Đổi thay tuyến y tế cơ sở

Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhiều dự án xây mới, cải tạo bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM tưởng như 'ngủ quên', nay đã 'thay da đổi thịt', giúp đội ngũ thầy thuốc yên tâm công tác, đặc biệt công tác khám chữa bệnh cho người dân ngày một tốt hơn.

Giấc mơ thành hiện thực

Ngày 30-5, BV huyện Nhà Bè đang hối hả hoàn thiện các công đoạn xây lắp cuối như thảm nhựa đường vào, lát gạch nền khu vực sảnh, bậc thang lên xuống, khu vực nhà để xe, khu tiểu cảnh, cây xanh… Bước ra từ khoa Khám bệnh, ông Nguyễn Thái N. (68 tuổi, ngụ xã Phước Kiển) cho biết, trước đây trang thiết bị BV rất cũ kỹ, người bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên, vất vả.

“Tôi theo dõi từ lúc BV khởi công xây mới đến nay mới chỉ hơn 1 năm, nhưng tốc độ xây dựng rất nhanh, giờ nhìn phía ngoài đã khang trang và hiện đại. Chúng tôi sẽ không còn phải vất vả ngược về trung tâm thành phố để khám chữa bệnh nữa”, ông N. nói.

 BS CKI Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, TPHCM, thăm hỏi bệnh nhân

BS CKI Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, TPHCM, thăm hỏi bệnh nhân

Nằm trên giường bệnh với ống kim, dây chuyền chằng chịt trên tay, ông Lê T.B. (73 tuổi, ngụ xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) kể, 5 năm phát hiện suy thận cũng là 5 năm ông đều đặn đến BV Đa khoa khu vực Hóc Môn chạy thận.

“Trước kia tuần 3 ngày phải vào BV chạy thận, tôi rất ngán. Sợ nhất là khi vào mùa mưa, mưa lớn, BV ngập nước, nhân viên y tế phải xắn quần, mang ủng, lội nước cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Người bệnh bị trượt, té ngã như cơm bữa. Giờ nằm chạy thận trong căn phòng như ở khách sạn, tôi thấy như sức khỏe tốt lên”, ông Lê T.B. nói.

Gần 20 năm gắn bó với khoa Nội thận lọc máu, BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, Trưởng khoa, BS CKI Nguyễn Thanh Hoàng chứng kiến bao sự chuyển mình của BV. Từ cơ sở vật chất xuống cấp, đến nay BV đã khang trang, rộng rãi.

BS CKI Nguyễn Thanh Hoàng cho biết: “Mỗi khi bước vào mùa mưa, tôi rất lo máy móc dễ bị hư, ảnh hưởng hệ thống điện, nhất là ảnh hưởng đến bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Có thời điểm, đơn vị phải chấp nhận để người bệnh cực nhọc về các BV tuyến trên chạy thận, tôi rất buồn. Giờ thì mọi chuyện đã là quá khứ, chúng tôi đang nỗ lực điều trị chăm sóc cho gần 130 bệnh nhân chạy thận định kỳ, khi máy móc trang thiết bị hiện đại hơn được lắp ráp, khoa sẽ tiếp nhận, điều trị 300-400 lượt người chạy thận/ngày”.

Xây dựng bệnh viện xứng tầm với sự đầu tư của thành phố

Cuối năm 2022, BV huyện Nhà Bè, TPHCM được khởi công xây dựng mở rộng trên khu đất có diện tích 3,1ha, sát bên BV cũ. Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng gần 22.000m2, gồm tòa nhà 5 tầng hiện đại, tiện nghi với quy mô 200 giường (nâng tổng số thành 300 giường), tổng mức đầu tư trên 460 tỷ đồng (170 tỷ đồng đầu tư cho trang thiết bị).

Không thể diễn tả hết niềm vui của đội ngũ thầy thuốc BV huyện Nhà Bè, bởi trước đó phải mất 12 năm đeo bám, dự án xây dựng mở rộng BV mới được triển khai.

