình chị Ngô Thị Thập, thôn Cầu Đá, xã Hợp Hòa nuôi gà theo hướng hàng hóa.

Gia đình chị Ngô Thị Thập, thôn Cầu Đá, xã Hợp Hòa nuôi gà theo hướng hàng hóa.

Cuộc sống mới

Đến Hợp Hòa những ngày áp Tết nguyên đán Canh Tý mới cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất này. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiếu khoe, năm 2019 xã được đầu tư trụ sở mới 2 tầng, dự án Good Neighbors (GNI) tài trợ xây dựng trường mầm non khang trang. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình 135 xã đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn Thanh Bình, vận động 8 hộ dân hiến trên 1.300 m2 đất làm đường dẫn cầu qua sông Phó Đáy nối thôn Ninh Hòa đi thôn Vinh Phúc, xã Phúc Ứng; làm 7,3 km kênh mương nội đồng; bê tông 3,5 km đường nội đồng… đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã.

Trường Mầm non Hợp Hòa được xây 2 tầng khang trang với số tiền đầu tư trên 7 tỷ đồng gồm 10 phòng học, khu nhà hiệu bộ, bếp nấu ăn. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi nói: Như mơ vậy! trước đây, các lớp học xuống cấp, không đủ các điều kiện dạy và học. Hôm nay thì tốt rồi! chỉ cần nhìn màu sơn khu lớp học đã cuốn hút các con tới trường.

Cùng với sự đầu tư tốt hơn về hạ tầng cơ sở, cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn nhiều. Những thanh niên đi học và làm xa quê cũng bắt đầu có thiên hướng về quê lập nghiệp với mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình. Anh Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai kể, anh đã học khoa công nghệ thông tin trường Đại học Thái Nguyên và ở lại làm cho Viettel Thái Nguyên 5 năm, nhưng vì xa nhà nên chi phí ăn ở cũng hết. Từ việc được đi nhiều nơi, thấy chăn nuôi gà có hiệu quả, anh đã về quê phát triển chăn nuôi nuôi gà theo hướng hàng hóa. Năm 2018, bắt tay nuôi gà, anh Hoàng cũng là người đầu tiên đưa số lượng đàn gà vài nghìn con vào nuôi theo hình thức nuôi nhốt chuồng. Hiện nay, mỗi tháng anh Hoàng có 1.000 gà thịt cung cấp ra thị trường. Từ mô hình nuôi gà của anh Hoàng đã nở rộ việc nuôi gà ở thôn, xã với 20 hộ nuôi, mỗi hộ nuôi từ 2.000 - 4.000 con/lứa. Anh Hoàng bảo, đi làm công ty cũng tốt nhưng gây dựng được mô hình kinh tế thì ổn định, hơn nữa lại được làm ở ngay chính quê hương mình.

1.895 hộ dân, trên 8.700 nhân khẩu, trong đó trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số, người Dao ở đây còn phát triển nghề thuốc nam. Ông Triệu Vi Hải, Trưởng thôn Đồng Phai cho biết: Thôn có 110 hộ, 95% số hộ là đồng bào Dao, ngoài việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi, làm ruộng, người dân còn trồng cây thuốc nam dược liệu. Từ phát triển đa dạng nghề, người dân đã giảm nghèo hiệu quả, đến nay thôn chỉ còn 12 hộ nghèo. Bà Lương Thị Thi vui mừng cho biết, giờ cuộc sống đầy đủ nên phụ nữ Dao đã may được lại trang phục của dân tộc mình; đàn ông Dao làm lễ cấp sắc và còn tổ chức giao lưu văn nghệ, để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Xác định được hướng đi trong phát triển kinh tế, do vậy, từ một xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50% năm 2008 đến nay còn 18%), mỗi năm Hợp Hòa giảm từ 5-7% hộ nghèo. Nhiều hộ đang phấn đấu làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương bằng trí tuệ và sức lực của mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Ghi chép: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/doi-thay-tren-dat-kho-127613.html