Đội thiện nguyện TP. HCM: Động lực để tiếp tục hành trình này, chỉ có một chữ 'thương'

Gần 4 tháng qua, các thành viên của một nhóm thiện nguyện vẫn ngày ngày khoác lên mình chiếc áo bảo hộ, lên đường chuẩn bị những phần ăn miễn phí, thực phẩm cho người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn, tại khu cách ly và bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố.

Chị Phùng Vũ Uyên (39 tuổi, người sáng lập nhóm Quy tụ các nhóm Thiện Nguyện Sài Gòn) cho biết, thật ra, nhóm thiện nguyện không có tên chính thức vì đây là nơi quy tụ của khoảng 300 đại diện các đội thiện nguyện khác nhau ở TP. HCM

Đội thiện nguyện "không tên" đã hỗ trợ rất nhiều phần quà, suất ăn, thực phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến...

Bài liên quan

Gia đình 3 thế hệ là “cựu F0”, một thành viên xung phong làm thiện nguyện “trả ơn đời”

Cá nhân, tổ chức hoạt động thiện nguyện có cần xin giấy đi đường, ai được phép cấp?

Bí thư 8X “nghiện” thiện nguyện, mong ước định hướng tư duy đổi mới cho giới trẻ

Miễn phí vận chuyển nhu yếu phẩm thiện nguyện từ Vĩnh Phúc vào TP. HCM

“Ví dụ như một khu vực có nhiều hộ dân cần hỗ trợ thì chúng tôi sẽ thông báo lên nhóm chat chung, cứ đội nào giúp được thì sẽ chủ động liên hệ và chuẩn bị. Các thành viên còn lại sẽ hỗ trợ thêm một ít gạo, rau hay thậm chí là một số thành viên của đội khác cũng tham gia. Chúng tôi không phân biệt đây là đội nào, thành viên này của bên ai. Chúng tôi có chung một định hướng chính là giúp đỡ mọi người. Mọi người trong nhóm đều hỗ trợ nhau và chủ động làm việc”, chị Uyên nói.

Nhóm hoạt động có chung chí hướng là giúp đỡ mọi người, không phân biệt các đội với nhau mà luôn hỗ trợ lẫn nhau.

Đến đầu tháng 7, chứng kiến sự tàn khốc của dịch Covid-19, nhiều người mất vì không qua khỏi, một số thành viên đã lên ý tưởng thành lập thêm một đội mai táng lấy tên "Trại hòm 3 cô gái". Đội mai táng này do chị Trần Vân Anh, chị Vũ Uyên và chị Viola V Nguyen quản lý, với sự tham gia của sư thầy Khánh Lê, sư thầy Phan Huy Dương cùng một số thành viên khác.

Đội không chỉ hỗ trợ riêng cho những người mất vì Covid-19 và mà còn cho những người mất vì những nguyên nhân khác. Do kinh phí không cho phép nên nhóm đã tự đóng hòm để giảm chi phí mua từ bên ngoài. Ngoài ra, nhóm còn tính tới chuyện sẽ đặt hòm làm bằng carton, tận dụng những nguồn hàng từ các thành viên như hạt nhựa, để có thể tự chủ trong việc sản xuất túi tử thi.

Tuy nhiên, đến giai đoạn mai táng và thiêu xác người mất, nhóm gặp khó khăn về thủ tục thiêu và địa điểm thiêu. Số người mất vì Covid-19 nhiều khiến cho việc giải quyết mai táng và thiêu xác bị quá tải.

Nhận thấy có quá nhiều người mất vì Covid-19, đội đã lên ý tưởng thành lập thêm một nhóm phụ trách mai táng miễn phí.

“Hôm đó có một thành viên gửi tấm ảnh khiến chúng tôi như lặng đi. Hai bé gái quỳ trước xác của mẹ và bà ngoại mất vì Covid-19 và cả hai tử thi này không kịp đem thiêu vì quá tải. Lúc đó chúng tôi đã cùng ngồi lại và quyết định thuê 10 container lạnh để trữ xác. Sau khi hoàn tất thủ tục tẩm liệm, thiêu xác, chúng tôi đem tro cốt về chùa hoặc trả về cho gia đình ”, chị Uyên chia sẻ.

Thời gian đầu, nhóm chưa có kinh nghiệm mai táng do chưa từng tiếp xúc với công việc này. Dần về sau, các thành viên tự học hỏi và hướng dẫn cho nhau về thủ tục mai táng.

Với tính chất hoạt động 24/7, nhóm dường như không nghỉ ngơi lúc nào bởi các thành viên hiểu rõ còn rất nhiều người cần được giúp. Các tình nguyện viên có người chỉ mới 18, 20 tuổi, chưa từng có kinh nghiệm tiếp xúc với công việc mai táng.

“Có hôm một bạn tình nguyện viên lái xe đến lò thiêu Bình Hưng Hòa để chờ thiêu xác. Vì quá đông nên bạn đó phải chờ đến nửa đêm. Bụng thì đói, phía sau bạn là 6 cái xác đang chờ được thiêu. Thấy thương lắm, bạn phải vào nhà dân để xin gói mì, ngồi ăn cho đỡ đói. Chúng tôi tự tìm hiểu về cách mai táng rồi hướng dẫn cho nhau, dần về sau các bạn quen và tự làm được”, chị Uyên kể.

Đối với đội thiện nguyện, động lực lớn nhất để tiếp túc chính là chữ 'thương' - thương yêu lẫn nhau và thương yêu những người xung quanh.

“Động lực để tiếp tục hành trình này, chỉ có một chữ ‘thương’. Thương yêu lẫn nhau, thương yêu những người xung quanh. Nhiều lúc tôi tự hỏi ‘tại sao tôi phải làm chuyện này?’, ‘tại sao ngày nào tôi cũng phải nghe chuyện người ta mất?’. Nhưng cũng chỉ vì chữ thương đó mà chúng tôi chọn tiếp tục. Có hôm chúng tôi nhìn thấy cảnh tử thi lâu không được mai táng, thối rữa, chúng tôi không kiềm được mà bật khóc, quá đau thương. Khi nào chúng tôi dừng lại? Khi chúng tôi hết thương người ta, hết nhìn thấy cảnh khổ", chị Uyên nói.

Dù trải qua khá nhiều khó khăn và mệt mỏi do cường độ làm việc cao, thế nhưng, dường như trên gương mặt của các tình nguyện viên luôn tràn đầy sự hi vọng, lạc quan. Chị Vũ Uyên cho biết, sự yêu thương lẫn nhau chính là một trong những thứ có thể chiến thắng dịch bệnh.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-thien-nguyen-tp-hcm-dong-luc-de-tiep-tuc-hanh-trinh-nay-chi-co-mot-chu-thuong-post156022.html