Đối thoại chủ nhật: Tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho các địa phương ven biển

Dự án 'Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam' (dự án GCF) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Chính phủ Việt Nam triển khai tại 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau từ năm 2017 đến nay đã hoàn thành.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam về hiệu quả của dự án.

Phóng viên (PV): Dự án GCF triển khai tại Việt Nam với mục tiêu gì, thưa bà?

 Bà Ramla Khalidi.

Bà Ramla Khalidi.

Bà Ramla Khalidi: Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai gồm bão, siêu bão và lũ lụt. Hằng năm, thiên tai gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, riêng thiệt hại về kinh tế chiếm khoảng 15% GDP. Việt Nam cũng là quốc gia chịu nhiều tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Vì vậy, dự án GCF được xây dựng với mục tiêu chính tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển trước những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Dự án gồm 3 hợp phần, đó là xây dựng nhà an toàn chống bão, lũ; hồi phục rừng ngập mặn và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho người dân.

PV: Mục tiêu của dự án là xây dựng 4.000 ngôi nhà an toàn, tái sinh 4.000ha rừng ngập mặn, 20.000 người được tiếp cận thông tin cảnh báo rủi ro thiên tai. Tuy nhiên kết quả dự án đạt được đã vượt xa, bà có thể chia sẻ rõ hơn về những thành tựu của dự án?

Bà Ramla Khalidi: Chúng tôi rất tự hào về kết quả của dự án với 4.966 ngôi nhà an toàn đã được xây dựng, 4.260ha rừng ngập mặn được tái sinh, hơn 62.000 người có cơ hội tiếp cận thông tin cảnh báo rủi ro thiên tai.

Thực hiện hợp phần xây dựng nhà an toàn, tại mỗi địa phương, chúng tôi điều chỉnh mô hình nhà phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân. Ví dụ, tại Thanh Hóa, nhà được thiết kế một gác lửng cao hơn mực nước lũ tối đa được ghi nhận, trên đó có cửa sổ lớn sử dụng như lối thoát khi cần di tản trong lũ lụt. Còn ở Cà Mau lại chịu nhiều ảnh hưởng của gió, mưa, triều cường nên nhà an toàn được thiết kế với hai mẫu: Nhà trên nền đất, độ nền cao 0,3m so với mặt đất; nhà có trụ đỡ được xây dựng cách 1,5m so với mặt đất. Những ngôi nhà chúng tôi xây dựng đã trải qua nhiều cơn bão nhưng vẫn vững chắc, bảo đảm an toàn cho người dân.

Với 4.260ha rừng ngập mặn được phục hồi, đây chính là các thành lũy chống lại những cơn bão và lũ lụt sắp tới, là trung tâm đa dạng sinh học quan trọng, tạo ra hệ sinh thái phong phú, từ đó hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương. Việc tận dụng các hệ sinh thái mà rừng ngập mặn tạo ra mang lại nhiều lợi ích kinh tế lâu dài cho các cộng đồng sống dựa vào nó như phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và cơ hội thu nhập từ giao dịch tín chỉ carbon. Theo ước tính của chúng tôi, khoảng 1,2 triệu tấn carbon đã được lưu trữ nhờ dự án, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tiến tới phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Trong tương lai, chúng ta có thể hướng tới việc định lượng, xác minh và định giá lượng carbon đã lưu trữ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thể giao dịch tín chỉ carbon trên các thị trường quốc tế, tạo ra nguồn tài chính có thể được tái đầu tư vào việc phục hồi môi trường, hỗ trợ các mục tiêu bền vững.

Dự án cũng hỗ trợ cộng đồng cư dân của nhiều tỉnh, thành phố ven biển tiếp cận với thông tin về khí hậu, tiếp nhận cảnh báo rủi ro thiên tai thông qua 24 trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm được lắp đặt.

Dự án GCF giúp nhiều héc-ta rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau được phục hồi. Ảnh: DUY QUANG

Dự án GCF giúp nhiều héc-ta rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau được phục hồi. Ảnh: DUY QUANG

PV: Trong 3 hợp phần dự án, hợp phần nào theo bà là quan trọng nhất cho công cuộc phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững?

Bà Ramla Khalidi: Tôi nghĩ ý tưởng chính của dự án là tạo ra một hệ sinh thái với 3 thành phần tích hợp chặt chẽ. Không thể nói rằng hợp phần nào quan trọng hơn cả, tất cả hợp phần đều quan trọng theo cách riêng. Nhà ở an toàn có thể bảo vệ người dân và cung cấp nơi trú ẩn trong cơn bão là yếu tố cốt lõi để xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Rừng ngập mặn khỏe mạnh là để bảo vệ cộng đồng khỏi bão, lũ và cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho Việt Nam. Còn hệ thống cảnh báo sớm là rất cần thiết để người dân có thể chuẩn bị kịp thời trước thiên tai. Vì vậy, cả 3 đều rất quan trọng giúp xây dựng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

LA DUY (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-bien-doi-khi-hau-cho-cac-dia-phuong-ven-bien-791972