Đổi thay trên quê hương 'Kim Sơn kháng Nhật'
Cách đây hơn 79 năm, từ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, phong trào cách mạng nhanh chóng lan ra rộng khắp các địa phương của Tp.Hải Phòng góp phần vào thắng lợi cuối cùng cuộc Tổng khởi nghĩa của dân tộc.
Vang vọng tiếng trống "Kim Sơn kháng Nhật"
Trong cái nắng hanh hao buổi sáng đầu thu cuối tháng 8/2024, chúng tôi tìm về thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, theo tiếng gọi của tiếng trống "Kim Sơn kháng Nhật" cách đây hơn 79 năm.
Chủ nhà và khách ngồi quây quần bên ấm chè bỏng rẫy tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Kim Sơn, ông Đinh Văn Khỏe - Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, kể về biến cố trọng đại trên quê hương đã được ghi vào sử sách, được người dân trong thôn, trong xã lưu truyền qua các thế hệ với niềm tự hào khôn xiết.
Ông Khỏe cho biết, theo sử sách và các bậc lão thành cách mạng trong vùng kể lại, khoảng giữa năm 1936, dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, tổ chức Hướng Đạo Sinh đã về làng Kim Sơn gây dựng phong trào để chống cường hào, ác bá, tay sai của thực dân Pháp và phát xít Nhật xâm lược.
Ngày 12/7/1945, trong cuộc mít tinh lớn ở đình Kim Sơn, lực lượng cách mạng tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai phong kiến, công bố thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn do đồng chí Hồng Vân làm Chủ tịch.
Lo sợ chính quyền cách mạng Kim Sơn sẽ dẫn đến sự bùng nổ dây chuyền không thể kiểm soát, phát xít Nhật cho quân về đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng ở đây. Sáng 4/8/1945, giặc Nhật huy động hai xe cam nhông chở 40 lính Bảo An, do 2 sĩ quan Nhật chỉ huy, từ khu vực tỉnh lỵ Kiến An kéo về khủng bố phong trào cách mạng ở Kim Sơn hòng bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Nhân dân Kim Sơn và lực lượng tự vệ chủ động đào hào, rào làng, tổ chức chiến đấu bằng vũ khí thô sơ.
Cuộc chiến đấu chống Nhật khủng bố diễn ra quyết liệt từng phút, từng giờ, trên từng đoạn đường, ngõ xóm. Cuối cùng, trước sức mạnh đoàn kết của quân và dân địa phương, phát xít Nhật phải tháo chạy.
Trong cuộc khủng bố, càn quét của phát xít Nhật, người Kim Sơn không thể nào quên hình ảnh bà Tập đánh trống báo động, ông Đoàn Đắc Mải cầm dao xông vào chém quân Nhật, chị Nguyễn Thị Bám xông pha dưới làn đạn để đưa các cụ già, em nhỏ về nơi trú ẩn an toàn và anh dũng hi sinh khi tuổi đời mới tròn 19.
Tiếng trống "Kim Sơn kháng Nhật" là hiệu lệnh cho quân và dân Tp.Hải Phòng vùng dậy cướp chính quyền, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung cuộc Tổng khởi nghĩa của dân tộc trong mùa thu Tháng Tám năm 1945 lịch sử.
Viết tiếp trang sử vẻ vang
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, ông Đinh Văn Khỏe - Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, cho biết, với sự kiện tiếng trống "Kim Sơn kháng Nhật", làng Kim Sơn trở thành cái nôi của phong trào cách mạng không những của Tp.Hải Phòng, còn cả vùng duyên hải Bắc Bộ.
Di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Kim Sơn - chứng nhân tiếng trống "Kim Sơn kháng Nhật" khi xưa được Tp.Hải Phòng công trợ và người dân địa phương chung tay góp công, góp của, được tu bổ, tôn tạo khang trang, bề thế nhất vùng. Nơi đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng của thôn Kim Sơn và xã Tân Trào nói riêng, huyện Kiến Thụy và Tp.Hải Phòng nói chung.
Viết tiếp trang sử vẻ vang của quê hương cách mạng, lớp trẻ làng Kim Sơn chăm chỉ làm ăn góp phần phát triển kinh tế quê hương. Về quê hương "Kim Sơn kháng Nhật" ngày nay, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng về những đổi thay theo chiều hướng tích cực.
Trong đó, những tuyến đường nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu khang trang, rộng rãi thay thế những tuyến đường đất quanh năm bụi bặm, trơn trượt. Những ngôi nhà cao tầng cũng thay thế những mái nhà tranh, vách đất khi xưa.
"Hiện thôn Kim Sơn có 1.115 hộ với 3.678 nhân khẩu. Năm 2023, thu nhập trung bình của người dân trong thôn hơn 80 triệu đồng/người/năm, cao gấp nhiều lần so với cách đây 10 năm. Cả thôn có gần 2.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó phần lớn đi làm tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài huyện Kiến Thụy.
Tuy nhiên, dù đi làm ăn xa, nhưng lớp trẻ ở Kim Sơn vẫn không rời bỏ quê hương (ly nông không ly hương). Ai cũng mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của quê hương, đất nước", ông Đinh Văn Khỏe tự hào chia sẻ.