Đối thoại Shangri-La 2023: Châu Á giữa 'vòng xoáy' cạnh tranh Mỹ - Trung

Đối thoại Shangri-La 2023 cho thấy châu Á đang đứng giữa bất đồng sâu sắc Mỹ - Trung về trật tự an ninh khu vực.

Trong Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4-6 tại Singapore, các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã thúc đẩy tầm nhìn trái ngược nhau về an ninh và tương lai châu Á. Một bên là mạng lưới an ninh do Mỹ lãnh đạo với các đối tác được trang bị vũ khí hiện đại và bên còn lại là TQ là trung tâm của một trật tự thế giới mới, theo tờ The New York Times.

Khác biệt Mỹ, Trung Quốc về an ninh khu vực

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và các quan chức quốc phòng của các nước châu Âu đã lập luận, cả ẩn ý lẫn rõ ràng, rằng cuộc chiến ở Ukraine cho thấy châu Á nên ủng hộ mạng lưới các liên minh do Mỹ lãnh đạo để kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của TQ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2023 ngày 3-6. Ảnh: IISS

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2023 ngày 3-6. Ảnh: IISS

Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell nói rằng cuộc chiến ở Ukraine là “một yếu tố thay đổi cuộc chơi” đã dạy cho châu Âu “không có gì là xa vời trong một thế giới toàn cầu hóa”. Những thất bại về an ninh ở một khu vực “ảnh hưởng đến mọi người, mọi nơi” trên thế giới.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc chỉ trích lập luận của Mỹ, cho rằng “cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ không bao giờ cho bạn biết luật lệ là gì và ai đã tạo ra những quy tắc này”.

Ông Lý nói: “Một số quốc gia cố ý can thiệp vào các vấn đề nội bộ và các vấn đề khu vực, thường sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và cưỡng chế bằng vũ trang…Họ tạo ra sự hỗn loạn trong một khu vực và sau đó rời đi, để lại một mớ hỗn độn ở lại…Chúng tôi không bao giờ muốn để điều này lặp lại ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Đối thoại năm nay cho thấy rõ rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và TQ đang trở thành một cuộc cạnh tranh về địa chính trị toàn cầu trong tương lai: hoặc là hướng tới một trật tự do Mỹ thống trị đang hồi sinh với các đối tác tích cực và gắn bó hơn, hoặc với một trật tự do TQ dẫn đầu, ít nhất là ở châu Á.

Ông Lý Thượng Phúc cho rằng cách tốt nhất để tránh xảy ra va chạm là các nước bên ngoài khu vực, như Mỹ, hãy rời đi và lo việc của mình. Ông Lý cũng bác ý kiến rằng châu Âu cần đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh châu Á và cho rằng đây là một mưu đồ của Mỹ nhằm thiết lập một phiên bản NATO châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2023 ngày 4-6. Ảnh: IISS

Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2023 ngày 4-6. Ảnh: IISS

Phát biểu tại hội nghị, cựu đại sứ TQ tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói rắn rằng “chúng tôi không cần một NATO châu Á”. Cho rằng châu Âu đang "thiếu thành công" ngầm ý về cuộc chiến tranh ở Ukraine, ông Thôi đề nghị châu Âu nên học hỏi từ thành công của châu Á trong việc duy trì hòa bình khu vực.

Các quan chức quốc phòng Philippines cho rằng có một sự lệch pha giữa các tuyên bố của TQ và các hoạt động thực địa của Bắc Kinh, chẳng hạn như việc tàu Cảnh sát biển TQ quấy rối các tàu đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

“Trong khi TQ nói về đối thoại, các hành động của TQ cho thấy sự đối đầu” - Thiếu tướng Jay Tarriela của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines nêu quan điểm.

Đối đầu sẽ là “bình thường mới” tại các diễn đàn an ninh?

Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Lowy (Úc) Michael Fullilove nói rằng ông đã tham dự các kỳ Đối thoại Shangri-La trong hơn một thập niên. Trong thời gian đó “các bài phát biểu của các Bộ trưởng quốc phòng TQ ngày càng quyết đoán” và bài phát biểu của ông Lý Thượng Phúc là bài phát biểu mạnh bạo nhất trong số đó, theo tờ The Washington Post.

Nhà nghiên cứu Ankit Panda của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng ẩn ý cơ bản trong bài phát biểu của ông Lý là TQ tin rằng “về cơ bản, Mỹ không phải là một cường quốc châu Á và do đó nên từ bỏ sự hiện diện trong khu vực”.

Việc bất đồng tại hội nghị có khả năng trở thành một điều bình thường mới khi quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xuống dốc. Thay vì thu hút sự tham gia của bên kia, “cả hai nước sẽ sử dụng các diễn đàn như thế này để trình bày các câu chuyện cạnh tranh và tầm nhìn ưu tiên của mỗi nước cho an ninh khu vực”, theo ông Panda.

Nhà khoa học chính trị Ian Chong thuộc ĐH Quốc gia Singapore cho rằng nhiều quốc gia đang cố gắng hết sức để tránh phải chọn bên giữa Mỹ và TQ.

Trong hội nghị G7 diễn ra tại Hiroshima (Nhật), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dự đoán quan hệ hai nước Mỹ - TQ sẽ sớm tan băng.

Tuy nhiên, bà Ivy Kwek, thành viên của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế chuyên nghiên cứu về xung đột, cho rằng điều đó “không thể xảy ra trong thời gian tới” do TQ coi “các điều khoản đối thoại với Mỹ là bất lợi cho họ”.

Bà cho rằng đó là nguồn gốc gây lo ngại ngày càng tăng trong khu vực, khi đại đa số các nước châu Á coi sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và TQ là một nguy cơ gây bất ổn.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-thoai-shangri-la-2023-chau-a-giua-vong-xoay-canh-tranh-my-trung-post736435.html