Đối thoại, giải đáp kiến nghị của công nhân, người lao động huyện Sóc Sơn

Sáng 24/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đã lắng nghe, chia sẻ, trực tiếp giải đáp thấu đáo nhiều mong mỏi, kiến nghị, đề xuất của công nhân, người lao động trên địa bàn huyện.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Sóc Sơn Trương Thị Thanh Nhàn, hiện nay, LĐLĐ huyện đang quản lý 231 Công đoàn cơ sở với 13.806 đoàn viên. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; đời sống, việc làm của công nhân lao động dần đi vào ổn định.

Với tinh thần nỗ lực vượt khó, tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, song đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tạo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh (bên phải) và Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Lê Văn Đại (bên trái) chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh (bên phải) và Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Lê Văn Đại (bên trái) chủ trì hội nghị.

Mặc dù vậy, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp, đặc biệt là ở những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến liên quan đến các vấn đề hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động… đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động.

Mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá xăng dầu, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...

Nhằm tạo diễn đàn lắng nghe, chia sẻ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho công nhân, người lao động trên địa bàn huyện, LĐLĐ huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với công nhân, người lao động.

Công nhân đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại.

Công nhân đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại.

Trong vòng 2 tháng, LĐLĐ huyện đã tiếp nhận được trên 300 lượt ý kiến, kiến nghị đại diện cho trên 13.000 đoàn viên là công nhân lao động từ Công đoàn cơ sở. Qua tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu công nhân lao động tập trung vào một số nhóm lĩnh vực như: Lĩnh vực liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển kinh tế; Lĩnh vực liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thủ tục hành chính; Lĩnh vực liên quan đến việc cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất; xây dựng nhà ở xã hội.

Vấn đề về lương và phụ cấp: Giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, bảo vệ, y tế. Vấn đề về đảm bảo đủ biên chế giáo viên, nhân viên tại các trường mầm non; xây thêm trường học để đảm bảo số học sinh trên lớp đúng qui định. Đề nghị điều chỉnh lương theo bằng cấp và một số vấn đề khác như: Hồ sơ chuyên môn tại cấp học mầm non, vấn đề về khám chữa bệnh ngoài giờ….

Tại Hội nghị sáng 24/5, nhiều công nhân, người lao động đã chia sẻ những vấn đề còn bất cập hiện nay. Cụ thể như anh Ngô Văn Đồng, công đoàn lao động xã Đông Xuân chia sẻ, anh có người nhà đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện nhưng đăng ký khám chữa bệnh lại không được đăng ký vào Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn nếu không có bệnh nền. Do đó, kiến nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, bảo hiểm xã hội huyện cho thân nhân của công nhân được đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn.

Nêu thực trạng hiện nay, thời giờ làm việc của người lao động kéo dài từ thứ 2 đến thứ 7, ngoài ra còn phải làm tăng ca, chị Đỗ Thị Tuyết Mai, công đoàn viên Công ty Cổ phần môi trường Đô thị huyện Sóc Sơn kiến nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp thực hiện triển khai khám chữa bệnh vào ngày Chủ nhật, ngoài giờ hành chính cho người lao động có thẻ bảo hiểm y tế…

Hội nghị đã ghi nhận tổng số 18 ý kiến của công nhân, người lao động.

Hội nghị đã ghi nhận tổng số 18 ý kiến của công nhân, người lao động.

Trong buổi sáng, hội nghị đã ghi nhận tổng số 18 ý kiến của công nhân, người lao động. Trực tiếp lắng nghe, giải đáp tâm tư của người lao động, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chức năng trực tiếp giải đáp các vấn đề mà công nhân, người lao động nêu tại hội nghị. Lãnh đạo huyện cũng trực tiếp làm rõ thêm nhiều vấn đề được công nhân, người lao động quan tâm.

Khẳng định các ý kiến được đề cập tại Hội nghị đều là chính đáng, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết các cấp chính quyền của huyện sẽ tiếp tục lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của công đoàn, người lao động, để chỉ đạo các phòng ban xem xét kỹ lưỡng, giải quyết thấu đáo các khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Đối với các đoàn viên Công đoàn, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đề nghị tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, tay nghề để mang lại lợi ích cho bản thân, doanh nghiệp và địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp tránh xã các tệ nạn xã hội; các hành vi lừa đảo của tội phạm công nghệ, tín dụng đen…

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh đây là hoạt động có ý nghĩa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó tháo gỡ vướng mắc giúp người lao động yên tâm sản xuất; là cơ hội để các doanh nghiệp phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật để người lao động biết, thực hiện tốt.

“Về phía LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của huyện để tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết…”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doi-thoai-giai-dap-kien-nghi-cua-cong-nhan-nguoi-lao-dong-huyen-soc-son-171179.html