Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới: Động lực để phục hồi toàn diện

Nhận lời mời của Chủ tịch điều hành và nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - Giáo sư Klaus Schwab, hôm nay (29-10), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến với chủ đề 'Tăng cường quan hệ đối tác công - tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo'.

Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô lớn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, đối thoại được kỳ vọng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi đầu tư, đồng thời huy động nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển; phương hướng triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ), WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới. Sự kiện quan trọng nhất của WEF là hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 tại Davos (Thụy Sĩ). Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực như: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN…

Tham gia vào WEF từ năm 1989 đến nay, Việt Nam luôn coi trọng nền tảng hợp tác với diễn đàn kinh tế có uy tín hàng đầu thế giới này bởi những sáng kiến mà cả WEF và Việt Nam cùng đóng góp, đã góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hợp tác giữa Việt Nam và WEF cũng được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị WEF Davos cũng như các hội nghị khu vực về Đông Á và ASEAN.

Trong 15 năm trở lại đây, Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức nhiều sự kiện kinh tế - đối ngoại lớn như Hội nghị WEF Đông Á (năm 2010), Hội nghị WEF Mê Kông (năm 2016). Đặc biệt, Hội nghị WEF ASEAN (năm 2018) tại Việt Nam được đánh giá là thành công nhất trong các hội nghị cấp khu vực của WEF. Diễn ra trong bối cảnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng sâu sắc, hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế, đặc biệt là sự tham dự của số lượng chưa từng có các lãnh đạo cấp cao trong khu vực và trên thế giới bao gồm 7 tổng thống, thủ tướng và gần 50 bộ trưởng.

Trong hợp tác, các bộ, ngành của nước ta đã tận dụng được thông tin, nguồn lực chuyên gia của WEF về các vấn đề mà tổ chức này có thế mạnh, đặc biệt trong nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, tháng 8-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông và WEF đã ký kết Bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 và liên kết trung tâm này với mạng lưới các trung tâm trên thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng WEF đã ký kết Ý định thư liên quan đến xử lý rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung hỗ trợ triển khai Chương trình hợp tác đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”…

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF một lần nữa cho thấy vai trò của Việt Nam tại khu vực cũng như trên thế giới, đồng thời khẳng định thông điệp: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1015870/doi-thoai-chien-luoc-quoc-gia-viet-nam-va-dien-dan-kinh-te-the-gioi-dong-luc-de-phuc-hoi-toan-dien