Đối thoại để xây dựng chính sách phù hợp

Chiều 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2024 lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ ngành Trung ương (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước), Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo một số tỉnh thành Việt Nam và các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Võ Văn Hoan cho biết, Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 – năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh.

“Để chuyển đổi công nghiệp thành phố thành công, ngoài nỗ lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương. Chính vì vậy, phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP, Hồ Chí Minh 2024 hôm nay, là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền Thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải pháp để xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước”, ông Hoan nói.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính khẳng định sẽ hoàn thiện các thể chính sách cho phù hợp thực tiễn

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính khẳng định sẽ hoàn thiện các thể chính sách cho phù hợp thực tiễn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh quy mô ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế. Chủ đề của Diễn đàn về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rất rộng và cũng là tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của TP. Hồ Chí Minh; là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế. Đây là cơ hội để chúng ta trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau; tiến tới hợp tác, cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động…

Giải đáp thắc mắc về vấn đề chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuuyển đổi nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng là: Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. Đây là 2 quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ ban ngành trả lời trong phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024

Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ ban ngành trả lời trong phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tới Chính phủ và rà soát các quy định hiện hành liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh. Tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ trình Thủ tướng sớm cho thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”, ông Phương nói.

Nói thêm về những chính sách này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Chúng ta phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản... và đang xây dựng nhiều luật khác. Trong kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, số lượng luật thông qua và thảo luận là nhiều nhất từ trước tới nay…

Về kế hoạch chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp có nhóm hỗ trợ cho các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất.; Và cũng có những hỗ trợ về hình thành, phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong chuỗi sản xuất tuần hoàn...“Chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những chế độ hỗ trợ về tín dụng xanh rất cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí xác định các dự án xanh để các dự án có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ ở trong nước. Xây dựng chính sách mua sắm công xanh để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn”, ông Thành cho biết.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trả lời những thắc mắc liên quan đến chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp chuyển đổi

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trả lời những thắc mắc liên quan đến chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp chuyển đổi

Với thắc mắc về chính sách về tín dụng đối với các doanh nghiệp chuyển đổi, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, ngành Ngân hàng luôn hỗ trợ cho lĩnh vực ưu tiên, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo dõi tình hình trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp, với tinh thần là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng nhất để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về các lĩnh vực ưu tiên, ngành Ngân hàng cũng đã có các chương trình, chính sách tín dụng dành cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có các doanh nghiệp áp dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số. Các vực ưu tiên đã, đang được ngân hàng áp dụng mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường.

“Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh trong 5 năm qua tăng trưởng bình quân 22%/năm. Như vậy là gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân chung của toàn Ngành. Đó là một minh chứng cho thấy sự hỗ trợ của Ngân hàng cho các lĩnh vực ưu tiên và đã phát huy hiệu quả trên thực tế”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Phát biểu kết thúc diễn đàn đối thoại chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành một thành phố văn minh, nhân dân luôn được hạnh phúc, ấm no hơn trước; phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường. Chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…

Thủ tướng cho rằng muốn làm được điều này, phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, cùng với đó, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh.

Về trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành, phải xây dựng thể chế cùng TP. Hồ Chí Minh; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố. Thủ tướng Chính phủ mong các đối tác ủng hộ TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam về ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…

“Việt Nam cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trốn thuế…” Thủ tướng khẳng định.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doi-thoai-de-xay-dung-chinh-sach-phu-hop-155988.html