Đổi thay trên 'Miền đất lửa'

Những ngày tháng Tư, bầu trời trên 'Miền đất lửa' Quảng Trị dường như cao xanh hơn, trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây đều rạng ngời hạnh phúc, ngập tràn niềm tin. Vùng quê cách mạng ngày nào chìm trong khói lửa chiến tranh, giờ đây đã nở hoa và khởi sắc từng ngày.

Ký ức hào hùng

Khu di tích đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải những ngày này ngập tràn sắc đỏ của cờ Tổ quốc cùng băng rôn, khẩu hiệu. Công tác chuẩn bị cho Lễ hội "Thống nhất non sông", chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc (30-4-1975/30-4-2021) tại cột cờ Hiền Lương do tỉnh Quảng Trị tổ chức đã hoàn tất. Trên các trục đường tấp nập những đoàn xe chở các cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa và du khách về thăm “Miền đất lửa” Quảng Trị anh hùng.

Có mặt ở “lũy thép” Vĩnh Linh, Quảng Trị hôm nay, không khó để nhận ra sự thay đổi về kinh tế, xã hội nơi từng bị bom, đạn chiến tranh cày xới nham nhở. Mảnh đất ấy đã hồi sinh một cách kỳ diệu, bộ mặt phố thị Hồ Xá, Vĩnh Linh được hình thành, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, cánh đồng lúa, hồ tôm trải dài, đồi cao su bát ngát… Đó là thành quả của quá trình xây dựng và phát triển sau 46 năm đất nước thống nhất với sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đang hiện diện dọc hai bờ Vĩ tuyến 17.

Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải hôm nay.

Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải hôm nay.

Theo cựu chiến binh Lê Ngọc Bình, người dân thị trấn Hồ Xá: Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị trở thành tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa là tiền tuyến miền Nam, nơi đối đầu ác liệt của cuộc chiến tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Theo số liệu thống kê trong những năm chống Mỹ, “đất thép” Vĩnh Linh phải gánh chịu hàng chục tấn bom đạn. Trên những “tọa độ lửa” giờ đây ngút ngàn màu xanh của các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su và những địa danh dốc Miếu - Cồn Tiên; địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị... trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn. Người dân nơi đây không chỉ phát triển kinh tế bằng nuôi trồng các giống cây, con cho thu nhập cao mà nguồn lợi từ kinh doanh du lịch đã trở thành nguồn thu chính đối với nhiều gia đình.

“Đất lửa” nở hoa

Theo tuyến đường quốc phòng ven biển, chúng tôi về huyện Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng... Trên những triền cát nham nhở hố bom đạn ngày nào giờ đây san sát những vuông tôm, khu nuôi trồng thủy sản của bà con. Xen kẽ khu rừng phòng hộ là những ngôi làng san sát nhà cao tầng và vườn cây ăn quả. Trên cảng cá Cửa Việt từng đoàn tàu công suất lớn nhộn nhịp vào ra. Những khoang tàu ăm ắp cá tôm, trên gương mặt rám nắng của ngư dân rạng rỡ niềm vui về thành quả sau chuyến đi biển trở về.

Ngư dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị được mùa cá Nam.

Ngư dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị được mùa cá Nam.

Ngược tuyến Quốc lộ 9, chúng tôi đến với đồng bào Pa Cô, Vân Kiều một lòng theo Đảng, Bác Hồ, nơi những chiến khu, những căn cứ bảo vệ cách mạng trong chiến tranh. Mặc dù không còn cảnh tiêu điều, xơ xác như trước đây, bây giờ trên các vùng quê cách mạng Chiến khu Ba Lòng; Khe Sanh đã trở thành những trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng cao Quảng Trị, vậy nhưng vẫn còn chất chứa thương đau. Theo chân cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Sư đoàn 968 đi tìm đồng đội ở Chiến khu Ba Lòng, chúng tôi phần nào hiểu rõ hơn sự ác liệt, đau thương mà quân và dân nơi đây phải gánh chịu trong những ngày tháng chống Mỹ, cứu nước. Dưới những khu đồi cao su, hồ tiêu, dưới những cánh rừng cây lâm nghiệp vẫn còn những người con ưu tú quê hương đất Việt mãi mãi nằm lại nơi đây và vẫn còn những “thần chết” sót lại sau chiến tranh. Đến thăm tặng quà Đội Quy tập mộ liệt sĩ Sư đoàn 968 đang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Chiến khu Ba Lòng, ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông kể cho chúng tôi nghe về sự nỗ lực vượt khó của nhân dân địa phương trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Không còn độc canh cây lúa như trước đây mà dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Đakrông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Theo đó, những mô hình phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, như trồng dứa ở xã Hải Phúc, trồng chuối tiêu hồng ở xã A Ngo, A Bung... đã đem lại cuộc sống mới cho người dân. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội nhiều làng nghề truyền thống, nhiều lễ hội văn hóa được khôi phục và đi vào hoạt động hiệu quả.

 Trên các bãi cát huyện Vĩnh Linh san sát những hồ nuôi tôm của nhân dân.

Trên các bãi cát huyện Vĩnh Linh san sát những hồ nuôi tôm của nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Lê Quang Tùng cho biết: Sau 46 năm Tổ quốc thống nhất và 49 năm quê hương giải phóng, trên tinh thần phát huy mọi tiềm năng, nội lực, Đảng bộ, chính quyền và mọi người dân, Quảng Trị đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng rất đáng tự hào, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên thu nhập bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng/năm. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, phát triển, quốc phòng, an ninh, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo. Đến nay, toàn tỉnh có 57/101 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận trong xã hội thường xuyên củng cố.

46 năm sau ngày đất nước giải phóng, mảnh đất Quảng Trị hôm nay rộn rã niềm vui, hoa đã nở trên vùng đất đau thương mà anh dũng. Thế hệ những người anh hùng trực tiếp chiến đấu giải phóng quê hương và cả thế hệ những người đang thụ hưởng thành quả của những người trực tiếp cầm súng chiến đấu cách đây 46 năm, dường như đang cảm nhận một cách trọn vẹn sắc đỏ của màu cờ chiến thắng đang rực lên từ mọi nẻo đường đất nước và từ chính trong thẳm sâu trái tim mình. Trong âm vang ngày mới, mỗi người con trên “Miền đất lửa” Quảng Trị tự nhắc nhở mình phải nỗ lực phát triển kinh tế, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/doi-thay-tren-mien-dat-lua-658295