Đổi thay trên những làng quê cách mạng

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm nhiều làng quê cách mạng gắn liền với chiến công hào hùng của quê hương, đất nước. Một điều dễ nhận thấy là trên những vùng đất này, dấu vết của chiến tranh đã bị xóa nhòa bởi màu xanh của cây cối. Sự hy sinh của lớp người đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho lớp người kế tiếp hôm nay phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực không ngừng trong dựng xây và phát triển quê hương văn minh, giàu đẹp...

 Đình làng Tân Trại Hạ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng của làng Tân Trại Hạ (Vĩnh Giang) -Ảnh: M.Đ

Đình làng Tân Trại Hạ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng của làng Tân Trại Hạ (Vĩnh Giang) -Ảnh: M.Đ

Trên những con đường của các làng quê cách mạng như: Tân Trại Hạ (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh), Hải Chữ (Trung Hải, Gio Linh), Gia Đẳng (Triệu Lăng, Triệu Phong), Đại An Khê (Hải Thượng, Hải Lăng)…, cờ Tổ quốc được treo nơi trang trọng, tung bay trong gió; nhà cửa xây dựng đẹp, khang trang và nhiều loại hoa khoe sắc được trồng khắp các con đường làng, mang đến hình ảnh thanh bình về những làng quê nông thôn xinh đẹp…

Làng Tân Trại Hạ là điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến. Chị Phan Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang cho biết: “Làng Tân Trại Hạ được hình thành từ hàng trăm năm trước, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và truyền thống cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hiện nay, làng Tân Trại Hạ trải dài trên địa bàn 4 thôn là: Tân Trại 1, Tân Trại 2, Tân Mỹ và Tân An, với 680 hộ gia đình, khoảng trên 2.000 nhân khẩu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 43 triệu đồng. Đây là một làng quê điển hình, tiêu biểu của xã Vĩnh Giang từ truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, văn hóa cho đến những kết quả đạt được nổi bật hôm nay trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòngan ninh, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc”.

Đi khắp làng quê Tân Trại Hạ, chúng tôi cảm nhận được nhiều sự đổi thay nơi mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này, nhất là làng có đến 23 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 114 liệt sĩ, 109 thương binh… Ông Nguyễn Văn Thu, Bí thư Chi bộ thôn Tân Trại 1 cho biết, trong các cuộc kháng chiến, người dân làng Tân Trại Hạ cùng với bộ đội, dân quân, du kích địa phương đã anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương. Làng quê bên dòng Bến Hải này đã gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Thế nhưng, cán bộ, Nhân dân làng Tân Trại Hạ vẫn kiên cường, anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất quê hương, lập nên nhiều chiến công vang dội. Khi làng quê được giải phóng, người dân làng Tân Trại Hạ cùng với toàn xã Vĩnh Giang nỗ lực, quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương thay da, đổi thịt từng ngày. Làng Tân Trại Hạ hôm nay còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa gắn với truyền thống cách mạng, tiêu biểu như đình làng Tân Trại Hạ, ngày trước là nơi hội họp của các nhà hoạt động cách mạng như các đồng chí: Lê Duẩn, Đặng Thí... Chi bộ đảng đầu tiên của xã Vĩnh Giang ra đời ở đình làng Tân Trại Hạ, tập hợp và vận động người dân đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Làng Tân Trại Hạ hôm nay đã có nhiều sự đổi thay và phát triển. Toàn làng hiện có hơn 100 ha cây hồ tiêu; phát triển cây đậu xanh với diện tích 30 ha; tập trung phát triển gạo bát đỏ với diện tích 15 ha ở vùng nước lợ theo hình canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm gạo bát đỏ hiện được thị trường ưa chuộng, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tận dụng các diện tích mặt nước, người dân đã nuôi tôm và cá nước ngọt, kết hợp với đánh bắt thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Cán bộ, Nhân dân làng Tân Trại Hạ tự hào, hãnh diện khi đóng góp công sức vào thành tích của xã Vĩnh Giang được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1967, 1970 và 1973; đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 và đang hoàn thiện các hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Làng Hải Chữ nằm trên địa bàn thôn Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh cũng là một làng quê giàu truyền thống cách mạng. Cựu chiến binh Nguyễn Tấn Nguyên, sinh năm 1933, tự hào nói với chúng tôi về “làng đỏ” Hải Chữ. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làng quê Hải Chữ bị tàn khá nặng nề bởi bom đạn của kẻ thù; nhiều người đã hy sinh, bị bắt bớ, tù đày, nhiều gia đình phải sơ tán, chia lìa…Nhưng người dân làng Hải Chữ không hề chùn bước mà đã anh dũng, kiên cường đứng lên cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ năm 1975, khi đất nước thống nhất, non song thu về một mối, người dân Hải Chữ đã đoàn kết một lòng để khắc phục hậu quả chiến tranh, lấp những hố bom để dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống; thực hiện dồn điền, đổi thửa để phát triển sản xuất nông nghiệp…

Anh Nguyễn Tấn Sang, Trưởng thôn Hải Chữ cho biết, thôn Hải Chữ hiện có 245 hộ, 1.097 nhân khẩu. Những năm qua, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người. Toàn thôn ước tính có khoảng 10 mô hình kinh tế tổng hợp nông nghiệp, kinh doanh thương mại-dịch vụ cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Hiện nay, người dân Hải Chữ vẫn đang ra sức phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu cùng với xã Trung Hải đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ mặt làng quê Hải Chữ đang khởi sắc từng ngày, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã Trung Hải trong thời kỳ đổi mới...

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=157274&title=doi-thay-tren-nhung-lang-que-cach-mang