Đổi thay trên vùng đất Hà Quảng
Tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân đang là hướng đi quan trọng của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.
Để phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Hà Quảng thời gian qua chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, huyện khuyến khích phát triển các hợp tác xã (HTX) sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.
Đa dạng mô hình HTX
Có một điều thuận lợi là nhiều người dân đã tham gia HTX ở các lĩnh vực khác nhau, tạo ra sự đa dạng trong sản xuất kinh doanh và tạo nhiều nguồn thu nhập ổn định.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Bảo Hưng (xã Trường Hà) được thành lập từ năm 2016. HTX này đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lao động. HTX có doanh thu bình quân trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Hay HTX Thắng Lợi (thị trấn Xuân Hòa) hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là mô hình chăn nuôi lợn rừng theo phương pháp hữu cơ. HTX có trang trại quy mô lớn, sản xuất thức ăn chăn nuôi tại chỗ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, HTX Sản xuất chè xã Vân Trình đã chuyển đổi từ sản xuất chè truyền thống sang ứng dụng các kỹ thuật mới như chè sạch, VietGAP, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. HTX Duy Anh (thị trấn Xuân Hòa) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ gỗ, cơ khí, xây dựng và dịch vụ ăn uống.
Đáng chú ý, HTX Án Lại (xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An - giáp Hà Quảng) mặc dù không trực thuộc huyện Hà Quảng nhưng lại có mô hình sản xuất miến dong hiệu quả, tận dụng nguồn nguyên liệu của huyện Hà Quảng và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện Hà Quảng.

Nhiều hộ gia đình đã nâng cao thu nhập nhờ tham gia HTX.
Gần đây nhất, năm 2024, HTX Nông nghiệp Hữu cơ Hà Quảng (thị trấn Xuân Hòa) cũng đã được thành lập nhằm hỗ trợ người dân và thành viên hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ.
Theo đánh giá chung của huyện, các HTX đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Hoạt động hiệu quả của những mô hình này đã góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động; đồng thời tạo việc làm, tăng năng suất và giá trị sản phẩm, giúp cải thiện đời sống người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo. Đây là một trong những động lực quan trọng để năm 2024, huyện giảm được 10,33%/11,35%, đạt 91,01% chỉ tiêu tỉnh giao về giảm nghèo.
Đặc biệt, sự phát triển đa dạng của các HTX đã tạo động lực giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất. Tiêu biểu như chị Vi Thị Nhung (xã Thanh Long) có điều kiện kinh tế bấp bênh, chủ yếu trông chờ vào vụ mùa. Được sự ủng hộ từ gia đình, sự động viên, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, HTX, chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tham gia các mô hình trồng thuốc lá. Hiện, gia đình chị có 10 con bò, 3 con lợn nái sinh sản, trên 20 lợn thịt thương phẩm và gần 100 con gia cầm các loại, mỗi năm có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Giảm nghèo còn nhiều thách thức
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên nhìn chung, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Quảng vẫn còn cao so với bình quân chung của cả nước. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, khó tiếp cận với khoa học công nghệ, đổi mới trong sản xuất kinh doanh.
Trong đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện còn yếu và thiếu, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, đời sống, mức thu nhập của nhân dân vẫn ở mức thấp so với bình quân chung cả tỉnh.
Đi liền với đó là tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra khiến quá trình giảm nghèo gặp nhiều lực cản. Có hộ giảm nghèo thành công nhưng khi gặp thiên tai lại tái nghèo, bởi Hà Quảng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai.

Phát triển HTX phù hợp với điều kiện của người dân huyện Hà Quảng.
Như cơn bão số 3 năm 2024, HTX Trung Thông (xã Lũng Nặm) đã bị thiệt hại trên 120 con gà và lợn do nước lũ cuốn trôi, tổng ước thiệt hại 45 triệu đồng.
HTX Phát triển Dịch vụ nông nghiệp Đường Long, thị trấn Xuân Hòa cũng rơi vào cảnh tương tự khi đường vào khu vực chăn nuôi của HTX bị sạt lở. Đàn vật nuôi gồm gà, vịt, cá trắm bị trôi theo nước lũ hơn 300 con, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Mưa bão khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vì nhà bị ngập úng, sạt lở, tốc mái; lúa và hoa màu bị hư hại...
Thu hút người dân vào HTX
Để hỗ trợ những HTX này, ngay sau cơn bão số 3, Liên minh HTX Việt Nam thông qua Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ gạo cho 65 hộ dân huyện Hà Quảng. Còn Liên minh HTX tỉnh đã trao hỗ trợ, động viên các đơn vị HTX bị thiệt hại.
Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững ở Hà Quảng, ngoài các chính sách chung, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, đồng thời chú trọng phát triển kinh tập thể một cách hiệu quả để nâng cao trình độ dân trí và tạo việc làm cho người dân.
Bởi chỉ khi vào HTX, người dân mới được tiếp cận những cách sản xuất khoa học, dần loại bỏ cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún. Và thực tế cho thấy, nhiều HTX hoạt động hiệu quả ở Hà Quảng đã giúp người dân thay đổi nhận thức vì đây được coi là một loại hình kinh tế năng động, hiệu quả, phù hợp với người dân vùng miền núi. Khi vào HTX, người dân cũng có cơ hội tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, được tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, điều hành HTX.
Theo các nhà chuyên môn, huyện Hà Quảng cần phải tiếp tục đa dạng hóa loại hình và quy mô của HTX. Trong đó, ưu tiên phát triển HTX kiểu mới, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và minh bạch.
Đi liền với đó là phát triển các mô hình HTX chuyên ngành. Tức là HTX tập trung vào một hoặc một vài sản phẩm, dịch vụ cụ thể để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động. Để làm được điều này, huyện nên khuyến khích sáp nhập, hợp nhất HTX nhỏ lẻ để tăng quy mô, sức mạnh và khả năng cạnh tranh.
Nếu làm được như vậy, huyện sẽ nâng cao vai trò tự chủ và trách nhiệm của thành viên HTX, đồng thời phát huy quyền làm chủ của thành viên. Từ đó, tạo dựng môi trường làm việc đoàn kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các thành viên. Đây là những nền tảng để thu hút người dân tham gia HTX và tạo động lực để huyện hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/doi-thay-tren-vung-dat-ha-quang-1105779.html