Đổi thay trên đất nghề Đào Khê Thượng
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi về thôn Đào Khê Thượng, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) - vùng đất nổi danh từ xưa với nghề làm nón lá. Bên hiên nhà, các bà, các chị vừa tỉ mỉ từng đường khâu, trau chuốt từng nan nón, vừa trò chuyện sôi nổi. Trong câu chuyện của người dân nơi đây có niềm tự hào về quê hương đang vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi về thôn Đào Khê Thượng, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) - vùng đất nổi danh từ xưa với nghề làm nón lá. Bên hiên nhà, các bà, các chị vừa tỉ mỉ từng đường khâu, trau chuốt từng nan nón, vừa trò chuyện sôi nổi. Trong câu chuyện của người dân nơi đây có niềm tự hào về quê hương đang vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới với cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thôn Đào Khê Thượng (gồm xóm 14 và 15) có trên 360 hộ với hơn 1.000 khẩu. Cùng với thôn Đào Khê Hạ, thôn Đào Khê Thượng từ xưa đã nổi tiếng với nghề làm nón lá với thương hiệu “nón lá Đào Khê”. Thời cao điểm, nhà nhà, người người làm nón lá nên thu nhập người dân nơi đây cũng khấm khá. Tuy nhiên những năm gần đây, khi nghề làm nón lá mai một đi do nhu cầu thị trường giảm, số lượng người làm nghề cũng ít đi, chỉ còn người trung và cao tuổi vẫn gắn bó với nghề. Trước thực trạng trên, chi bộ đảng, chính quyền 2 xóm đã tích cực bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, địa phương tìm hướng phát triển kinh tế. Đồng chí Vũ Văn Bạt, trưởng xóm 14 cho biết: Trên cơ sở các nghị quyết của chi bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị của xóm đã tích cực vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân duy trì nghề truyền thống của quê hương đồng thời phát triển, mở mang thêm các ngành nghề mới, tạo thêm việc làm, thu nhập. Hiện nay, nghề làm nón lá của thôn đã khởi sắc thu hút hàng trăm hộ dân, mỗi lao động có thu nhập trung bình 70-100 nghìn đồng/ngày. Một số người có vốn thì tổ chức thu gom sản phẩm đem đi tiêu thụ. Chị Phạm Thị Mỹ Hoa ở xóm 14 cho biết: “Từ nhiều năm nay vợ chồng tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng đứng ra thu gom sản phẩm của người dân trong làng về hoàn chỉnh lại, đem đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu gom trên 100 nghìn chiếc nón lá của người dân, nhờ vậy có thu nhập ổn định”. Ngoài ngành nghề chính làm nón lá, ở xóm 14 người dân cũng tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Diện tích đồng ruộng được quy hoạch, hình thành cánh đồng mẫu lớn thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch. Năng suất lúa nơi đây bình quân đạt 150 kg/sào. Ngoài làm nông, nghề phụ, trong thôn có nhiều thanh niên trẻ làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp quanh vùng; nhiều người thành lập các tổ, đội xây dựng thu hút lao động trong xóm đi làm ăn xa. Ở xóm 15, được sự quan tâm của cấp trên, các ban, ngành, đoàn thể của xóm cũng đã họp bàn và triển khai các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn vốn khác cho hội viên phụ nữ, CCB, nông dân… để đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo. Đồng chí Ngô Văn Thảo, trưởng xóm 15 cho biết: Nhiều người dân trong xóm đã mạnh dạn vay vốn sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Từ nhiều năm trước, anh Phạm Văn Sáu đã mạnh dạn vay vốn, mở trang trại nuôi thường xuyên 3.000-4.000 con gà, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ duy trì nghề truyền thống và phát triển thêm ngành nghề, thu nhập người dân của 2 xóm đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo các xóm đều dưới 0,3%. Bên cạnh phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền nơi đây cũng tích cực vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng, tu sửa các công trình phúc lợi như đường thôn xóm, đường nội đồng, hệ thống cầu cống thủy lợi, lắp đèn điện chiếu sáng, nhà văn hóa… Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được cán bộ, nhân dân thực hiện tốt. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới được triển khai sâu rộng tới từng hộ dân. Đến nay, thôn có 90% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Môi trường, cảnh quan nông thôn thường xuyên được chỉnh trang. Hàng tháng, cả 2 xóm của thôn đều tổ chức xuống đường dọn dẹp vệ sinh môi trường. Rác thải sinh hoạt của các hộ dân được thu gom, đưa đi xử lý theo đúng quy định. 100% các hộ của thôn đều dùng nước sạch. Công tác bảo đảm an ninh trật tự được lực lượng công an xóm và các tổ chức đoàn thể duy trì tuần tra, canh gác.
Niềm vui của người dân thôn Đào Khê Thượng hôm nay như nhân đôi khi từ năm 2019, UBND tỉnh đã chủ trương đầu tư và được HĐND tỉnh phê duyệt Dự án xây dựng khu dân cư tập trung Đào Khê Thượng văn minh, hiện đại góp phần tạo quỹ đất, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Quy mô đầu tư dự án diện tích khoảng 5,1ha. Theo đó, dự án sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật gồm san nền, hệ thống giao thông, vỉa hè, bó vỉa, đan rãnh, hệ thống đảm bảo an toàn giao thông, khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp điện sinh hoạt và chiếu sáng được thiết kế đồng bộ. Tổng mức đầu tư dự án 50,2 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất sau khi xây dựng hạ tầng khu dân cư tập trung. Xác định đây là chủ trương lớn của tỉnh có tác dụng thúc đẩy đưa địa phương phát triển mạnh mẽ, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội của thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân tạo sự đồng thuận cao. Xóm 14 có khoảng 5ha đất lúa của 55 hộ dân thuộc dự án. Xóm 15 có một số hộ có đất nằm trong khu vực giải tỏa để tuyến đường giao thông đi qua. Sau một thời gian được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ xã đến cơ sở vận động giao đất, đến nay mặt bằng của khu dân cư tập trung cơ bản được giải phóng. Cùng với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng khu dân cư tập trung, thôn Đào Khê Thượng cũng đang tích cực vận động cán bộ, nhân dân tiếp tục đóng góp công sức, kinh phí tiến hành hoàn thiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu như cải tạo tuyến đường trục thôn dài 1km, tu sửa nhà văn hóa thôn, bổ sung cây xanh trên các tuyến đường… qua đó xây dựng thôn “xanh - sạch - đẹp”./.
Bài và ảnh: Đức Thiện