Đối thoại chủ nhật: Nghiên cứu các giải pháp bảo đảm nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua thời kỳ cao điểm của hạn hán, xâm nhập mặn.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp, nghiên cứu các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, cung cấp nước ngọt cho các địa phương vùng ĐBSCL; nhất là hai tỉnh Bến Tre và Cà Mau đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã có cuộc trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này, đặc biệt khi lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất ý tưởng chuyển nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã đề xuất ý tưởng chuyển, dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre, liệu ý tưởng này có khả thi?

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: NGUYỄN NGHINH XUÂN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: NGUYỄN NGHINH XUÂN

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Khi chúng tôi làm việc với tỉnh Bến Tre, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất ý tưởng này. Ý tưởng dẫn nước về cho Bến Tre và Tiền Giang chúng tôi đang nghiên cứu, nhưng chuyển nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre tại thời điểm này thì chưa thực hiện. Lý do thứ nhất: Về nguồn nước cho khu vực này, dù có thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa nhưng nước sông Đồng Nai cung cấp cho TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... hiện đang bị thiếu (nước cho các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai hiện thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước/năm). Quy hoạch thủy lợi trong thời gian tới sẽ tính toán các giải pháp dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Khu vực này còn đang bị thiếu nước thì không thể chuyển nước được. Lý do thứ hai: Hiện nay, chúng ta đã và đang có những giải pháp khác để cung cấp nước cho Bến Tre. Dự án ODA của Nhật đang triển khai có thể xong trong năm 2024 hoặc sang năm 2025 cơ bản sẽ giải quyết được nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt khu vực Bắc Bến Tre. Riêng đối với khu vực Nam Bến Tre sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để xây dựng cống Vàm Thơm, Vàm Nước Trong. Các cống này khi hoàn thành sẽ cung cấp nước cho khu vực Nam Bến Tre. Như vậy, đối với Bến Tre, chúng ta chưa cần phải nghiên cứu giải pháp chuyển nước từ sông Đồng Nai về.

PV: Mùa khô không chỉ gây thiếu nước ngọt mà còn gây sụt lún ở một số địa phương trong khu vực ĐBSCL, đặc biệt là Cà Mau. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện các địa phương ở khu vực ĐBSCL đang ở cao điểm của hạn hán, xâm nhập mặn hằng năm. Việc thiếu nước ở Cà Mau khác các địa phương khác là do không có nguồn nước bổ sung, chủ yếu là tích nước mưa. Do đó, Cà Mau cần phải có giải pháp khác. Ở thời điểm này, huyện Trần Văn Thời đang bị sụt lún rất nghiêm trọng.

Lý do chủ yếu là từ đầu năm đến giờ không có mưa, kết hợp nắng nóng kéo dài, lượng nước tích trữ lại bị bốc hơi nhanh, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, gây sụt lún. Đây là vấn đến lớn. Chúng tôi đã đề nghị huyện Trần Văn Thời nên chuyển đổi từ hai vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm. Chỉ như vậy khi đến mùa hạn mặn mới có thể đưa nước mặn vào nuôi tôm, đến mùa mưa mới trồng lại lúa. Chuyển đổi một vụ lúa, một vụ tôm ở khu vực này vừa ổn định được sản xuất lại hạn chế được sụt lún, giúp thu nhập của người dân tăng lên.

Cống đập Ba Lai, Bến Tre. Ảnh: NGỌC HÀ

Cống đập Ba Lai, Bến Tre. Ảnh: NGỌC HÀ

PV: Đâu là giải pháp căn cơ, lâu dài cung cấp nước ngọt cho Cà Mau, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đối với tỉnh Cà Mau, điều chắc chắn là chúng ta phải chuyển nước từ nơi khác về cho địa phương này. Bởi vì Cà Mau không có nguồn nước nào cả. Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu, cân nhắc các giải pháp tổng thể, phù hợp, trong đó có giải pháp xây dựng cống âu thuyền Tắc Thủ để ngăn nước mặn chảy từ Biển Đông vào Cà Mau. Khi cống âu thuyền Tắc Thủ xây dựng xong thì huyện Trần Văn Thời có thể tích trữ được nước ngọt. Mặt khác, xây dựng phương án chuyển nước từ hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé qua sông Chắc Băng; chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau.

Để bảo đảm tính khả thi cho phương diện này, trước mắt, chúng tôi phối hợp với tỉnh Cà Mau sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn để xây dựng cống âu thuyền Tắc Thủ. Giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu để chuyển nước qua sông Chắc Băng từ Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau. Việc chuyển nước từ nơi khác về cho tỉnh, Bộ NN-PTNT đã nghiên cứu và thấy hoàn toàn có thể thực hiện được. Như vậy, với yếu tố kỹ thuật đã bảo đảm nhưng vấn đề còn lại là giá thành nước thì cần phải tiếp tục cân nhắc. Bởi khi chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé qua sông Chắc Băng; từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau thì giá thành sẽ cao, vì phải bơm nước. Bởi thế, ngoài các phương án về kỹ thuật, chúng ta cũng cần phải cân nhắc nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở khu vực này sao cho phù hợp, hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

NGUYỄN KIỂM (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-nghien-cuu-cac-giai-phap-bao-dam-nuoc-ngot-vung-dong-bang-song-cuu-long-770715