Đổi thay từ những nhịp cầu

Xuyên suốt lịch sử, những cộng đồng dân cư ở huyện Đakrông hình thành và phát triển chủ yếu dọc theo sông Đakrông. Những năm trước đây đời sống còn nhiều khó khăn, người dân phải làm những cây cầu tạm bợ để giải quyết nhu cầu đi lại. Việc có một cây cầu kiên cố để đi lại trở thành ước mơ chung của bao thế hệ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các dự án, nhà hảo tâm đã biến ước mơ bao đời của người dân Đakrông thành sự thật. Lần lượt những cây cầu dân sinh kiên cố được xây dựng nối liền đôi bờ trong sự hân hoan, phấn khởi của người dân. Điều đặc biệt từ ngày có những cây cầu bằng bê tông cốt thép vững chắc hỗ trợ giao thông đi lại, người dân Đakrông đã được tạo điều kiện thuận lợi, vượt khó xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp…

 Cầu A Liêng được xây dựng kiên cố mang lại đổi thay cho thôn bản -Ảnh: V.T

Cầu A Liêng được xây dựng kiên cố mang lại đổi thay cho thôn bản -Ảnh: V.T

Thôn A Liêng chỉ nằm cách tuyến đường Hồ Chí Minh gần 1 km nhưng do có dòng sông Đakrông chảy qua trước đường vào trung tâm của thôn nên việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều trở ngại. Trước đây, để khắc phục tình trạng phải lội sông hay đi thuyền, người dân thôn A Liêng phải làm những cây cầu tạm bằng tre, gỗ… Tuy nhiên, việc đi qua cầu cũng rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với các em học sinh, trẻ nhỏ. Đã có nhiều trường hợp do cầu yếu, không cẩn thận, các cháu bị rơi xuống sông, may được người lớn ứng cứu kịp thời. Bao nhiêu công sức đổ ra xây dựng nhưng tuổi thọ của cầu tạm lại quá ngắn, chủ yếu sử dụng được vào mùa nắng nóng, hạn hán. Vào mùa mưa lũ, nước sông Đakrông dâng cao, cây cầu trở nên mỏng manh và dễ dàng bị cuốn trôi theo dòng nước lớn.

Ông Hồ Văn Phiên, người dân thôn A Liêng nhớ lại: “Do sự cách trở về đường sá với bên ngoài nên nhà nào muốn phát triển kinh tế cũng rất khó. Chúng tôi không còn cách nào khác là phải duy trì phương thức sản xuất lạc hậu phát, đốt, cốt, trỉa. Vì vậy, tình trạng đói nghèo, trẻ em thất học ở A Liêng vẫn thường xuyên xảy ra. Bao thế hệ người dân thôn tôi mong muốn một cây cầu bắc qua sông nhưng vẫn chưa có…”.

Cho đến một ngày vào năm 2017, khi nghe tin Đảng, Nhà nước quan tâm khởi công xây dựng công trình cầu A Liêng từ nguồn vốn tài trợ của nước ngoài, người dân xã Tà Rụt hòa chung niềm vui với người dân thôn A Liêng, phấn khởi tập trung chứng kiến sự kiện. Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ Văn Nhiếp cho biết: “Trước thực trạng khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt là thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa lũ của người dân thôn A Liêng nói riêng và các thôn trong xã nói chung, Đảng ủy, chính quyền Tà Rụt đã kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để có hướng quan tâm, hỗ trợ xây dựng cầu kiên cố, giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, năm 2017 xã đã được tài trợ xây dựng 2 công trình cầu A Liêng và cầu Vực Leng với tổng kinh phí 18,6 tỉ đồng. Một năm sau đó, những cây cầu này hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng, chấm dứt tình trạng sử dụng cầu tạm hoặc bị cô lập hoàn toàn mỗi khi mùa mưa lũ ở 2 thôn này ”.

Cùng chung niềm vui với người dân thôn A Liêng, cho đến bây giờ ông Hồ Ai Can sống tại thôn Chân Rò, xã Đakrông vẫn chưa quên được cảm giác hạnh phúc mà ông đã trải qua trong ngày khánh thành cầu Chân Rò. Trong ký ức của ông Ai Can, hàng chục năm trước, nhiều hộ dân đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở xã Đakrông đã vượt sông Đakrông sang vùng đồi núi phía bên kia sông canh tác, sống rải rác. Việc trồng trọt diễn ra thuận lợi nhưng nông sản thu hoạch về để chuyển sang bên kia sông mang đi tiêu thụ lại rất khó khăn và tốn kém, khiến cho bà con tuy làm việc vất vả nhưng không dành dụm được nhiều, cuộc sống khó khăn, đói nghèo vẫn bủa vây khắp bản làng.

Cho đến tháng 9 năm 2018, khi cầu Chân Rò được khánh thành với sự chung tay đóng góp của thính giả Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh; nguồn ATGT và nguồn vốn khác của tỉnh Quảng Trị thì đổi thay đã thực sự đến với bản làng. Ngày khánh thành cầu, mặc dù đã lớn tuổi nhưng ông Ai Can vẫn mang trên mình bộ trang phục đẹp nhất, cùng hòa chung bước chân với người dân bản làng trên từng nhịp cầu Chân Rò bắc qua sông Đakrông. Từ đó đến nay, bản Chân Rò đã có nhiều thay đổi, chi phí vận chuyển nông sản không còn tốn kém nhiều nữa đã giúp người dân có của ăn của để, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Cùng với những cây cầu dân sinh hỗ trợ đi lại cho người dân sinh sống hai bên bờ sông, từ nguồn vốn đầu tư của chương trình huyện 30a, huyện Đakrông đã đầu tư xây dựng đường liên xã Đakrông - Mò Ó - Triệu Nguyên - Ba Lòng và cầu Khe Luồi bắc qua sông Đakrông. Hiện nay, công trình cầu Khe Luồi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, UBND huyện Đakrông đang tiếp tục chỉ đạo nhà thầu thực hiện hạng mục đường liên xã. Đây là công trình nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, xóa đói giảm nghèo hiệu quả; giúp phá thế cô lập của các thôn bản, tránh lũ, cứu hộ cứu nạn cho Nhân dân, kết nối, phát triển các khu du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất phía Nam sông Đakrông, tạo điều kiện thuận lợi để huyện bố trí quy hoạch lại khu dân cư, quy hoạch đất đai phục vụ di giãn dân, đồng thời kích thích phát triển tiềm năng rừng và kinh tế gò đồi phía Tây huyện Đakrông, giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Việc hình thành tuyến đường này có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh nói chung và huyện nói riêng. Khi tuyến đường được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ tạo thêm trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông- Tây qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nhằm tăng cường việc giao thương hàng hóa, kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và ven biển miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông - Bắc Thái Lan. Đồng thời ở vùng trung tâm thị trấn Krông Klang sẽ mở ra hướng phát triển đô thị ven hai bên bờ sông”.

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Đakrông từng bước được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 giảm còn 16,4% vào cuối năm 2021, quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị ổn định. Việc đi lại, buôn bán, làm ăn, lưu thông hàng hóa hết sức thuận lợi. Nhiều hộ dân đã có quyết tâm thoát nghèo, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước góp phần mang lại sự phát triển cho quê hương.

Minh Sáu - Minh Hiển

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163631&title=doi-thay-tu-nhung-nhip-cau