Đối thoại Shangri-La 2019: Thể hiện rõ nét quan tâm thực chất của các nước
Theo các chuyên gia, Đối thoại Shangri-La 2019 đang diễn ra tại Singapore đề cập đến những thách thức an ninh ở khu vực, cũng như làm thế nào giải quyết những thách thức này để tất cả các nước được thụ hưởng lợi ích ở châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019.
Việt Nam đề xuất giải pháp cho tranh chấp
Phát biểu tại phiên toàn thể thứ 5, Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore, sáng 2/6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, để giải quyết các tranh chấp hiện nay, các quốc gia cần đề cao không khí hòa bình, với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm với cộng đồng.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng khu vực đang phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp, trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn.
Bên cạnh đó, châu Á - Thái Bình Dương có vị trí địa - chiến lược ngày càng cao, sức hút ngày càng tăng thì sự cạnh tranh lợi ích chiến lược ngày càng quyết liệt hơn.
Cạnh tranh diễn ra phức tạp với tầm mức cao hơn, cả toàn cầu và khu vực; mở rộng trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài nguyên, môi trường, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, không gian mạng; liên quan đến cả an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Để giải quyết các thách thức này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng việc ứng xử và hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng. Các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm cao hơn trong các nỗ lực chung của khu vực, hành xử gương mẫu trong quan hệ quốc tế.
Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, đối thoại để cùng tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng là hành động tích cực, cần được ủng hộ, cổ vũ.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước; tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và thế giới với định hướng "giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng."
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết đây là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao..., tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Song nếu các quốc gia cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí, Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) đồng thời nhấn mạnh việc sớm xây dựng một COC thực chất, ràng buộc, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trong tiến trình này, Việt Nam mong muốn các bên liên quan tăng cường đối thoại, tham vấn, cùng nhau quản lý rủi ro và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Mỹ - Trung cùng đưa thông điệp cứng rắn
Sáng cùng ngày (2/6), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã "đăng đàn" phản bác quyết liệt những lập trường phía Mỹ đưa ra trước đó một ngày.
Trong bài phát biểu, ông Ngụy khẳng định quân đội Trung Quốc "không sợ đối đầu với những kẻ vượt lằn ranh đỏ" ở khu vực.
Ông cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng "các nước dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, đều là các thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Singapore ngày 2/6. (Nguồn: AFP)
Ông Ngụy đánh giá tình hình ở Biển Đông nhìn chung ổn định, tích cực nhưng "một số nước ở ngoài khu vực" đến Biển Đông để "phô diễn sức mạnh dưới danh nghĩa tự do hàng hải". Ông nói thêm rằng Bắc Kinh cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực, "không bao giờ theo đuổi chủ nghĩa bá quyền".
Về thương chiến Mỹ - Trung, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói: "Mâu thuẫn thương mại bắt đầu từ phía Mỹ: Nếu Mỹ muốn đàm phán, chúng tôi sẽ luôn mở rộng cửa. Nếu họ muốn chiến đấu, chúng tôi sẵn sàng đến cùng".
Trước đó, phát biểu tại Shangri-La ngày 1/6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng: "Có lẽ mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực này đến từ các đối tượng tìm cách phá hoại, thay vì duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
"Nếu xu hướng của các hành vi này tiếp tục, các thực thể nhân tạo (trên vùng biển) quốc tế có thể trở thành trạm thu phí, chủ quyền có thể chịu ảnh hưởng của kẻ mạnh", ông Shanahan nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. (Nguồn: Straitstimes)
Các bài phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa và ông Patrick Shanahan diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang leo thang cuộc chiến tranh thương mại, cũng như đối đầu gay gắt trong một loạt vấn đề như Biển Đông và Đài Loan.
Quan hệ Mỹ - Trung trở thành vấn đề trung tâm tại Đối thoại Shangri-La. Sự kiện năm nay là lần đầu tiên Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng tới dự sau 8 năm. Ông Ngụy Phượng Hòa đã gặp ông Patrick Shanahan bên lề diễn đàn hôm 31/5 để trao đổi về những cách thức xây dựng quan hệ quân đội song phương, giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai giữa hai nước cũng như thảo luận về triển vọng hợp tác tốt hơn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Đối thoại Shangri-La 2019, diễn ra từ 31/5 đến 2/6, là diễn đàn an ninh liên chính phủ được tổ chức hàng năm ở Singapore bởi Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng và quan chức quân sự hàng đầu từ các nước châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện nhằm trao đổi về những vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực hay củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa các nước.
Theo TTXVN, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có cuộc tiếp xúc song phương với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.
Trong cuộc gặp, lãnh đạo quân đội hai nước cho rằng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Ông Shanahan cho biết Mỹ hoan nghênh tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và đánh giá cao việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị Mỹ tiếp tục hợp tác để sớm hoàn thành Dự án xử lý ô nhiễm chất dioxin tại sân bay Biên Hòa, cũng như tiếp tục ủng hộ việc Việt Nam triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 số hai và đại đội công binh tại phái bộ gìn giữ hòa bình do LHQ chỉ định.