Đối thoại điểm với người lao động: thông qua 5 phúc lợi cho lao động nữ

Ngày 16/9, tại Công ty TNHH Tư vấn y dược Quốc tế IMC - khu Công nghiệp Quang Minh, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đối thoại điểm về đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thu Phương; Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cùng đại diện Ban Nữ công LĐLĐ TP...

Chia sẻ về kết quả hoạt động, tổ chức đối thoại với người lao động, Phó Tổng Giám đốc Công ty IMC Hà Hồng Phúc cho biết, công ty có hơn 200 lao động trong đó có 139 lao động nữ (chiếm hơn 70%); hoạt động đối thoại được công ty tổ chức thường niên và khá hiệu quả. Thông qua hội nghị đối thoại, lãnh đạo công ty đã thường xuyên nắm bắt, lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng của người lao động và có những điều chỉnh, bổ sung để phúc lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ngày một tốt hơn.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Hải Yến

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Hải Yến

Tại buổi đối thoại điểm, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty IMC đã đề xuất, kiến nghị 5 nội dung với đại diện người sử dụng lao động sau quá trình thu thập, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của người lao động ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh, văn phòng.

Cụ thể, phía Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty đề xuất mức hỗ trợ cho người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi với mức 200.000 đồng/tháng/cháu; tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe, kỹ năng mềm cho lao động; có chính sách hỗ trợ đóng BHYT/BHXH cho lao động nữ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ bảo hiểm sức khỏe cho lao động nữ; tổ chức khám sức khỏe chuyên sâu bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ.

Với tinh thần nghiêm túc, cởi mở, dân chủ, đại diện người lao động và người sử dụng lao động Công ty IMC đã cùng thảo luận, trao đổi, đối thoại để cân nhắc, xem xét chi tiết từng nội dung đề xuất cũng như bàn bạc cách thức triển khai sao cho hiệu quả nhất.

Ban lãnh đạo công ty IMC cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động, song hướng đến giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là người lao động nên trước những nguyện vọng, đề xuất của người lao động, Ban lãnh đạo Công ty đã cân nhắc, xem xét giữa thực tế sản xuất, kinh doanh, đầu tư của và các kế hoạch, mục tiêu chiến lược trong thời gian tới; đồng thời, nghiên cứu, trao đổi và căn bản thống nhất với 5 đề xuất mà Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đưa ra tại hội nghị đối thoại.

Đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và Ban lãnh đạo Công ty IMC ký kết biên bản đối thoại

Đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và Ban lãnh đạo Công ty IMC ký kết biên bản đối thoại

Theo đó, Ban lãnh đạo công ty IMC nhất trí mức hỗ trợ cho người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Mức hỗ trợ là 100.000 đồng/tháng/cháu, áp dụng từ năm 2025.

Tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, kỹ năng mềm… cho lao động nữ 1 năm/lần.

Có chính sách bố trí công việc hợp lý để hỗ trợ đóng BHYT/BHXH 6 tháng cho lao động nữ có bệnh hiểm nghèo hoặc điều trị dài ngày phải nghỉ ở nhà.

Mua bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt cho lao động nữ có thời gian gắn bó với Công ty trên 5 năm tùy theo vị trí công việc để được tăng quyền lợi khám chữa bệnh. (Gói mua bảo hiểm theo chương trình của Bảo Việt).

Ngoài tổ chức khám chuyên khoa phụ sản định kỳ cho lao động nữ 1 năm/1 lần, sẽ khám một số chỉ tiêu chuyên sâu cho nữ như: siêu âm tuyến giáp, tầm soát ung thư, khám và tư vấn sức khỏe tâm lý sau sinh hoặc nuôi con nhỏ như đánh giá mức độ stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ và các rối loạn tâm lý khác… theo kế hoạch hàng năm của Công ty và Ban chấp hành Công đoàn.

Nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện sẽ trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2025.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-thoai-diem-voi-nguoi-lao-dong-thong-qua-5-phuc-loi-cho-lao-dong-nu.html