Đổi thay trên vùng kháng chiến cũ
Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, những địa phương từng là căn cứ địa cách mạng, mang vết tích chiến tranh nay đã 'thay da, đổi thịt', khoác lên mình 'chiếc áo mới'. Đời sống người dân từng bước được nâng cao.
Chuyển mình mạnh mẽ
Do có vị trí quan trọng đối với chiến trường Vùng 6 nói riêng và huyện Mộc Hóa - thị xã Kiến Tường nói chung nên xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa là căn cứ cách mạng của địa phương, tỉnh và Nam Bộ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân xã Thuận Nghĩa Hòa kiên cường, dũng cảm đấu tranh, phối hợp lực lượng vũ trang của tỉnh, của vùng giành nhiều chiến công oanh liệt, điển hình như trận cướp đồn Trà Cú, trận đánh trên kênh Nhơn Xuyên,... góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng, xã Thuận Nghĩa Hòa là vùng đất trắng vì bị tàn phá bởi chất độc hóa học, dân cư thưa thớt. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng thuận của người dân, đến nay, xã có bước chuyển mình mạnh mẽ với những cánh đồng lúa phì nhiêu cùng các loại cây trồng khác như khoai mỡ, khoai mì, chanh, mít, dừa, mai vàng,... đều sinh trưởng tốt. Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đều được quan tâm đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Thuận Nghĩa Hòa - Ngô Trọng Hiếu cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy xã luôn xác định phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. Vì vậy, xã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; giải quyết việc làm, giảm nghèo.
Cùng với đó, UBMTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và chuyển đổi số đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân; định hướng, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, năm 2023, xã triển khai, thực hiện 10 công trình xây dựng cơ bản với tổng số vốn hơn 7,3 tỉ đồng. Phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, xã chú trọng công tác chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2023, xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ tặng hàng trăm phần quà với tổng kinh phí 410 triệu đồng; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng 10 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà tình nghĩa quân dân cho các hộ gặp khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí hơn 652 triệu đồng.
Đất anh hùng vững bước đi lên
Về lại xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi của địa phương sau 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cù Tròn (tên một cù lao kéo dài từ Tân Lục (An Lục Long) đến Phú Tây (Thanh Phú Long) và giáp ranh tỉnh Tiền Giang) từng là căn cứ địa cách mạng của huyện Châu Thành, nổi bật với chiến tích đẩy lùi trận càn của Sư đoàn 7 ngụy.
Tại đây, Trung đội 1 thuộc Đại đội 313 địa phương quân Châu Thành đã làm rạng danh Cù Tròn - đưa vùng đất này đi vào lịch sử. Với 20 chiến sĩ, Trung đội 1 địa phương quân Châu Thành đã đẩy lùi được 3 đợt tấn công của quân địch, đẩy lùi 6 đợt tấn công ác liệt của địch, bẻ gãy trận càn quy mô cấp trung đoàn của Mỹ - ngụy. Với những sự kiện trên, Cù Tròn được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 28/6/1995. Trận đánh này thể hiện quyết tâm lãnh đạo của Đảng bộ, sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Châu Thành, lấy ít đánh nhiều, góp phần bảo tồn lực lượng, phát triển phong trào cách mạng.
Sau chiến tranh, nơi đây trở thành vùng đất cằn cỗi bởi “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã Thanh Phú Long vững bước đi lên. Hiện nay, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu “về đích” xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Đảng bộ xã được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2019-2023), trở thành “điểm sáng” trong công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Long - Võ Thành Hôn thông tin: “Hàng năm, Đảng ủy ban hành nghị quyết với những chỉ tiêu cụ thể, sát thực tế và phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí đảng ủy viên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, trọng tâm là phát triển KT-XH và nâng cao đời sống người dân. Đến nay, 100% tuyến đường giao thông trên địa bàn xã được mở rộng, láng nhựa, bêtông sạch, đẹp. Hệ thống đèn chiếu sáng được phủ kín các xóm, ấp”.
Bên cạnh đó, những mô hình như nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và sản xuất chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của các tổ hợp tác sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 65,26 triệu đồng/năm. Hộ nghèo chỉ còn 0,56%. Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 93,61%. Chất lượng dạy và học luôn đạt thành tích cao, giữ vững tốp đầu của huyện. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được xã tập trung thực hiện tốt. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được duy trì và phát triển. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Khoác " chiếc áo mới"
Trải qua 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa phát huy tinh thần cách mạng, đóng góp xương máu, tiền của, trí tuệ viết nên trang sử hào hùng. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nơi đây là hành lang vận chuyển vũ khí, đạn dược xuống phía Nam Quốc lộ 1 và Sư đoàn Bộ binh 5 chiến đấu ở huyện Thủ Thừa.
Quân và dân trong xã đã tiến công nổi dậy, bao vây đánh phá các đồn, bót của địch. Với những đóng góp ấy, xã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bí thư Đảng ủy xã Nhị Thành - Châu Ngọc Quang chia sẻ: “Khi cách mạng thành công, thực hiện các chủ trương của Đảng, xã bắt tay xây dựng cuộc sống mới, ổn định tình hình, phát triển KT-XH. Phát huy lợi thế, xã có những định hướng chiến lược phù hợp, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, khoác lên mình “chiếc áo mới” và nâng cao đời sống người dân.
Nhị Thành là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa và là xã đầu tiên của huyện Thủ Thừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn xã chỉ còn 19 hộ nghèo (chiếm 0,51%). Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 85%. Các trường học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trạm Y tế xã duy trì đạt bộ tiêu chí quốc gia”.
Tiếp nối truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, những chiến trường ác liệt năm nào trên quê hương Long An đang vững bước phát triển mạnh mẽ. Thành quả ấy là minh chứng cho sự quyết tâm, đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doi-thay-tren-vung-khang-chien-cu-a174200.html