Đối thoại chính sách: Lấp 'khoảng trống' kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Chăn nuôi và giết mổ tập trung, công nghiệp có vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đây là chủ trương lớn được khuyến khích phát triển, tuy nhiên hoạt động này hiện vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Dù có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chính sách để đầu tư hoặc nếu có thì hoạt động cầm chừng… Vậy thực tế hiện nay ra sao? Nguyên nhân nào khiến cho hoạt động này chưa được như kỳ vọng? Cần có cơ chế nào để thúc đẩy giết mổ tập trung, công nghiệp, hướng tới ngành chăn nuôi hiện đại?

Để cùng bàn luận vấn đề này, trong chương trình hôm nay, chúng tôi mời tới trường quay 2 khách mời.

Xin trân trọng giới thiệu:

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

Ông ĐÀO QUANG VINH, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh

Việt Nam hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn, với 2,5 triệu con trâu, 6,53 triệu con bò, 558 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đang còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến nay cả nước mới có 345 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Nhưng số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cả nước vẫn còn tới 24.654 cơ sở, điều đáng nói là hiện tại các cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Trong khi số lượng cơ sở giết mổ nhiều nhưng chưa được kiểm soát, số cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngừng hoạt động hoặc cầm chừng và trở nên “yếu thế” trước giết mổ nhỏ lẻ vì nhiều vướng mắc.

Phần lớn các cơ sở này hoạt động vẫn chưa hết công suất thiết kế, khoảng 40-50% … do người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen sử dụng thịt tươi để chế biến và giá thành sản phẩm của các cơ sở tập trung cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20 - 30%).

Ngoài ra, một trong những khó khăn nội tại là cơ chế. Luật Thuế giá trị gia tăng số 13 năm 2008 quy định sản phẩm sơ chế trong trồng trọt, chăn nuôi chưa chịu thuế này. Đến năm 2016, Luật này sửa đổi lại áp thuế 5% với sản phẩm chế biến bán cho người dân. Như vậy, người giết mổ tập trung công nghiệp vừa chịu chi phí đầu tư cao, lại gánh thêm thuế khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc phòng Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/doi-thoai-chinh-sach-lap-khoang-trong-kiem-soat-giet-mo-gia-suc-gia-cam-238798.htm