Đối thoại Shangri-La: Không giới hạn trong vấn đề an ninh châu Á, Mỹ-Trung Quốc tận dụng cơ hội tìm tiếng nói chung?
Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, xung đột Nga-Ukraine hay tình hình bán đảo Triều Tiên... sẽ là những trọng tâm chính tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore lần này.
Dư luận cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tận dụng Đối thoại Shangri-La, Hội nghị An ninh hàng đầu châu Á diễn ra trong tuần này, nhằm công kích lẫn nhau trong mọi vấn đề bất chấp việc hai bên đã tỏ ý sẵn sàng thảo luận nhằm giải quyết những khác biệt.
Đối thoại Shangri-La, sự kiện quy tụ các quan chức quân sự, nhà ngoại giao và nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, sẽ diễn ra từ ngày 10-12/6 tại Singapore.
Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức kể từ năm 2019 sau hai lần bị hoãn do đại dịch Covid-19. Ban tổ chức sự kiện cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Từ quan điểm của mình, chúng tôi kỳ vọng rằng nội dung cuộc họp sẽ tập trung vào việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực và các vấn đề toàn cầu”.
Truyền thông Trung Quốc cũng nêu rõ Bắc Kinh sẽ tận dụng cuộc họp lần này để thảo luận về việc hợp tác với Mỹ.
Cuối tuần này, Bộ trưởng quốc phòng hai nước Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ có bài phát biểu nhằm tái khẳng định cam kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đưa ra một số lưu ý đối với người đồng cấp bên kia.
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trong những tháng gần đây, khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.
Meia Nouwens, cộng tác viên cấp cao về Chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La nhận định: “Vấn đề then chốt tại Hội nghị năm nay chắc chắn là mối quan hệ cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc... Tính cấp bách sẽ liên quan đến việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục hiện đại hóa, cũng như sự quyết đoán mà chúng ta thấy từ phía Trung Quốc trong 2 năm qua”.
Mặc dù Hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề an ninh châu Á, song cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm cần được thảo luận.
Theo một nguồn thạo tin, Ukraine sẽ gửi một phái đoàn đến dự cuộc họp, còn Nga sẽ không tham gia. Li Mingjiang, Giáo sư cộng tác với Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), cho biết: “Phía Mỹ sẽ tận dụng dịp này để chỉ trích quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga... Chúng ta sẽ được thấy một số kết luận về quan hệ đối tác Nga-Trung Quốc. Trung Quốc cũng sẽ bảo vệ mối quan hệ với Nga cũng như lập trường và chính sách của nước này trong vấn đề Ukraine”.
Các đảo Thái Bình Dương cũng nổi lên như một mặt trận chủ chốt của Washington trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.
Dự kiến, Đặc phái viên của Tổng thống Biden sẽ đến thăm Quần đảo Marshall vào tuần tới, trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về tính toán mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng 10 nước Thái Bình Dương tại Fiji, theo đó cân nhắc đề xuất của Trung Quốc về việc ký kết một hiệp định thương mại và an ninh bao trùm.
Đối thoại Shangri-La lần này cũng có thể sẽ đề cập đến mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ phía Triều Tiên, quốc gia vừa tiến hành ít nhất 18 vụ thử vũ khí kể từ đầu năm nhằm khẳng định sức mạnh tên lửa và hạt nhân của nước này.
Ngày 8/6, các quan chức Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cho biết các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng là hành vi khiêu khích “nghiêm trọng, trái pháp luật”.
Ngày 10/6, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ có bài phát biểu khai mạc Hội nghị, theo đó kêu gọi giải quyết tranh chấp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng các biện pháp hòa bình.
(theo Reuters)