BS-CKII Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc BV huyện Nhà Bè, phấn khởi chia sẻ, BV hiện có quy mô 110 giường bệnh với 4 phòng chức năng, 13 khoa gồm: khoa Khám bệnh; Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc; Liên chuyên khoa (Răng hàm mặt - Mắt - Tai mũi họng); Nội tổng hợp; Y, dược cổ truyền; Nhi; Ngoại tổng quát, Phụ sản; Dinh dưỡng - tiết chế và 4 khoa Cận lâm sàng: Chẩn đoán hình ảnh, Dược, Xét nghiệm, Kiểm soát nhiễm khuẩn. Mỗi ngày, có 800-900 lượt người dân tới BV khám chữa bệnh, trong đó tỷ lệ nhập viện điều trị nội trú chủ yếu là người cao tuổi và bệnh nhi, chiếm khoảng 10%.

Với sự nỗ lực vượt khó của liên doanh Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Thái Sơn - Công ty TNHH Hoàng Khương, dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn tất công tác xây lắp, BV sẽ chuyển một số khoa phòng như Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Phụ sản, Ngoại tổng quát, Nội tổng quát, Nhi, Mổ gây mê, Tim mạch, khu cận lâm sàng; song song đó là triển khai công tác đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế… Khi hoàn thiện các khâu, BV sẽ thành lập thêm một số khoa mới như khoa Gây mê - Hồi sức; Chấn thương chỉnh hình; Truyền nhiễm; Phổi thận; Hồi sức tích cực - chống độc; Tim mạch - Nội tiết; Hô hấp - Tiết niệu - Thận; Nội cơ xương khớp; Lão; Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng và khu vực nội trú Liên chuyên khoa.

BS-CKII Nguyễn Đình Anh Giang, Phó giám đốc BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, cho biết, sau nhiều tháng gấp rút triển khai, đến cuối năm 2023, BV mới với công suất 500 giường bệnh (giai đoạn 1), cơ bản hoàn thành 3 khối nhà cao 12 tầng (tổng diện tích sàn 70.000m2) chất lượng cao; có khối phòng khám, các khoa chuyên sâu với thiết bị y tế tiên tiến, trong đó có 20 phòng mổ hiện đại. Tổng mức đầu tư 1.895 tỷ đồng (chưa tính gói trang thiết bị 1.491 tỷ đồng). BV có bãi đáp trực thăng trên tầng 12 để đáp ứng yêu cầu cấp cứu hàng không. Để tạo điều kiện tốt cho bệnh nhân và công tác điều trị, hiện một số khoa, phòng đã chuyển về tòa nhà mới hoạt động với hệ thống phòng ốc hiện đại.

“Sau nhiều năm mong chờ, chúng tôi đã dần có được một cơ sở khang trang để phục vụ người dân; nhân viên y tế có điều kiện làm việc tốt hơn, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Thời gian tới, BV sẽ đẩy mạnh, phát triển một số chuyên khoa sâu về cấp cứu, chấn thương; Nội - Tim mạch và khoa Lão”, BS Giang khẳng định.

BS-CKII Nhan Tô Tài, Giám đốc BV Quận 12, TPHCM, cho biết, năm 2019, UBND quận 12 khởi công xây mới, nâng cấp BV Quận 12 (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Dự án có quy mô 300 giường bệnh, gồm phần xây dựng mới (khối nhà M, 11 tầng) và cải tạo toàn bộ BV cũ, đầu tư mới, hiện đại trang thiết bị y tế và thiết bị văn phòng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công trình không kịp hoàn thành tiến độ đề ra, mãi đến năm 2023 mới hoàn chỉnh các hạng mục, đưa vào sử dụng, vận hành toàn bộ công năng. Dù chậm nhưng BV được xây mới với trang thiết bị hiện đại, qua đó giúp BV tiếp nhận 1.500-2.000 lượt người khám chữa bệnh/ngày.

QUANG HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-thay-tuyen-y-te-co-so-post742485.html