Đổi thay trên vùng quê cách mạng

Xã Triệu An, huyện Triệu Phong là vùng quê cách mạng ghi dấu những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tháng 1/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Thế Tiết, tại thôn Tường Vân đã thành lập chi bộ Đảng. Đây là một trong ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị. Với vai trò và nhiệm vụ cao cả của mình, Chi bộ Đảng Tường Vân đã lãnh đạo phong trào cách mạng trong vùng phát triển mạnh mẽ.

 Tấp nập cảnh mua bán hải sản ở cảng cá Triệu An - Ảnh: N.V

Tấp nập cảnh mua bán hải sản ở cảng cá Triệu An - Ảnh: N.V

Trong kháng chiến chống Mỹ, với vị trí địa lý quan trọng, Mỹ- ngụy âm mưu chiếm giữ vùng đất Triệu An nên không từ bỏ bất cứ thủ đoạn thâm độc nào để đàn áp tinh thần yêu nước của người dân nơi đây. Với khát vọng chiến thắng, quân và dân xã Triệu An nhất tề đứng dậy đánh đuổi giặc ngoại xâm, trong đó có trận chiến đấu năm 1973. Đây là trận chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta đập tan cuộc hành quân lấn chiếm Cửa Việt năm 1973 của quân ngụy Sài Gòn. Chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, trực tiếp góp phần đánh bại âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng Cửa Việt là minh chứng hùng hồn về quyết tâm chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh của các lực lượng vũ trang ta để bảo vệ toàn vẹn vùng giải phóng, bảo vệ cảng Cửa Việt, một vị trí có ý nghĩa chiến lược không những đối với tỉnh Quảng Trị mà còn đối với cả miền Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền xã Triệu An lãnh đạo Nhân dân xây dựng lại nhà cửa, khuyến khích đi xây dựng vùng kinh tế mới, sửa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ khôi phục nghề khai thác đánh bắt hải sản; tìm chọn, bố trí các loại cây trồng phù hợp với vùng cát, tập trung khai hoang phục hóa, cải tạo đồng ruộng; củng cố tổ chức đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, phân công trách nhiệm cho từng đảng viên về phụ trách các thôn để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhờ đó đến nay, xã Triệu An có hơn 100 ha lúa, hàng chục héc ta cây trồng ngắn ngày, hơn 164 ha rừng, trong đó có 35,2 ha rừng tự nhiên. Đặc biệt, với lợi thế là vùng biển, xã Triệu An đẩy mạnh phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Toàn xã có 8 tàu cá công suất trên 400CV, 14 tàu công suất từ 90- 400CV và nhiều loại phương tiện đánh bắt thủy sản gần bờ. Năm 2020, toàn xã khai thác được 1.141 tấn hải sản, trong đó hải sản xuất khẩu 208,3 tấn với tổng giá trị hơn 57 tỉ đồng.

Cùng với phát triển nông- ngư nghiệp, tận dụng lợi thế giao thông thuận lợi lại nằm trong Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền xã Triệu An đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện toàn xã có 8 cơ sở sản xuất nước tinh lọc, nước đá và nhiều cơ sở sản xuất khác như mộc dân dụng, đóng sửa chữa tàu thuyền, nghề xây dựng, may mặc, sản xuất bún, bánh giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Năm 2020, giá trị thu được từ các nghề, ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nhờ đó thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của xã đạt 43,4 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo còn 3,7%, hộ cận nghèo còn 2,5%. Hiện xã đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Triệu An xác định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng xã Triệu An ngày càng giàu đẹp. Theo đó, xã tập trung thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Chú trọng phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa- xã hội; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Để đạt được mục tiêu đề ra, xã Triệu An đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và sản xuất nông nghiệp, du nhập nghề mới phù hợp với ngư trường, đa dạng nghề khai thác thủy sản xa bờ. Quá trình khai thác thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nghiêm cấm việc sử dụng các phương tiện khai thác mang tính hủy diệt. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình tổ tàu thuyền tự quản theo quy mô phân loại công suất, nhóm tàu thuyền hoạt động trên biển. Tiếp tục thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Tập trung đầu tư phát triển đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Chọn vùng nuôi và đưa vào nuôi xen ghép các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao ở các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh; tiếp tục đầu tư xây dựng một số mô hình nuôi cá lồng, bè trên sông.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã Triệu An đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ. Sử dụng đất sản xuất có hiệu quả phù hợp với thời vụ, từng loại cây trồng. Tập trung một số cây trồng có lợi thế như đậu đen xanh lòng, dưa các loại, rau màu tạo thu nhập cho người dân.

Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xã Triệu An khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá để thu mua, chế biến làm mắm, hấp sấy, phơi khô…giải quyết việc làm cho người dân. Bằng các giải pháp và cách làm cụ thể, xã Triệu An phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2023.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155322